Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay quốc tế Kotoka ở Accra (Ghana) - Ảnh: REUTERS
Hai sinh viên từ Trung Quốc về Bờ Biển Ngà và Kenya bị nghi nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) hồi tuần trước đã có kết quả âm tính.
Như vậy từ khi virus corona bùng phát ở Trung Quốc, đến ngày 4-2 vẫn chưa có ca nhiễm nào tại châu Phi được chính thức xác nhận.
Do khí hậu hay do miễn dịch?
Trao đổi với trang web SciDev.Net (thuộc tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Vì khoa học sinh học nông nghiệp quốc tế ở Anh), giáo sư dịch tễ học Francioli Koro Koro ở Đại học Douala (Cameroon) nhận định khí hậu là nguyên nhân giúp châu Phi đến giờ này thoát virus corona.
Ông giải thích nhiệt độ ở châu Phi mà đặc biệt ở khu vực hạ sa mạc Sahara nóng đến 35°C vào thời điểm Trung Quốc và một số quốc gia bị nhiễm có nhiệt độ khá thấp.
Ông nhận xét: "Màng nhầy của những người sống ở các quốc gia bị nhiễm dễ bị tổn thương hơn nên khả năng lây bệnh thuận lợi hơn. Còn ở các nước châu Phi, màng nhầy người dân vào thời điểm này ít nhạy cảm hơn".
Ngược lại, giáo sư Léopold Gustave Lehman - chuyên nghiên cứu ký sinh trùng miễn dịch ở Đại học Douala - đưa ra nhận định thận trọng hơn.
Ông ghi nhận: "Chúng ta không thể khẳng định chắc chắn không có virus corona ở châu Phi vì không phải nước nào ở châu Phi cũng đủ phương tiện phát hiện virus".
Ngoài ra, ông cho rằng đặc biệt tại châu Phi, người dân có khả năng miễn dịch nhất định vì thường xuyên sống chung với một số chủng virus như cúm, vì vậy có thể có ca nhiễm virus corona nhưng không đến mức nguy kịch.
Giáo sư Francioli Koro Koro đã phản bác lập luận nêu trên và giải thích: "Rất khó chấp nhận giả thuyết về khả năng miễn dịch vì virus corona đột biến rất nhanh. Có khả năng miễn dịch với chủng virus này là điều rất phức tạp".
Các nhân viên y tế túc trực tại sân bay quốc tế Blaise Diagne ở Dakar (Senegal) - Ảnh: AFP
Công dân châu Phi đầu tiên nhiễm bệnh tại Trung Quốc
Một sinh viên Cameroon đang học tập tại Trung Quốc được xem là công dân châu Phi đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus 2019-nCoV.
Hiện du học sinh này đang được điều trị tích cực tại một bệnh viện thuộc thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc.
Thông báo của Đại học Dương Tử hôm 3-2 cho biết sinh viên 21 tuổi đang theo học tại trường này đã bị nhiễm bệnh trong thời gian lưu trú tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc trước khi quay lại thành phố Kinh Châu vào ngày 19-1, tức thời điểm Vũ Hán chưa áp dụng lệnh phong tỏa.
Hiện tình trạng sức khỏe của sinh viên Cameroon đã ổn định.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 4.600 sinh viên châu Phi đang học tập và nghiên cứu tại tỉnh Hồ Bắc, trong tổng số 60.000 du học sinh châu Phi tại Trung Quốc.
Nếu dịch bùng phát, số ca tử vong rất lớn
Ngay từ đầu dịch, kịch bản mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo sợ nhất là virus 2019-nCoV bùng phát ở lục địa đen châu Phi.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ gọi đó sẽ là "khúc dạo đầu cho đại dịch toàn cầu".
Tiến sĩ J. Stephen Morrison - giám đốc Trung tâm Chính sách y tế toàn cầu (thuộc CSIS) - ghi nhận các ổ dịch lớn có thể bùng phát vì một số quốc gia châu Phi rất thiếu thiết bị y tế.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn ở châu Phi. 39 quốc gia châu Phi nằm trên bản đồ "Con đường tơ lụa mới" mà Trung Quốc dựa vào đó để phát triển thương mại.
Số công nhân Trung Quốc ở châu Phi đã lên tới hơn 200.000 người, đặc biệt ở Algeria, Angola, Nigeria, Ethiopia và Zambia. Họ đi đi về về Trung Quốc và ai trong số đó sẽ mang virus lây nhiễm?
Giáo sư Michèle Legeas ở Trường đại học Y tế cộng đồng (EHESP) tại Pháp nhận xét: "Nếu dịch bệnh xảy ra ắt sẽ bùng nổ. Người dân châu Phi đang trong tình trạng dinh dưỡng kém. Họ mắc nhiều thứ bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn như sốt rét, rối loạn đường ruột, viêm phổi. Nhiều trẻ em châu Phi đã bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nên rất dễ bị virus corona tác động đến phổi".
Trong các quốc gia yếu kém về y tế nhất châu Phi có Sierra Leone từng bị virus Ebola hoành hành, Yemen bị dịch tả ảnh hưởng nghiêm trọng, miền bắc Mali và Burkina Faso là các khu vực xảy ra nội chiến.
Công nhân xây dựng Trung Quốc (phải) ở Angola - Ảnh: globalconstructionreview.com
Không để "mất bò mới lo làm chuồng"
Các nước châu Phi đều đánh giá virus corona lây truyền đến châu Phi là nguy cơ có thật nên đã kích hoạt hệ thống cảnh báo trên toàn châu lục.
Các nước đã ban hành chỉ đạo về các biện pháp phòng ngừa cá nhân. Hệ thống kiểm soát sức khỏe hành khách tại các điểm nhập cảnh đã được tăng cường.
Nhiều nước đã lập đường dây nóng ghi nhận các ca nghi nhiễm. Trong khi đó, Mozambique đã ngừng cấp visa cho công dân Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận