08/06/2023 09:24 GMT+7

Liên kết du lịch Ðông Nam Bộ: Đừng để 'đèn nhà ai nấy rạng'

Với sự đa dạng tài nguyên du lịch như rừng, biển, sông, hồ... vùng Đông Nam Bộ (gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh) có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như về nguồn, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển.

Liên kết du lịch Đông Nam Bộ: Đừng để đèn nhà ai nấy rạng - Ảnh 1.

Du khách tham quan núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) - điểm đến trong cụm liên kết vùng - vào trưa 6-6 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tuy nhiên, cần có sự đầu tư và phát triển đồng đều trên toàn vùng, khai thác và quảng bá những điểm đến tiềm năng nhằm thu hút khách du lịch đến. Sự phát triển của hạ tầng cao tốc đang làm thay đổi các sản phẩm du lịch, điều này cũng đặt du lịch vùng Đông Nam Bộ trước yêu cầu phải làm mới sản phẩm phù hợp thị hiếu cũng như tính hiệu quả của liên kết vùng.

Thay đổi trước thách thức mới

Ông Nguyễn Ngọc An, phó tổng giám đốc Công ty Vietluxtour, cho biết thời gian qua các sản phẩm chủ yếu xoay quanh hai "trung tâm" chính là TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Gần đây, Tây Ninh nổi lên như là điểm đến ưa thích của không chỉ du khách thành phố mà còn hút được du khách từ khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, những tour liên tuyến dài ngày không nhiều vì khách chủ yếu quay về TP.HCM và nghỉ đêm ở đây do dịch vụ giải trí về đêm phong phú hơn.

"Vì vậy, trong liên kết vùng, trước tiên là khuyến khích du lịch nội vùng. Người dân ở các tỉnh thành trong vùng đi du lịch và trải nghiệm các dịch vụ mới của nội vùng, sau đó mở rộng ra khách cận vùng và khách quốc tế", ông An đặt vấn đề. 

Khi có các cao tốc, khách sẽ chọn đi các điểm lân cận, đó là tạo ra những sản phẩm không hẳn mới nhưng cập nhật dựa trên những cung đường mới và có dịch vụ mới thu hút du khách ở ngoại vùng cũng như khách quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho biết "hỗ trợ" là từ có thể nhấn mạnh trong liên kết này. 

Thời gian qua, một số chương trình của các địa phương như Ẩm thực chay Tây Ninh, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch... được các hiệp hội du lịch của từng địa phương hỗ trợ, với mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú cho khách đến TP.HCM cũng như các địa phương trong vùng, tăng năng lực cạnh tranh của du lịch khu vực này.

"Sự hợp tác này được xác định phải hiệu quả, thiết thực, đưa ra những chương trình nối tuyến mà doanh nghiệp có thể khai thác được. 

Liên kết du lịch của vùng Đông Nam Bộ trở nên gấp rút và đòi hỏi tính thiết thực cao hơn trong bối cảnh các tuyến đường cao tốc được hình thành và tạo ra những cung đường du lịch mới. 

Khu vực Đông Nam Bộ phải giải quyết được bài toán sản phẩm mới, có cách thức quảng bá bài bản về những sản phẩm, dịch vụ mới để hấp dẫn du khách không chỉ nội vùng mà còn ngoại vùng và khách quốc tế", bà Khánh nhấn mạnh.

Tăng gắn kết du lịch vùng Ðông Nam Bộ

Theo các doanh nghiệp, việc liên kết và xúc tiến phát triển du lịch Ðông Nam Bộ lâu nay chưa được chú trọng, vẫn còn thiếu các sản phẩm liên tuyến, liên vùng có giá tốt dành cho du khách. 

Do đó, cần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, địa phương và cơ quan chức năng. Các bên có thể hợp tác trong việc xây dựng các gói tour kết hợp, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, và tổ chức các sự kiện du lịch chung để thu hút du khách.

Trong thực tế, một số điểm đến nổi tiếng thường nhận được sự quan tâm lớn, gây ra sự không cân đối trong việc phân bổ lợi ích từ du lịch. Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết thành phố sẽ tiếp tục liên kết với các địa phương để tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn. 

Đặc biệt, việc liên kết nhằm khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ, du lịch trong vùng phát triển manh mún theo kiểu mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm, chưa có sự gắn kết với hai trung tâm du lịch lớn là TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Trần Quang Duy, giám đốc Công ty du lịch Chim Cánh Cụt, gợi ý nên thiết lập một cơ chế quản lý chung để đảm bảo việc phân bổ tài nguyên và quản lý du lịch hiệu quả, kèm theo quảng bá và tiếp thị vùng để thu hút du khách. Ngoài ra, cần nâng cao nhận diện thương hiệu của vùng. 

Theo ông An, qua việc phối hợp với các vùng lân cận như Tây Nam Bộ, Trung Tây và miền Đông, có thể tạo ra các gói tour kết hợp và khám phá vùng đa dạng và phong phú hơn, giúp mở rộng thị trường du lịch cho vùng Đông Nam Bộ.

Trong khi đó, theo bà Khánh, cần đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch luôn là ưu tiên trong liên kết này. Đào tạo nhân viên du lịch chuyên nghiệp và nâng cao nhận thức về dịch vụ khách hàng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch bền vững trong vùng. 

"Bảo vệ môi trường, duy trì tính xanh của cảnh quan và đảm bảo sự cân đối giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường là yếu tố quan trọng để du lịch vùng phát triển bền vững", bà Khánh nói.

* Ông Phạm Ngọc Hải (chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Phải phát triển kinh tế đêm

Ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn có những điểm nghẽn như thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí lớn, du lịch nghỉ dưỡng - hội thảo (MICE) cũng thiếu, đặc biệt là thiếu kinh tế đêm.

Do đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cần phát triển kinh tế đêm đồng bộ ở ba địa phương là Vũng Tàu, Phước Hải và Hồ Tràm để du khách mua sắm những sản phẩm đặc trưng của địa phương và thưởng thức đặc sản vùng miền. Nhu cầu mua sắm, ẩm thực của mỗi du khách luôn lớn, bởi thực tế mục đích của du lịch cũng là để thưởng thức món ăn, mua sắm hàng đặc sản bên cạnh nhu cầu ngắm cảnh, vui chơi, khám phá.

Đ.HÀ

Mài sáng Mài sáng 'viên ngọc thô' Đông Nam Bộ để hút du khách

TTO - Du lịch vùng Đông Nam Bộ được ví von giống như một viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa do thiếu tính liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên