06/06/2015 10:54 GMT+7

Trước kỳ thi THPT quốc gia, trường học Hà Nội vẫn mở cửa

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - So với mốc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, học sinh lớp 12 năm nay có thêm một tháng ôn tập.

Một tiết học văn ở Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Mặc dù theo quy định, các trường chỉ tổ chức ôn tập trên cơ sở tự nguyện của học sinh, nhưng vào thời điểm này hầu hết học sinh Hà Nội vẫn đăng ký học tại trường vì lo lắng cho một kỳ thi có nhiều điểm mới.

Giáo viên toán, ngữ văn, Anh văn quá tải

Theo thầy Phan Thanh Tùng - hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông, hầu hết học sinh lớp 12 của trường đều đăng ký học toán, ngữ văn, Anh văn vì đây là những môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT, và cũng là các môn nằm trong tổ hợp môn thi phần lớn học sinh chọn để xét tuyển ĐH-CĐ.

Các lớp ôn thi vật lý, hóa học cũng đông học sinh đăng ký. Đợt ôn thi này sẽ kéo dài thêm bốn tuần trước khi các em bước vào kỳ thi.

“Tới thời điểm này, chủ yếu các lớp ôn tập đều chuyển sang hướng dẫn học sinh ôn theo các chủ đề chuyên sâu hơn, luyện đề và cho học sinh thi thử với các đề thi theo mẫu tương đương với mẫu đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT”- thầy Tùng cho biết.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cũng cho biết trên 90% học sinh lớp 12 vẫn đến trường bình thường sau lễ bế giảng năm học.

“Ở giai đoạn này, chúng tôi cho phép phụ huynh và học sinh không chỉ đăng ký ôn thi theo môn mà còn đăng ký cả giáo viên. Theo thứ tự, các lớp toán, Anh, văn, lý, hóa đông học sinh đăng ký hơn. Bên cạnh đó, cùng một môn học cũng có những giáo viên bị “quá tải” so với giáo viên khác vì được phụ huynh và học sinh tín nhiệm"- cô Nhiếp giải thích.

“Với việc cho phép học sinh chọn giáo viên, chọn môn học tùy theo nguyện vọng mà không bắt buộc cứng nhắc học đủ các môn, chúng tôi yên tâm cho con ôn tập ở trường tới sát kỳ thi mà không phải tìm thêm các lớp ôn tập bên ngoài. Giáo viên của trường ngoài chuyên môn, kinh nghiệm ôn tập tốt, còn hiểu học sinh và theo sát các con nhắc nhở từ cách học hiệu quả cho đến cách thư giãn, giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị cho kỳ thi”- một phụ huynh có con đang ôn thi ở Trường THPT Phan Huy Chú cho biết.

Hầu hết đại diện các trường tại Hà Nội đều cho biết việc ôn thi trong tháng cuối cùng này vẫn được tổ chức theo biên chế lớp.

“Việc tổ chức lớp ôn thi theo trình độ rất khó. Hơn nữa giáo viên phụ trách môn học là người hiểu học sinh hơn cả, nên việc tổ chức theo biên chế lớp sẽ giúp giáo viên có thể bao quát và kèm sát từng trường hợp học sinh hơn”- thầy Tùng giải thích.

Cũng theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng, ngay trong một lớp học do một giáo viên phụ trách ở thời điểm này, giáo viên cũng có thể phân loại trình độ để có hướng dẫn hợp lý đối với từng nhóm học sinh theo mức độ khác nhau.

Với 100% học sinh Trường Đinh Tiên Hoàng đều đăng ký ôn tập tại trường, nhà trường chỉ đạo các giáo viên phụ trách tăng cường việc hướng dẫn học sinh tự học theo các mục đích khác nhau (bám sát cơ bản để đạt yêu cầu tốt nghiệp, và chuyên sâu để xét tuyển ĐH-CĐ).

“Tuy vẫn tổ chức theo biên chế lớp nhưng mỗi lớp chúng tôi đều yêu cầu giáo viên phân loại trình độ để chia làm hai ca học, một ca dành cho học sinh có học lực trung bình trở xuống, học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp; một ca cho học sinh có trình độ khá hơn, có nguyện vọng dự thi để xét tuyển ĐH-CĐ”- cô Nhiếp cho biết.

Môn sinh, sử... bơ vơ

Với những trường có tỉ lệ học sinh đăng ký môn sinh, sử, địa quá ít, việc tổ chức riêng lớp ôn thi các môn này là điều khó khăn cho các trường. Đa số các trường tại Hà Nội đều cho biết gặp khó khăn khi cả khối chỉ có trên dưới 10 học sinh đăng ký các môn sinh, sử, địa.

“Cả trường tôi chỉ có hai học sinh đăng ký thi môn sinh. Với số lượng quá ít như thế khó có thể tổ chức một lớp ôn thi. Vì thế ngay trong năm học, ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên bộ môn chủ động hướng dẫn học sinh xây dựng đề cương ôn tập.

Đây là những học sinh chỉ dự thi sinh để xét tốt nghiệp nên việc ôn tập bám sát chương trình cơ bản không phải vấn đề phức tạp quá”- lãnh đạo một trường ở Hà Nội cho biết.

Những học sinh đăng ký thi địa lý, lịch sử ở một số trường như Kim Liên, Trần Phú cũng cho biết các em phải chủ động ôn tập vì sau khi kết thúc năm học, các lớp ôn tập chỉ mở cho những môn có đông thí sinh đăng ký.

“Cả lớp chỉ có năm học sinh đăng ký thi địa lý nên ban đầu các bố mẹ định mời cô giáo tổ chức dạy thêm bên ngoài nhưng học phí quá đắt nên lại thôi. Hiện tại chúng em xin đề cương của một số bạn thi khối C trường khác để tự ôn tập, với mục đích vượt qua điểm liệt để đỗ tốt nghiệp với môn học này”- một học sinh chia sẻ.

Học cách vượt qua “điểm liệt”

Việc đỗ tốt nghiệp THPT trong bối cảnh nhiều điểm mới của kỳ thi năm nay, với nhiều học sinh Hà Nội là không khó. Bởi vậy nhiều hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của các trường THPT tại Hà Nội chỉ đặt ra mục tiêu “vượt qua điểm liệt” với những học sinh có trình độ ở mức dưới trung bình hoặc còn yếu.

“Năm nay chúng tôi vẫn tổ chức lớp ôn tập đặc biệt cho những học sinh bị hổng kiến thức quá nhiều. Mục đích là kèm cặp để các em có thể học lại, lấp đầy kiến thức bị thiếu hụt. Chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn các em học sinh còn yếu làm quen với cách thức làm bài thi, những điểm cần lưu ý để tránh mất điểm, cố gắng để các em không bị rơi vào “điểm liệt””- thầy Phan Thanh Tùng cho biết.

Tại Trường Phan Huy Chú, việc kèm học sinh còn yếu được chỉ đạo tới từng giáo viên bộ môn. Thay vào việc tổ chức “lớp đặc biệt” như năm trước, ban giám hiệu trường này chỉ đạo giáo viên có phương án "1 kèm 1" với những học sinh đặc biệt của từng lớp để các em tự tin, nỗ lực vươn lên.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên