Phong bao lì xì - Ảnh SMCP
Tất nhiên, lì xì từ Trung Hoa mà ra, tràn vào xứ ta từ thuở nào, nay biến tướng dữ dằn, thành một thứ hủ tục, tệ nạn là chủ yếu.
Trẻ con nhiều đứa nhận lì xì xong là xé toạc cái phong bao đỏ, coi mệnh giá ngay trước mặt người cho. Nhiều đứa nhắc luôn "còn em cháu nữa", nhiều đứa nhìn mệnh giá xong thở dài rất to với bạn với anh với em nó: "Ôi dồi, chỉ có 10 nghìn, bác kia cho tao hẳn 200 nghìn cơ".
Ông chú bà cô vừa mừng tuổi nó xong phát ngượng.
Lại nữa, tới nhà họ hàng chúc tết, cháu mình hai đứa nhưng xung quanh mọc đâu ra vô khối đứa cháu nhà ai tình cờ ở đó, ông chú bà cô lì xì hết đám xong thì cũng kín đáo thở dài.
Nên có ông chú bà cô cẩn thận soạn ra vài loại bao đỏ mệnh giá khác nhau, cháu mình thì đồng to, cháu thiên hạ đồng nhỏ, tưởng hay, nhưng rồi cũng gặp cảnh tụi nhóc đồng loạt xé phong bao coi mệnh giá, ô sao chị có 100 ngàn mà em chỉ có 10 ngàn.
Ai vui ở đây được nữa hả giời?
Lại nữa, có ông chú bà cô móc ra một xấp bạc nguyên cọng thun, giọng sang cả "tất cả lại đây chú lì xì", phát mỗi đứa một tờ to to, nổi bật đình đám giữa đám người lớn khác. Lì xì lúc ấy là chuyện oách hay không oách của ông chú bà cô, không liên quan gì đám trẻ.
Món này đi vào nhiều cơ quan đầu năm, tiền mình lao động quần quật ra cả, có phải tiền túi sếp đâu, sếp lại đứng phát phong bao như thật, chả nhẽ không cảm ơn khi cầm, tào lao chết!
Lại nữa, có ông chú bà cô kín đáo trả nợ nghĩa nợ tình nợ làm ăn, nhét vào bao đỏ cả đống tiền to, đưa cho con chủ nhà. Rồi thì chú mừng con anh 500 ngàn thì anh cũng mừng con chú 500 ngàn, tiền qua tiền lại rất đỗi ồn ào lôi thôi.
Tết thì phàm là lính tới nhà quan chúc tết lì xì cho con quan chứ mấy khi quan tới khắp các nhà lính mà lì xì cho con lính bao giờ, đồng tiền cứ thế mà đi ngược, xã hội này đâu cần ngang trái mãi thế.
Ngàn lẻ một cái phiền từ lì xì mà ra, gặp phải thời buổi kim tiền sống sượng như hồi nay, nhà ai cũng gặp tình huống trớ trêu khó chịu, không kiểu này thì kiểu khác.
Trẻ con hồn nhiên mấy thì rồi cũng biết đó là tiền, hết tết mở ra đếm coi đứa nào thu hoạch khá hơn, có đứa đưa (hoặc phải đưa bố mẹ giữ), phát sinh tiếp muôn vàn ấm ức trong gia đình.
Làm thế nào giải thích cho trẻ con về tiền lì xì, giúp nó hiểu cái nghĩa gốc có tí hay ho là một món quà nho nhỏ hiện thân cho may mắn, thay cho một lời chúc? Rất khó. Phải dạy, phải giảng từ lúc nó bé tí, năm nào cũng cần nhắc lại cho nó nhớ nó thấm.
Rồi nhắc nhở nó về thái độ nhận và ứng xử với đồng tiền lì xì cho đúng. Rồi dạy nó cách dùng số tiền đó cho phải. Mấy bậc cha mẹ nào chú ý mà làm tốt được điều này?
Sau nhiều năm dạy bọn trẻ về chuyện này, tui thấy sự tình càng lúc càng không đơn giản. Nên hai đứa trẻ, đã biết từ tốn từ chối nhận lì xì với lời cảm ơn vui vẻ.
Cái món quà bé xinh đỏ thắm có chứa một đồng tiền nhỏ thật mới với lời chúc cho cháu nó hay ăn chóng lớn, vui vẻ may mắn càng lúc càng mất đi ý nghĩa. Trong khi đó, lì xì đi vào thế giới người lớn càng lúc càng nghênh ngang phiền toái nhố nhăng.
Vậy nên, nếu thấy cần và thấy vui, giữ cái tục này trong phạm vi ý nghĩa bé xinh hồn nhiên của nó thì thôi, cứ bỏ một đồng tiền nhỏ thật mới thật lành trong cái bao đỏ, tặng đứa trẻ với lời chúc xuân an lành, đừng để nó làm phiền đứa nhỏ, phiền ta, phiền người.
Bằng không, hãy vứt cái tục này đi, dọn cho mình một cái tết kiểu mới, lấy cái việc gặp nhau đầu xuân ấm áp vui vẻ, cùng nhau hi vọng cho một năm mới thanh sạch thư thái làm trọng. Với trẻ con, nếu ta yêu chúng và quan tâm tới chúng, ta có nhiều cách khác hay ho hơn là một đồng tiền.
Chúc mọi trẻ con của chúng ta năm mới khỏe mạnh, hồn nhiên và sống trong tràn đầy yêu thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận