Một tiết học ôn thi môn toán của học sinh lớp 9A15 Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5, TP.HCM chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới - Ảnh: Như Hùng |
Thời điểm này, hầu hết các trường THCS đều đã kết thúc khóa dạy ôn thi vào lớp 10, nhiều thí sinh và cả giáo viên cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi nhưng vẫn thấy lo...
TP.HCM: 13.000 thí sinh sẽ rớt khỏi công lập
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015 - 2016 ngày 11 và 12-6 có 77.726 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi chỉ tiêu vào lớp 10 công lập là 64.715 học sinh. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 13.000 thí sinh bị rớt khỏi lớp 10 công lập.
“Đi thi chắc chắn sẽ có người đậu, kẻ rớt nhưng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay thật sự giáo viên chúng tôi rất hồi hộp. Điều khiến các học sinh lo lắng chính là nội dung của đề thi, nhất là khi Sở GD-ĐT TP khẳng định năm nay sẽ đổi mới mạnh mẽ cách ra đề thi môn văn” - một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 ở Q.Gò Vấp cho biết.
Cô Trần Thị Đỗ Uyên - tổ trưởng tổ văn Trường THCS Nguyễn An Ninh, Q.12 - phân tích: “Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT TP đã có hướng dẫn cụ thể về cấu trúc đề thi môn văn. Từ chủ trương thay đổi của sở, chúng tôi cũng thay đổi phương pháp giảng dạy môn văn.
Nếu như trước đây giáo viên dạy văn cho học sinh theo kiểu áp đặt, thuộc lòng thì năm nay chuyển hẳn sang kiểu dạy cho các em theo hướng cảm thụ. Bởi vì ngay cả câu đọc hiểu cũng không phải dạng đơn giản: đề thi không chỉ cho ra những văn bản trong sách giáo khoa mà có thể ở cả ngoài sách giáo khoa. Nếu học sinh không tư duy thì sẽ không làm được”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chủ trương về đề thi môn văn của Sở GD-ĐT TP là: “Yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp từ 20 - 30% và yêu cầu vận dụng cao từ 70 - 80% trên tổng số điểm của bài thi” đã gây ra hai luồng dư luận trái chiều.
Đa số giáo viên giỏi ủng hộ quan điểm trên vì cho rằng cần thay đổi cách dạy và học văn, phải dạy cho học sinh hiểu môn văn rất cần thiết trong cuộc sống, chứ không thể tiếp tục dạy học sinh học văn như những con vẹt... Tuy vậy, khá nhiều hiệu trưởng các trường THCS đã tỏ ra băn khoăn: thay đổi mạnh mẽ như thế liệu giáo viên có theo kịp không, nhất là những giáo viên ở các trường nhỏ?
Và trong quá trình tổ chức ôn thi cho học sinh, các trường THCS trên địa bàn TP đã chú trọng dành nhiều thời gian cho việc ôn tập môn văn cũng vì lý do trên. Cô Nguyễn Thị Lựu - hiệu trưởng Trường THCS Yên Thế, Q.Bình Thạnh - chia sẻ: “Trước khi tổ chức cho học sinh lớp 9 ôn thi, chúng tôi đã tổ chức họp chuyên môn các giáo viên môn văn, toán, ngoại ngữ để rút kinh nghiệm từ những năm trước.
Về cơ bản, môn toán và tiếng Anh không có thay đổi nhiều nên chúng tôi không lo lắm. Môn học khiến nhà trường hồi hộp nhất là môn văn. Cùng với chủ trương đổi mới của sở, nhà trường cũng thay đổi cách giảng dạy môn văn, yêu cầu học sinh phải chủ động theo dõi tin tức, thời sự, quan tâm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội chứ không chỉ chăm chăm học trong sách giáo khoa”.
Các giáo viên môn văn “bật mí” rằng hình thức ôn thi tiêu biểu nhất trong năm nay chính là cách dạy theo chủ đề chứ không ôn thi từng bài học cụ thể trong chương trình. Từ một chủ đề nhất định, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh cách tìm tư liệu, học sinh phải tự học nhiều hơn chứ không gói gọn những gì giáo viên dạy trên lớp.
Hà Nội: chỉ tuyển gần 70% vào công lập
Sáng 8-6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triệu tập điểm trưởng của 160 điểm thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay để phổ biến, trao đổi về việc chuẩn bị cho kỳ thi sẽ diễn ra ngày 11-6 (với khối đại trà) và các ngày 11, 12, 13-6 (đối với học sinh dự thi khối chuyên).
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 gần 80.000 học sinh, tăng gần 10.000 em so với năm học trước. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập mặc dù đã điều chỉnh cho phép tuyển vượt 10 - 20% nhưng cũng chỉ đáp ứng được 68%, tương đương khoảng 50.000 học sinh.
Như vậy, khoảng 30.000 học sinh không trúng tuyển vào trường công lập sẽ phải học ở các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo số liệu đăng ký dự thi của học sinh, có những trường có số lượng đăng ký cao gấp ba lần chỉ tiêu tuyển sinh, khoảng 11 trường khác có số lượng đăng ký gấp đôi chỉ tiêu. Áp lực vào các trường tốp đầu như THPT Kim Liên, Yên Hòa, Phan Đình Phùng, Thăng Long, Trần Phú, Lê Quý Đôn căng thẳng hơn các mùa tuyển sinh khác ở Hà Nội.
Để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Hà Nội huy động 80.000 cán bộ, giáo viên tham gia. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, sẽ không bố trí giáo viên THCS dạy các môn ngữ văn và toán coi thi (ngày thi cho học sinh đại trà) để đảm bảo tính khách quan. Hà Nội có 160 điểm thi với 3.350 phòng thi, tới thời điểm này đã được đảm bảo đủ điều kiện an toàn cho việc tổ chức kỳ thi.
Theo phương án tuyển sinh đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, học sinh khối đại trà sẽ dự thi hai môn ngữ văn và toán vào ngày 11-6. Đề thi nằm trong chương trình THCS, chủ yếu lớp 9. Để khuyến khích việc dạy học theo hướng phát triển năng lực, dự kiến đề thi sẽ có những câu hỏi mở, liên hệ giữa kiến thức trong chương trình và thực tế cuộc sống.
Học sinh dự thi vào các trường, khối chuyên, ngoài hai môn thi đại trà sẽ phải thi thêm môn ngoại ngữ và các môn chuyên.
Việc xét tuyển vào lớp 10 công lập ở Hà Nội vẫn duy trì hình thức thi kết hợp xét tuyển, trong đó điểm xét tuyển dựa trên kết quả học tập, hạnh kiểm ở bậc THCS của học sinh chiếm 1/3 tổng điểm xét tuyển. Để đảm bảo khách quan, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra chéo đối với 600 trường THCS để rà soát hồ sơ học sinh, hạn chế, ngăn ngừa tình trạng sửa điểm, nâng điểm cho học sinh để dự tuyển vào lớp 10.
Ở Hà Nội, nếu học sinh không đỗ nguyện vọng 1 thuộc khối trường công lập không chuyên sẽ được xem xét tuyển nguyện vọng 2 ở trường khác, với điều kiện điểm tuyển nguyện vọng 2 cao hơn nguyện vọng 1 của trường đó 1,5 điểm. Các năm trước, Hà Nội có khoảng 10 trường gặp khó khăn về nguồn tuyển, được Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép tuyển nguyện vọng 3 trong khu vực tuyển sinh hoặc trên địa bàn toàn TP. Nhưng để đảm bảo chất lượng đầu vào, năm nay lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết sẽ siết chặt đầu vào hơn, hạn chế chỉ tiêu tuyển nguyện vọng 3 của các trường công lập. Trong khi đó tại TP.HCM, một học sinh có thể đăng ký tối đa bảy nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Trong đó có ba nguyện vọng đăng ký vào trường thường và bốn nguyện vọng đăng ký vào trường, lớp chuyên. Sở GD-ĐT sẽ xét duyệt nguyện vọng vào trường, lớp chuyên trước. Học sinh không đậu vào trường chuyên vẫn được xét duyệt vào trường thường nếu đủ điểm chuẩn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận