Nhóm cổ đông Âu Lạc nắm vốn Ngân hàng ACB
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Đây là danh sách cập nhật, sau khi ngân hàng này từng công bố lần đầu vào cuối tháng 7 năm nay.
Tại danh sách bổ sung xuất hiện thêm 5 cổ đông, gồm cả tổ chức và cá nhân.
Trong đó, Công ty CP Đầu tư thương mại Giang Sen nắm hơn 80,2 triệu cổ phần, tương ứng gần 1,8% vốn ngân hàng. Song người liên quan đến công ty này nắm hơn 5,1% vốn tại ACB.
Tiếp đến Công ty CP Đầu tư thương mại Bách Thanh nắm hơn 55,9 triệu cổ phần ACB, tương ứng 1,25% vốn và người liên quan nắm 5,6% vốn tại ngân hàng.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024, cả Giang Sen và Bách Thanh đều là cổ đông tổ chức có liên quan tới ông Trần Hùng Huy - chủ tịch HĐQT ACB.
Ông Huy nắm tổng số hơn 153 triệu cổ phần, tương ứng hơn 3,42% cổ phần. Còn tất cả cổ đông có liên quan ông Huy nắm hơn 8,2% vốn ACB.
Ngoài hai doanh nghiệp liên quan tới chủ tịch ACB, danh sách được cập nhật còn có thêm 1 cổ đông tổ chức khác là Công ty CP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương nắm gần 58,6 triệu cổ phần ACB, tương ứng 1,3% vốn. Còn người có liên quan đến cổ đông tổ chức này nắm hơn 107,7 triệu cổ phần, tức sở hữu 2,4% vốn ACB.
Công ty CP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương là doanh nghiệp do bà Ngô Thu Thúy làm chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật. Nữ doanh nhân này còn là chủ tịch Công ty cổ phần Âu Lạc.
Nguyễn Thiên Hương Jenny hay Nguyễn Đức Hiếu Johnny - hai cổ đông cá nhân còn lại nắm trên 1% vốn tại ACB - đều là con của bà Thúy.
Như vậy, toàn bộ nhóm cổ đông Âu Lạc nắm hơn 3,7% vốn điều lệ ACB. Ước tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu ACB, cổ phần nhóm cổ đông này đang sở hữu giá trị hơn 4.000 tỉ đồng.
Về Âu Lạc, công ty này hoạt động trong mảng kinh doanh vận tải nhiên liệu đường thủy nội địa, có quy mô tổng tài sản lên gần 2.550 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Âu Lạc có doanh thu gần 800 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ, còn lãi sau thuế gần 172 tỉ đồng, tăng gần 90%.
Loạt cổ đông "gần lớn" sắp lộ diện tại PGBank?
Thực hiện theo quy định mới của Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1-7, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - PGB) đã gửi thông báo yêu cầu cung cấp, công bố công khai thông tin các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng.
Còn theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của PGBank, nhiều lãnh đạo trong HĐQT lẫn ban điều hành đều không nắm cổ phần tại ngân hàng.
Như ông Phạm Mạnh Thắng - chủ tịch, hay ông Đào Phong Trúc Đại - phó chủ tịch, đều có tỉ lệ sở hữu bằng 0%. Tương tự, ông Lê Văn Phú hay ông Nguyễn Trọng Chiến - phó tổng giám đốc cũng không nắm vốn PGBank.
PGBank là một trong những ngân hàng thương mại có cơ cấu sở hữu cô đặc. Tại thời điểm cuối tháng 6-2024, ngân hàng này có 3 cổ đông lớn nắm tới 40% vốn ngân hàng.
Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh nắm hơn 55 triệu cổ phần, tương ứng 13,1% vốn.
Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát nắm gần 56,88 triệu cổ phần, tương đương 13,54% vốn; còn Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh nắm 13,36% vốn, tương ứng 56,11 triệu cổ phần.
Cả ba cổ đông lớn nêu trên xuất hiện tại PGBank sau khi Tập đoàn Petrolimex tiến hành thoái vốn vào năm ngoái.
Theo tường thuật từ báo chí, lãnh đạo Tập đoàn Thành Công (TC Group) xuất hiện tại đại hội cổ đông năm nay của PGBank.
Còn theo biên bản từ ngân hàng, Đại hội đồng cổ đông năm nay chỉ có 20 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 288,4 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương ứng với 68,67% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Sắp tới, khi ngân hàng công khai danh sách cổ đông trên 1% vốn, những cổ đông "gần lớn" tại PGBank sẽ xuất hiện.
Trước đó, tháng 4-2023, Petrolimex đã bán đấu giá thành công 120 triệu cổ phiếu PGB cho 4 nhà đầu tư, trong đó gồm ba tổ chức là ba công ty trên và một cá nhân. Mức giá mua bình quân là 21.400 đồng mỗi cổ phiếu. Hiện trên thị trường, giá mỗi cổ phiếu PGB 17.200 đồng, giảm 18% sau 1 năm gần đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận