16/05/2015 09:18 GMT+7

Tuyển sinh lớp 10: Biết lượng sức mình, trường công không khó

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Trước thông tin số học sinh (HS) tốt nghiệp THCS ở TP.HCM năm nay tăng hơn 14.000 em trong khi chỉ tiêu vào lớp 10 công lập tăng chưa đến 3.000 chỗ, nhiều HS và phụ huynh tỏ ra lo lắng.

Cô Vũ Thị Thanh Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A5 Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM - hướng dẫn phụ huynh ghi hồ sơ dự thi vào lớp 10 năm 2015 - Ảnh: Như Hùng
Cô Vũ Thị Thanh Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A5 Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM - hướng dẫn phụ huynh ghi hồ sơ dự thi vào lớp 10 năm 2015 - Ảnh: Như Hùng

Năm nay các trường THPT toàn thành phố tuyển 66.980 chỉ tiêu, tăng gần 3.000 chỉ tiêu so với năm 2014, trong khi đó toàn thành phố có gần 83.000 HS tốt nghiệp THCS (năm ngoái chỉ có 68.500 HS dự thi vào lớp 10).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tuyển sinh lớp 10 cánh cửa vẫn rộng mở đối với các thí sinh “biết người biết ta”.

Theo số liệu về việc đăng ký các nguyện vọng (NV) vào lớp 10 công lập năm học 2015-2016 mà Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố tối 14-5, khá nhiều trường THPT lại có tỉ lệ “chọi” NV1 giảm đến mức không ngờ.

Trước tiên phải kể ngay đến ba trường THPT thuộc top đầu là Nguyễn Thị Minh Khai năm nay giảm chỉ tiêu còn 585 HS (năm trước 645 HS) nhưng tỉ lệ “chọi” vẫn giảm từ 1/2,62 của năm trước, nay còn 1/2,33; Trường trung học Thực hành (thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM) có lẽ do năm nay tăng chỉ tiêu nên tỉ lệ “chọi” giảm từ 1/3,19 xuống còn 1/2,37.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tăng chỉ tiêu từ 540 lên 585 và tỉ lệ “chọi” giảm nhẹ từ 1/2,95 còn 1/2,65.

Năm 2015 TP thực hiện đẩy mạnh công tác phân luồng HS sau THCS. Mặc dù các trường THPT công lập vẫn nhận khoảng 80% số HS tốt nghiệp THCS trên địa bàn TP nhưng sẽ chỉ dành cho những HS có năng lực học tiếp chương trình văn hóa ở bậc THPT. Những em không thể theo tiếp chương trình văn hóa thì nên chuyển hướng sang con đường học nghề, đừng mất thời gian, công sức và tiền bạc một cách vô ích
Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Tỉ lệ “chọi” chỗ tăng, chỗ giảm

Không ít HS ở Q.Bình Thạnh đã “sung sướng” khi thấy tỉ lệ “chọi” vào Trường THPT Gia Định giảm đáng kể từ 1/2,9 thì năm nay chỉ còn 1/2,49 (nguyên nhân vì năm nay trường tăng chỉ tiêu rất nhiều: từ 675 HS nay tăng lên 900 HS).

Ngôi trường cùng hạng là Nguyễn Công Trứ dù vẫn giữ nguyên chỉ tiêu nhưng tỉ lệ “chọi” cũng giảm nhẹ. Riêng Trường THPT Phú Nhuận vẫn giữ nguyên tỉ lệ “chọi” như năm trước.

Đó là những tín hiệu thuộc diện “dễ thở” của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016. Xét theo mặt bằng chung, đa số các trường đều tăng tỉ lệ “chọi”. Nếu như Trường THPT Bùi Thị Xuân, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền, Trần Hưng Đạo, Trung Phú... chỉ tăng nhẹ thì rất nhiều trường nội thành và cả vùng ven, ngoại thành có tỉ lệ “chọi” tăng cao so với năm trước.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập sẽ thi ba môn: toán, ngữ văn và ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật) trong hai ngày 11 và 12-6-2015 ( HS nào thi vào trường, lớp chuyên sẽ dự thi môn chuyên vào chiều 12-6).

Những HS được dự xét tuyển là HS dự thi đủ ba bài thi tuyển sinh vào lớp 10 và không có bài thi nào bị điểm 0.

Có thể kể như Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Trường trung học Thực hành Sài Gòn (thuộc ĐH Sài Gòn), Trường Lê Thị Hồng Gấm, Diên Hồng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Trung Trực...

Theo nhận định của một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, với bối cảnh như năm nay thì việc nhiều trường tăng tỉ lệ “chọi” là điều dễ hiểu. Yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của thí sinh chính là năng lực của các em.

Khi quyết định đăng ký NV ưu tiên, HS và phụ huynh cần so sánh điểm thi học kỳ 2 năm lớp 9 của HS với điểm chuẩn vào lớp 10 của năm trước (có trừ đi từ 2-5 điểm cho phần sai số), còn số liệu ban đầu mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố chỉ để tham khảo mà thôi.

Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Tân Bình cũng cảnh báo: “Cách đây vài năm đã xảy ra trường hợp các em thấy trường A tỉ lệ “chọi” thấp quá trong khi trường B có tỉ lệ “chọi” quá cao, thế là đổ xô nhau rút khỏi trường B, đăng ký vào trường A. Kết quả là điểm chuẩn vào trường A năm đó cao hơn mấy điểm so với trường B trong khi hai trường thuộc cùng "top”.

Coi chừng “xôi hỏng bỏng không”

“Hết học kỳ 1 em chỉ đạt học sinh tiên tiến. Đến cuối năm học em đã có rất nhiều cố gắng và đạt được học lực giỏi. Nhưng tôi là giáo viên chủ nhiệm của em, tôi biết trình độ của em chỉ nên đăng ký NV1 vào Trường THPT Gia Định. Em thưa rằng cô hãy cho con một cơ hội, con rất thích Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và con mơ ước được học dưới mái trường ấy. Cô hãy cho con thử sức một lần thôi, con hứa sẽ cố gắng hết mình. Tôi giải thích, phân tích kiểu gì em cũng khăng khăng với quyết định của mình. Sau đó em đã chọn NV1 vào Nguyễn Thị Minh Khai, NV2 vào Gia Định, NV3 vào Trường Nguyễn Thị Diệu. Tôi thấy không ổn, gọi điện cho mẹ em nhưng mẹ em cũng chiều theo ý con. Kết quả là em thiếu điểm vào Trường Nguyễn Thị Minh Khai, vừa đủ điểm vào NV1 Trường Gia Định nhưng khổ nỗi em lại chọn NV2 vào Gia Định nên đành chịu rớt (trong cùng một trường, điểm chuẩn NV2 thường cao hơn điểm chuẩn NV1). Cuối cùng em phải học Trường THPT Nguyễn Thị Diệu với nỗi buồn vời vợi” - một giáo viên chủ nhiệm lớp 9 đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về học trò của mình và kết luận: “Những năm sau này, khi tư vấn cho phụ huynh và HS, tôi luôn đem câu chuyện có thật ấy ra để minh chứng cho lời khuyên đừng bao giờ chọn NV quá với sức học của mình”.

Đồng tình với ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Lữ - giáo viên chủ nhiệm lớp 9A2 Trường THCS Nguyễn An Ninh, Q.12 - chia sẻ: “Khi đăng ký vào lớp 10, nhiều HS có xu hướng chọn trường theo nhóm bạn mình chơi chung. Trong khi đó một nhóm 5-7 HS nhưng chỉ có 2-3 HS học tốt, số còn lại học yếu thì không thể đăng ký trường giống nhau được. Vì vậy yếu tố quan trọng nhất vẫn là học lực của HS”.

Cô Lữ kể: “Trên thực tế có nhiều em rất may mắn trong thi cử, ví dụ học lực thực chất của em chỉ khoảng điểm 7, 8 nhưng kết quả kiểm tra học kỳ 2 năm lớp 9 của em lại được đến 9 điểm. Thế nên em đánh giá không đúng về thực lực của mình, bỏ ngoài tai lời khuyên của giáo viên chủ nhiệm để đăng ký thi vào trường tốp đầu. Nhiều em sau đó đã bị rớt”.

Đà Nẵng: Trường THPT Trần Phú có lượng đăng ký đông nhất

Ngày 15-5, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi các phòng GD-ĐT trên địa bàn về việc thông báo số liệu học sinh đăng ký vào lớp 10 trường THPT năm học 2015-2016.

Theo đó, số học sinh đăng ký vào lớp 10 Trường THPT Trần Phú là đông nhất, trong đó số học sinh đăng ký NV1 là 1.128 học sinh, NV2 là 1.277 học sinh (trường này có chỉ tiêu 840 học sinh), tiếp đó là Trường THPT Thái Phiên NV1 có 1.294 học sinh, NV2 có 887 học sinh (trường có chỉ tiêu 840 học sinh).

Trường THPT Phan Châu Trinh NV1 có 1.963 học sinh, NV2 có 3 học sinh (trường này có chỉ tiêu 1.260 học sinh). 

Theo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, tổng chỉ tiêu lớp 10 THPT năm học 2015-2016 là 10.994 học sinh, tổng số học sinh đăng ký NV1 là 11.904, NV2 là 11.282 học sinh.

ĐOÀN CƯỜNG

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên