20/10/2005 09:03 GMT+7

Lênh đênh số phận

UYÊN LY
UYÊN LY

TT - Sáng qua dòng sông nhỏ/Thân thương có ý lo/Hỏi tôi người năm trước/Còn yêu dấu đợi chờ/Cám ơn anh Trà Bương/Yêu thương như cải lương/Phấn son và nước mắt/Lau khô là hết tuồng. Đoạn thơ buồn ấy được Nguyễn Trung Hiếu sáng tác trong tâm trạng lo lắng về số phận gia đình trước những bất trắc xảy đến.

kFdOWPW6.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Trung Hiếu và gia đình
TT - Sáng qua dòng sông nhỏ/Thân thương có ý lo/Hỏi tôi người năm trước/Còn yêu dấu đợi chờ/Cám ơn anh Trà Bương/Yêu thương như cải lương/Phấn son và nước mắt/Lau khô là hết tuồng. Đoạn thơ buồn ấy được Nguyễn Trung Hiếu sáng tác trong tâm trạng lo lắng về số phận gia đình trước những bất trắc xảy đến.

“Anh Trà Buông” chính là dòng sông Trà Buông ở kế bên trại cải tạo A20, Xuân Phước, Phú Khánh, đã trở thành người bạn lặng lẽ chuyên chở những tâm sự của Nguyễn Trung Hiếu trong tám năm, từ 1975-1983.

Đối thoại với dòng sông

Đoạn thơ ấy ứng với thời gian vài tháng trước những ngày cuối cùng trong trại, ông được tin vợ mình đã mất để lại ba đứa con nhỏ cho mẹ già cưu mang. Tai nạn xảy đến với người vợ đầu tiên vào năm 1983 trên đoạn đường Pleiku - Buôn Ma Thuột. Chiếc ôtô mà vợ ông đi nhờ mất phanh khi tuột dốc... Ông tưởng như điên lên được vì mất mát.

Một ngọn nến đã cho ông thêm can đảm để tiếp tục sống đến bây giờ là ký ức trìu mến về người cán bộ quản giáo tốt bụng. Ông Hiếu kể: “Tôi nhớ cán bộ quản giáo tên Lâm. Ông có vóc người ốm, cao. Cán bộ Lâm phụ trách tổ đan rổ rá chúng tôi, nhưng chưa bao giờ ông bắt chúng tôi làm việc quá qui định để lấy tiền bỏ túi riêng. Tất cả anh em trại viên đều nể phục đức tính nghiêm khắc, liêm khiết và cách sắp xếp công việc có tình có lý của cán bộ Lâm. Ngày ra trại, tôi nói với ông: Trại viên mà khen cán bộ thì không biết có nên không, nhưng tôi quả tình muốn khen tài đức của cán bộ”.

“Cán bộ Lâm giờ này không biết còn sống hay không, nhưng ở tuổi ông có lẽ là còn sống. Nếu về VN, tôi hi vọng sẽ được gặp ông để nói rằng tôi rất phục ông, và những người tốt như ông đã đem lại cho chúng tôi niềm tin vào con người trong những năm tháng khó khăn” - ông Hiếu nói.

Đánh cược với số phận

Ra trại, Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ cuộc sống với mẹ già và ba đứa con lít nhít ở Sài Gòn, bốn em gái của ông đều đã sang Mỹ từ năm 1975, em kế ông lại say xỉn tối ngày. Cuộc sống thiếu thốn và bế tắc khiến ông gần như bị trầm uất. Ông rơi vào một hoàn cảnh kỳ lạ mà ông kể lại bằng giọng châm biếm: các cô gái tìm cách săn đuổi một người đàn ông mới ra trại chỉ nặng có 41kg và sẵn sàng phó thác đời mình cho ông ta chỉ vì cho rằng ông ta sẽ đi vượt biên.

Sau một dịp tình cờ gặp người đạp xích lô nhận làm môi giới, một đêm trời tối bít bùng đầu năm 1984, Hiếu dắt theo cậu con trai nhỏ tám tuổi bước lên chiếc thuyền mong manh cùng với 84 phận người. Hành trình đánh cược sự sống bắt đầu từ Cần Thơ xuôi ra phía biển cả theo những con sóng hung dữ mông lung...

Nguyễn Trung Hiếu kể rằng vào ngày thứ hai trên thuyền, người cha ôm con trai mệt lử vì say sóng, những câu chuyện về những chiếc thuyền đi mãi không tới bờ cứ lan truyền từ người này sang người khác trong nỗi sợ hãi tăng dần. Đêm buông xuống, tưởng như trời chưa bao giờ tăm tối đến thế, bỗng chiếc thuyền không thể tiến lên được nữa. “Vướng phải rong biển rồi!”, người thuyền trưởng kêu lên. Đám rong biển quấn chặt chân vịt và bánh lái. Thuyền đã vướng phải đám rong khổng lồ mà người ta thường nói đó là đám rong tử thần, ít có chiếc thuyền nào vướng phải nó mà sống sót nếu không có tàu biển đi qua cứu hộ.

Không còn cách nào khác, ông Hiếu và những người đàn ông khác cầm dao lao xuống mặt nước, gỡ từng cánh tay rong biển vấn vít, hối hả cứu lấy mạng sống của những con người đang hoảng loạn phía trên. Sau nhiều giờ đồng hồ, chiếc thuyền đã thoát khỏi vùng tử thần và tiến về phía trước.

Thuyền đi được khoảng 10 phút, bỗng xuất hiện một dải đất mờ xa phía chân trời: đảo của người Việt di tản ở Indonesia, đảo Côcu. Một trò đùa của tự nhiên đã dẫn dắt con thuyền tới đúng nơi cần đến mà không bị lạc giữa hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Nguyễn Trung Hiếu và con trai đặt chân lên đất liền, chuẩn bị giấy tờ hợp thức hóa, sau đó chuyển sang đảo Galăng đợi chờ và được chuyển tới Singapore bằng máy bay. Ngày 23-1-1985, sau chín tháng kể từ ngày chiếc thuyền nhỏ rời Cần Thơ, hai cha con ngơ ngác đặt chân lên nước Mỹ.

Không bao lâu sau, mẹ ông dắt theo hai đứa cháu nhỏ xuống thuyền vượt biển, họ cùng gặp lại nhau trên đất Mỹ.

Nhọc nhằn mưu sinh

Học lại từ đầu, làm lại từ đầu, Nguyễn Trung Hiếu được xếp vào khóa đào tạo kiến thức căn bản để xin việc làm. Môn tiếng Anh, rồi môn toán ông đều cố gắng vượt qua, nhưng các môn khoa học tự nhiên khác nằm ngoài khả năng của ông. Nguyễn Trung Hiếu bỏ dở khóa học sau hai năm rưỡi và đi tìm việc làm.

Ông bắt đầu sự nghiệp bằng công việc sắp xếp các kệ hàng hóa và kiểm hàng trong một hãng sản xuất con chip cho các thiết bị điện tử của Hi Lạp, nơi có rất nhiều nhân công người Việt đang làm việc. Cuộc sống trở nên dễ thở khi có việc làm. Ông được cất nhắc lên chức vụ cao hơn, bắt đầu làm quen và yêu một cô gái trẻ xinh đẹp làm cùng hãng và nghĩ tới việc ổn định cuộc sống tương lai.

Rủi ro xảy đến ngay sau đó. Với ý nghĩ làm sao để bắt đầu một gia đình mới thật đàng hoàng, Nguyễn Trung Hiếu dốc hết số tiền có được đầu tư vào cổ phiếu với hi vọng khoản thu may mắn từ canh bạc lớn trong đời sẽ mang lại cho ông sự sung túc. Bao nhiêu hồi hộp, bao nhiêu mong chờ, chỉ sau một đêm toàn bộ số tiền 400.000 USD biến thành mớ giấy vụn.

Nguyễn Trung Hiếu rơi vào chiếc hố sâu không đáy của cuộc đời. Ông chỉ thiếu nước chui xuống đất khi các chủ nợ thi nhau réo gọi tới hãng ông làm việc. Nhiều người nhìn ông với con mắt thương hại và rẻ rúng khiến ông tự ti, mặc cảm và hoang mang hơn bao giờ hết. Ông kể nếu không có bạn gái (giờ đã thành vợ) chia sẻ khó khăn này, có lẽ ông đã tìm cách chạy trốn khỏi cuộc đời mãi mãi.

Đó là vào năm 1993, cô đồng nghiệp trẻ trung yêu người đàn ông hơn cô 14 tuổi một cách vô điều kiện, dù cho hai người khác biệt về tôn giáo và bị gia đình phản đối. Cô dùng toàn bộ số tiền dành dụm được để trả nợ cho ông và sau đó họ làm đám cưới khi ông không còn một xu dính túi. Đó là cả một sự hi sinh lớn lao mà mỗi khi nhắc tới ông đều dành cho vợ mình những từ ngữ trân trọng và nể phục nhất. Ông là một người tận tụy vì gia đình, có lẽ cũng vì thế.

Nhưng khó khăn vẫn nối tiếp khó khăn, sau 13 năm làm việc, ông Hiếu bị cho nghỉ việc do chính sách cắt giảm nhân công. Vợ ông trụ lại được và cô trở thành người đảm bảo về kinh tế cho gia đình. Nguyễn Trung Hiếu hối hả đi học nghề sửa chữa nhà cửa. Một năm tám tháng sau ông thất nghiệp do một vụ kiện tai nạn lao động giữa trưởng nhóm bốn công nhân có ông là thành viên với chủ hãng xây dựng.

Trưởng nhóm thua, cả nhóm bị tống ra đường. Lần thứ tư trong đời ông đánh mất những đảm bảo cho cuộc sống và thất nghiệp hơn một năm nay. Trong thời gian này, ông tiếp tục học và vừa lấy chứng chỉ ngành bảo vệ, hiện đang tìm cơ hội xin việc làm. Căn hộ gia đình ông đang ở dù đã được chính quyền sở tại hỗ trợ, giá thuê lên tới trên 1.000 USD mỗi tháng. Ông Hiếu chưa dám cho con gái nhỏ đi nhà trẻ khi chưa có việc làm.

Tất cả những câu chuyện trên đây, Nguyễn Trung Hiếu kể với tôi dần dần qua nhiều cuộc trò chuyện và tôi hiểu ông đã can đảm vượt qua rất nhiều mặc cảm. Hồi mới tiếp xúc với tôi, ông nói công việc của ông thất thường, mãi tới sau này ông mới nói thật là mình thất nghiệp.

Fred từng có lần viết thư cho tôi: “Xin đừng công bố việc Hiếu bị thất nghiệp, bởi vì Hiếu là bạn của tôi”. Nhưng Nguyễn Trung Hiếu đã cho phép tôi kể những câu chuyện này, và với tấm lòng của những người bạn, chúng tôi muốn giúp ông, rất nhiều người muốn giúp ông, chỉ cần chúng ta tin tưởng lẫn nhau...

------------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 1: Những cuộc trò chuyện lúc 0 giờ- Kỳ 2: Lời mời không được đáp lại - Kỳ 3: Tôi nhớ có mấy câu thơ "Núi Đôi" trong nhật ký - Kỳ 4: Nguyễn Trung Hiếu - một thân phận chiến tranh

------------------

Kỳ sau: Để bắc những cây cầu

UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên