Học sinh thi vào lớp 10 Trường PT Năng khiếu năm 2015 - Ảnh: Như Hùng |
Nguyên văn câu 2 đề thi dành cho học sinh thi vào lớp 10 chuyên văn là: “Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em (Nguyễn Nhật Ánh). Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm, em hãy giới thiệu về một nhà văn là “trụ đỡ tinh thần” của em”.
Năm học 2015-2016, Trường phổ thông Năng khiếu có khoảng 3.500 thí sinh dự thi với chỉ tiêu tuyển là 600 học sinh các lớp chuyên và không chuyên. |
Thí sinh N.M.Th.H. nói rằng: “Mình không làm được vì chẳng có nhà văn nào là “trụ đỡ tinh thần” của mình cả”.
Trong khi đó, T.H nhận định: “Đề thi đánh đố thí sinh vì không có trong chương trình sách giáo khoa mà tụi mình đã học. Mình không đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì làm sao làm được?”.
H.T.H.M. thì nêu trên Facebook: “Mình cho rằng tất cả những nhà văn mà mình được học trong chương trình lớp 9 đều là trụ đỡ tinh thần cho trẻ em. Phải là trụ đỡ thì các bác ở Bộ GD-ĐT mới đưa vào chương trình cho tụi mình học chứ. Thế nên, mình đã viết về nhà văn Nguyễn Quang Sáng với tác phẩm Chiếc lược ngà. Nhưng thầy mình bảo làm như vậy là lạc đề…”.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Bích Liên, phó hiệu trưởng, giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, phân tích: “Cần nhắc lại đây là đề thi dùng để tuyển chọn học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu môn văn để vào học lớp 10 chuyên văn. Vì vậy, nếu đề thi mà tất cả học sinh đều làm được thì không đạt được yêu cầu của kỳ thi. Thế nên, nếu nói đề thi khó cũng là chuyện bình thường”.
Minh Nam, học sinh lớp 9 ở quận 3, cũng cho rằng: “Đã là đề thi dành cho học sinh chuyên văn thì không nhất thiết phải có nội dung trong chương trình sách giáo khoa. Mà với câu hỏi trên, mình không viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà mình viết về nhà văn Tô Hoài với tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký tụi mình đã được học từ năm lớp 6”.
Theo cô Bích Liên, một học sinh dự thi vào lớp 10 chuyên văn thì chắc chắn phải có lòng đam mê văn chương, có sự quan tâm đến các tác phẩm văn học, có ít nhất một nhà văn mà mình yêu mến. Tất cả tác phẩm của các nhà văn chân chính đều có gửi gắm một hay nhiều thông điệp đến độc giả. Vấn đề là người đọc yêu cái gì của họ mà thôi. Lâu nay, học sinh cứ quen với dạng đề thi yêu cầu thí sinh nói lại những gì các em đã học trên lớp. Chỉ cần đề thi “chệch” ra khỏi “đường ray” này là nhiều em đã thấy khó rồi.
Cô Liên cho biết: “Trường THCS Nguyễn Du cũng có một số em dự thi vào lớp 10 chuyên văn Trường phổ thông Năng khiếu. Các em cho biết rất thích đề văn chuyên (thí sinh phải dự thi 4 môn: ngoài môn chuyên còn có 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ theo dạng đề thi không chuyên - NV). Lý do vì các em được tự do chọn lựa tác phẩm mà mình yêu thích để viết vào bài làm chứ không bắt buộc phải viết về một tác phẩm nhất định nào. Thứ hai là các em được thoải mái viết lên những suy nghĩ, quan điểm của bản thân mình”.
Đồng tình với quan điểm trên, cô giáo Ngô Thị Thu Hà, giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM, dự đoán: “Với đề thi trên, chắc chắn sẽ không tìm được nhiều bài làm hay. Nhưng nếu có bài hay thì đó là những em học sinh thực sự có năng khiếu về văn chương và những em ấy xứng đáng vào học lớp 10 chuyên văn”.
Theo cô Hà: Câu hỏi yêu cầu thí sinh viết bài làm “từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm” là một tiếng chuông cảnh báo và nhắc nhở trẻ em cần phải đọc sách nhiều hơn, tiếp cận với các tác phẩm văn học nhiều hơn chứ không chỉ có ca nhạc và phim ảnh. Đề thi cũng là một sự xác lập tầm quan trọng của kỹ năng đọc. Tôi thấy nhiều em học sinh hiện nay chỉ thích đọc truyện tranh chứ ít chịu đọc truyện chữ. Các em nói rằng đọc truyện tranh cho nhanh, đọc truyện tranh để giải trí chứ đọc truyện chữ mất thời gian mà lại phải suy nghĩ”.
Cô Hà kết luận: “Đề thi như vậy được xem là hay, phù hợp với yêu cầu của việc tuyển chọn học sinh có năng khiếu văn chương”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận