02/04/2020 12:00 GMT+7

Liệu có thương nhau mãi và tiếng rao đồng nát mơ mộng nhất trên đời

MI LY
MI LY

TTO - Giữa khu ổ chuột lớn nhất châu Phi, một cậu bé Kenya đã cùng nữ ca sĩ Việt cất giọng rao “Đồng nát sắt vụn bán đi” - câu đầu tiên của bài hát Liệu có thương nhau mãi?. Có lẽ đó là tiếng rao đồng nát mơ mộng nhất trên đời.

Liệu có thương nhau mãi và tiếng rao đồng nát mơ mộng nhất trên đời - Ảnh 1.

Vũ công 16 tuổi Elsie Ayoo trình diễn ở Kibera - Ảnh: The Guardian

MV Liệu có thương nhau mãi? vừa được ca sĩ Lê Cát Trọng Lý cho ra mắt khán giả, ghi lại những hình ảnh trong chuyến cô và các bạn thăm châu Phi, đến khu ổ chuột Kibera thuộc thủ đô Nairobi (Kenya) và ca hát giữa những đứa trẻ.

Âm nhạc là lối thoát của cuộc sống

Vào tháng 8-2019, gần thời điểm Lê Cát Trọng Lý ghé thăm Kibera, một bộ ảnh về khu ổ chuột này cũng gây sốt trên The Guardian. Trong một bức ảnh, vũ công 16 tuổi Elsie Ayoo nhảy múa trên con đường đất. Xung quanh cô là mớ dây điện chằng chịt, một chiếc chăn rách, vũng nước đọng và rác.

MV Liệu có thương nhau mãi - Lê Cát Trọng Lý

Nghệ thuật sẽ cứu rỗi con người. Chưa bao giờ chúng ta thấm thía điều đó như những ngày này, khi cả thế giới cùng đối mặt với đại dịch COVID-19. Chúng ta ở nhà, và những bộ phim, những bài hát, những vở ballet… trở thành cánh cửa nhìn ra thế giới.

Lê Cát Trọng Lý kể tại Kibera, khi nghệ sĩ cello Nguyễn Thanh Tú - bạn tri kỷ của cô - bắt đầu chơi đàn, một người đàn ông bản địa đi qua đã "đứng sững lại nghe Tú đàn". "Có thể nói đây là một trong những hành trình vất vả nhất tôi từng trải nghiệm.

Mỗi ngày đều ngồi xe đi vài trăm cây số, ở đây người ta không mở điều hòa trong ôtô.

Đường sá đầy sỏi đá và cát bụi tung trời - Lê Cát Trọng Lý viết về chuyến đi Kenya - Khi họ (du khách - PV) ở trong những khu lưu trú sang trọng như trong truyện cổ tích, bọn mình ở trong khu ổ chuột để cho thực tại cay đắng của người khác và sự sung túc cá nhân đan xen vào nhau, tạo ra các loại cảm giác hỗn độn chưa bao giờ có kết luận".

Tháng 1-2020, tiếng hát của một nhóm các cậu bé từ khu ổ chuột ở thủ đô Antananarivo (Madagascar) đã vươn đến với thế giới.

Theo CBS News, đó là 8 cậu bé từ 11 đến 16 tuổi, lập nên nhóm hát acapella. Các em không có sân khấu, chỉ quay video hát trên đường phố rồi được vợ chồng nhân viên sứ quán Mỹ ở Madagascar phát hiện.

Trong bài hát đầu tiên, các cậu bé cảm ơn Chúa trời vì đã ban cho mình sự sống. Nơi các cậu sống nghèo đến mức mỗi khi trời mưa lớn, nước thải chảy ngập đường.

"Ở nơi đây, âm nhạc như bản nhạc nền cho cuộc sống, hoặc lối thoát khỏi chính cuộc sống đó" - CBS News viết. Tiếng hát của các cậu bé rất trong, đơn giản, còn thô mộc, chưa mài giũa, nhưng là tiếng hát của tự do.

Liệu có thương nhau mãi và tiếng rao đồng nát mơ mộng nhất trên đời - Ảnh 3.

Lê Cát Trọng Lý và Nguyễn Thanh Tú hát ở khu ổ chuột Kibera - Ảnh: Êkip Lê Cát Trọng Lý

Gieo hi vọng từ những đứa trẻ

Music Basti là tổ chức giáo dục Ấn Độ được thành lập năm 2008 để truyền cảm hứng cho trẻ em bộc lộ ước mơ và khát vọng thông qua giáo dục. Trên CNN (2015), nhà sáng lập Faith Gonsalves chia sẻ: "Âm nhạc là phương thức giao tiếp và công cụ cân bằng đầy sức mạnh".

Ấn Độ, cùng một lúc, là quê nhà của những người giàu bậc nhất thế giới và những người nghèo chạm đáy thế giới. Tại ngoại ô New Delhi, Gonsalves và hàng trăm nghệ sĩ khác ngày ngày đi trên con phố bụi bặm của khu ổ chuột để đến lớp và mang niềm đam mê âm nhạc đến với những đứa trẻ.

Năm 2018, ông Jaechang Kim - chỉ huy dàn hợp xướng người Hàn Quốc, xuất hiện trong phim tài liệu Singing With Angry Bird. Toàn bộ dàn hợp xướng của ông là những đứa trẻ nghèo từ các khu ổ chuột gần Kondhwa và Mohammad Wadi (Ấn Độ).

Theo Hindustan Times, Singing With Angry Bird kể về hành trình các giáo viên âm nhạc đến và chỉ dạy cho trẻ em khu ổ chuột, với mục tiêu đưa các em trở thành những con người tiên tiến, có ý chí lãnh đạo tương lai. Âm nhạc trong phim nói về hi vọng, hạnh phúc, nụ cười và nước mắt.

Điều đặc biệt là khi Jaechang Kim không có được sự ủng hộ từ phụ huynh những đứa trẻ ở khu ổ chuột, ông đi đến một quyết định táo bạo: dạy hát opera cho cả phụ huynh. Và thế là những ông bố, bà mẹ cùng con cái họ cất cao tiếng hát.

Trong chuyến đi đến Kenya, Lê Cát Trọng Lý quyên tiền mua vở, bút và hộp màu vẽ cho trẻ em. Cô đăng ảnh một em bé ôm chặt cuốn sách Nghệ thuật đương đại châu Phi. Nhìn hình ảnh đó và những đôi mắt trẻ thơ lấp lánh giữa tiếng hát Việt Nam trong trẻo cất lên, người nghe được gieo hi vọng: những ước mơ sẽ lại ra đời, nảy mầm và tươi tốt từ những mảnh đất nghèo khó.

Liệu có thương nhau mãi và tiếng rao đồng nát mơ mộng nhất trên đời - Ảnh 4.

Hình ảnh trong phim tài liệu Singing With Angry Bird - Ảnh: IDFA

Lê Cát Trọng Lý ra MV đầu tiên trong sự nghiệp Lê Cát Trọng Lý ra MV đầu tiên trong sự nghiệp

TTO - MV mới của Lê Cát Trọng Lý có thể sẽ không lọt vào top trending hay đạt kỷ lục hàng triệu lượt xem sau 12 giờ ra mắt, nhưng chắc chắn đó sẽ là một gam màu đẹp đẽ, đáng trân trọng trong bức tranh âm nhạc Việt Nam đương đại.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên