30/01/2024 09:33 GMT+7

Linh động mô hình xây dựng Đảng, nhiều quyết định nhân sự chưa từng có tiền lệ

Dựa trên quy định chung, nhiều quận ủy tại TP.HCM đã vận dụng, tìm tòi những mô hình, cách làm mới giúp cho việc tổ chức xây dựng Đảng và quản lý cán bộ hiệu quả.

Lãnh đạo quận 1 (TP.HCM) trao quyết định điều động và bổ nhiệm cho ông Võ Cao Long (thứ hai, từ trái qua) và bà Lê Thị Bình (thứ ba, từ trái qua) - Ảnh: UBND Quận 1

Lãnh đạo quận 1 (TP.HCM) trao quyết định điều động và bổ nhiệm cho ông Võ Cao Long (thứ hai, từ trái qua) và bà Lê Thị Bình (thứ ba, từ trái qua) - Ảnh: UBND Quận 1

Tháng 8-2023, UBND quận 1 đã công bố và trao quyết định về công tác cán bộ được xem là "chưa từng có tiền lệ".

Trao đổi cán bộ giỏi giữa các quận

UBND quận 1 đã tiếp nhận và bổ nhiệm ông Võ Cao Long - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận - giữ chức trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1.

Cùng với đó, quận trao quyết định điều động bà Lê Thị Bình - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 - đến nhận công tác tại UBND quận Phú Nhuận. Sau đó, bà Bình được UBND quận Phú Nhuận bổ nhiệm làm trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận này.

Việc hai quận nói trên thống nhất luân chuyển, "đổi chỗ" hai trưởng phòng cho nhau khi đã hết nhiệm kỳ là điểm mới trong công tác cán bộ ngành giáo dục TP.HCM.

Theo quy định 65/2022 của Ban Chấp hành Trung ương, cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (liên tục 8 năm trở lên) ở một địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc diện phải luân chuyển. 

Tuy nhiên, khi thực hiện sắp xếp, điều chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý lại phát sinh vướng mắc khi điều chuyển cán bộ có chuyên môn đặc thù như cán bộ ngành giáo dục.

Từ tháng 4-2023, Quận ủy quận 1 đã điều chuyển 27 trường hợp, trong đó 22 người là cán bộ lãnh đạo, quản lý khối giáo dục. Nguyên bí thư Quận ủy quận 1 Tô Thị Bích Châu chia sẻ khi làm công tác điều động, lãnh đạo quận rất trăn trở trường hợp có những cán bộ quản lý có trình độ, thâm niên công tác trong ngành giáo dục nhưng thuộc diện phải luân chuyển sang vị trí khác.

Cả hai trưởng phòng của quận 1 và Phú Nhuận nêu trên đều có thời gian công tác trong ngành giáo dục gần 30 năm, là tiến sĩ quản lý giáo dục mà nếu không bố trí đúng vị trí sẽ lãng phí nguồn nhân lực.

"Việc điều động, bổ nhiệm công chức lãnh đạo cấp phòng giữa hai quận là giải pháp mới tạo điều kiện bố trí cán bộ phù hợp, giúp cán bộ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường của mình" - bà Châu nhận định.

Các bạn trẻ TP.HCM hào hứng chụp ảnh cùng điểm vui xuân mới tại công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Các bạn trẻ TP.HCM hào hứng chụp ảnh cùng điểm vui xuân mới tại công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Quản lý bằng công nghệ

Từ những "viên gạch" ban đầu, Quận ủy quận 7 đặt nhiều giải pháp hoàn thiện hệ thống quản lý cán bộ, đảng viên bằng công nghệ trong năm 2024. Quyết tâm này để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận 7 là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số khi quận này đã tiên phong làm đại hội không giấy từ việc phát triển ứng dụng công chức quận 7.

Không giấy tờ, đại biểu xem tài liệu, văn bản, chỉ đạo của các cơ quan và lưu giữ toàn bộ văn kiện đại hội trên ứng dụng. Từ thí điểm đại hội không giấy, quận 7 phát triển thêm tiện ích trên ứng dụng này. Phòng họp không giấy, hội nghị trực tuyến, xây dựng lịch làm việc, gửi nhận văn bản qua mạng... lần lượt ra đời và đang hướng tới áp dụng cho tất cả phiên họp của quận ủy, ủy ban.

Quận cũng vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu đánh giá cán bộ, triển khai tại 55 chi bộ và đảng bộ cơ sở, theo dõi tự động việc thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ công chức, giảm sử dụng văn bản giấy, tiết kiệm kinh phí. Ngay cả sổ tay đảng viên cũng thí điểm sổ tay điện tử với khoảng 6.100 đảng viên cài đặt ứng dụng (75% đảng viên toàn quận).

Cơ sở Đảng dùng ứng dụng sinh hoạt chi bộ, chuyên đề, điểm danh, quản lý đảng viên. Trên đó còn có nghị quyết chi bộ và phân công, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng tháng của đảng viên. Trừ việc ghi biên bản chi bộ và các nội dung có tính chất mật, tất cả dữ liệu được lưu trữ trên hệ thống số.

Đảng viên và người dân có thể tương tác, giao tiếp với chi bộ, đảng bộ cơ sở, quận ủy qua việc nhắn tin hoặc gửi ý kiến phản ánh, kiến nghị về bất cứ vấn đề nào của quận.

Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái cho hay từ đầu nhiệm kỳ đến cuối năm 2023, nhờ ứng dụng công nghệ mà riêng cơ quan Quận ủy quận 7 đã tiết kiệm 20 - 30% chi phí văn phòng phẩm (khoảng 30 triệu đồng/năm) để dành chăm lo, động viên cán bộ, công chức.

Tiện ích công nghệ giúp quận giảm hội họp, trong đó giảm 50% số phiên họp ban thường vụ quận ủy năm 2023 so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước.

"Giảm hội họp, lãnh đạo tăng cường đi cơ sở. Các ủy viên ban thường vụ quận ủy, trưởng và phó các ban đảng, ủy ban kiểm tra, văn phòng quận ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể dành ít nhất mỗi tuần một lần đi cơ sở để giải quyết ngay vấn đề phát sinh" - ông Thái cho biết.

Hội nghị công tác xây dựng Đảng

Hôm nay (30-1), Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị công tác xây dựng Đảng năm 2023, nhiệm vụ giải pháp năm 2024. Trong 10 sự kiện, hoạt động nổi bật về xây dựng Đảng năm 2023 của Đảng bộ TP.HCM, nổi bật có việc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Cùng với đó, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM được thực hiện thường xuyên, nề nếp, hiệu quả, ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân... Hội nghị ngoài điểm lại những ưu điểm, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng năm qua còn rút ra bài học kinh nghiệm cho những năm tiếp theo.

Xuống khu phố hằng tuần

Ban Thường vụ Quận ủy quận 3 đã áp dụng mô hình đi cơ sở "mỗi tuần một khu phố". Định kỳ hằng tuần, thường trực quận ủy lần lượt luân phiên xuống ít nhất một khu phố thăm hỏi, động viên đội ngũ cán bộ 63 khu phố.

Đảng bộ quận 3 hiện có 25 đảng bộ cơ sở (253 chi bộ trực thuộc) và 17 chi bộ cơ sở với hơn 6.700 đảng viên. Thường trực Quận ủy đã có 74 lượt xuống khu phố, tiếp nhận 202 ý kiến góp ý, phản ánh, chia sẻ thông tin.

Qua việc đi cơ sở, lắng nghe ý kiến góp ý, kiến nghị, đề xuất, lãnh đạo quận cũng chia sẻ thông tin và giải đáp vấn đề các khu phố nêu ra, kịp thời lãnh đạo chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Quan trọng hơn, nhờ gặp gỡ tiếp xúc đã nắm sát tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên cùng bà con nhân dân. Đó cũng là cơ sở để giải quyết các đề xuất, kiến nghị từ cơ sở thấu đáo hơn.

Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương làm bí thư Quận ủy Phú NhuậnBí thư Thành Đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương làm bí thư Quận ủy Phú Nhuận

Chị Phan Thị Thanh Phương - bí thư Thành Đoàn TP.HCM - nhận nhiệm vụ bí thư Quận ủy Phú Nhuận từ ngày 14-1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên