Có nhiều người, đặc biệt là các thanh thiếu niên, bất chấp nguy hiểm để học làm pháo nổ theo các video trên mạng xã hội, để lại hậu quả thảm khốc.
Mới đây tại Hà Nội, nam sinh N.H.C. (14 tuổi, ở Thanh Oai) được đưa tới khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng giập nát bàn tay phải và tổn thương nhiều nơi trên cơ thể do thuốc pháo phát nổ trong khi C. tự quấn pháo.
Video dạy chế tạo pháo, mua hóa chất tạo pháo đầy rẫy cõi mạng
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện trên các nền tảng mạng xã hội, các video clip hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ tại nhà và các bài viết rao bán vật liệu để làm pháo tự chế xuất hiện nhan nhản.
Chỉ cần gõ từ khóa trên YouTube, hàng chục video liên quan xuất hiện. Các video được đăng tải hướng dẫn rất chi tiết từ các khâu như chọn vật liệu, liều lượng, cách trộn các loại hóa chất, cách quấn pháo... để làm sao cho ra quả pháo thành phẩm tự chế có thể "nổ to nhất", đạt "hiệu quả" tốt nhất.
Chưa dừng lại, để thể hiện việc "dạy" làm pháo "uy tín" của mình, chủ các video trên còn đốt thử các quả pháo vừa được quấn để chứng minh sức nổ lớn và tác dụng. Những video trên thu hút hàng trăm ngàn lượt xem, thậm chí có cả triệu lượt xem. Nhiều người xem còn để lại lời khen và xin công thức chế tạo pháo từ chủ các video trên, tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
Điều đáng nói dù các video đã được đăng tải khá lâu nhưng đến nay vẫn đang tồn tại và lượt xem vẫn tăng lên theo thời gian và thu hút hàng trăm bình luận cổ súy.
Ngoài việc hướng dẫn chế tạo pháo nổ, trên các trang mạng xã hội, các loại hóa chất và vật liệu để chế tạo pháo nổ cũng được rao bán tràn lan. Truy cập vào các nhóm riêng tư có hơn chục ngàn thành viên trên Facebook, ngoài những bài đăng về cách chế tạo pháo nổ, còn có rất nhiều bài đăng rao bán hóa chất để quấn pháo.
Thậm chí trong các nhóm này còn có nhiều tài khoản đăng bán công khai các hóa chất để chế tạo pháo và các nguyên liệu kèm theo như vỏ pháo, dây cháy chậm... Bên cạnh đó, những người chơi mới không biết cách làm sẽ lên nhóm này hỏi công thức.
Rất nguy hiểm
Đại tá - PGS.TS Đào Hữu Dân, giảng viên Trường đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), cho biết những năm gần đây nổi lên việc trẻ em, học sinh tham gia quá trình tự chế tạo pháo, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
"Việc tự chế tạo pháo nổ gây ra những hệ lụy không thể lường trước được, đây xác định là tiếng chuông cảnh báo cho các đơn vị quản lý và là những hành vi vi phạm pháp luật" - đại tá Dân nói.
Vị này nói thêm để chế tạo được một quả pháo nổ sẽ "rất nguy hiểm", bởi sẽ phải cần đến thuốc pháo, chứa các thành phần chính gồm KNO3, bột than, lưu huỳnh... được trộn theo tỉ lệ nhất định.
"Điều nguy hiểm nhất là trong quá trình thực hiện chế pháo, các em làm theo các clip trên mạng nhưng không thể biết được những đặc tính nguy hiểm của thuốc nổ. Ví dụ như trong quá trình trộn các hóa chất với nhau để tạo ra thuốc nổ thì một va chạm mạnh hay ma sát là lập tức phát cháy sẽ tạo ra vụ nổ, gây hệ lụy rất kinh khủng" - ông Dân cảnh báo.
Theo Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 người, thu hơn 40.000kg pháo. Đáng chú ý, càng gần đến Tết Giáp Thìn, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép.
Cũng theo Bộ Công an, qua các vụ tàng trữ, vận chuyển và mua bán, chế tạo pháo nổ trái phép được lực lượng công an phát hiện, xử lý thời gian qua, hầu hết những người vi phạm đều là thanh thiếu niên, học sinh. Do tò mò và muốn có pháo đốt trong dịp Tết nên đã lên mạng Internet mua các vật dụng, học cách chế tạo pháo nổ.
Nhằm tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, thầy cô, người thân để tự làm một mình hoặc rủ bạn cùng làm ở những nơi vắng vẻ hay làm tại nhà khi bố mẹ đi vắng.
Buôn bán, tàng trữ pháo nổ bị xử lý ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Lương Huy Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ là các hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy những hành vi chế tạo, hướng dẫn làm pháo nổ diễn ra tràn lan trên mạng xã hội, diễn đàn là những hành vi vi phạm pháp luật.
Về trách nhiệm hình sự, cá nhân, pháp nhân thương mại buôn bán pháo nổ từ 6kg trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu là cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù 1-10 năm. Nếu là pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền 1-9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động.
Trong trường hợp tàng trữ pháo nổ từ 6kg trở lên, người đốt pháo còn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hàng cấm.
Học sinh thiệt mạng vì xem video rồi chế tạo pháo
Tháng 3-2023: ba học sinh cấp II ở Đắk Lắk xem các video hướng dẫn làm pháo tự chế trên mạng. Sau đó các em mua nguyên vật liệu chế tạo pháo trên mạng về nhà rồi chế pháo nổ tại nhà và bị phát nổ, một em thiệt mạng.
Ngày 7-12-2023: tại huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) xảy ra vụ nổ do chế tạo pháo trong nhà làm hai người chết, một người bị thương. Vụ nổ làm căn nhà cấp 4 sập đổ hoàn toàn, các mảnh tường văng tung tóe.
Ngày 13-12-2023: xảy ra vụ nổ tại phường Tràng Cát, quận Hải An (Hải Phòng) do quấn pháo tự chế, một thanh niên 18 tuổi thiệt mạng.
Ngày 8-1-2024: hai học sinh 14 tuổi ở Lâm Đồng đang tự chế tạo và đốt pháo thì phát nổ. Hai em bị vỡ gan, thủng ruột, thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi do hậu quả của các vết thương xuyên bụng.
15 ngày, khởi tố 6 người liên quan mua bán pháo
Thượng tá Lê Quang Phúc, trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM, cho biết trong 15 ngày ra quân tấn công trấn áp tội phạm, lực lượng Công an TP.HCM đã phát hiện sáu vụ và khởi tố sáu người về hành vi buôn bán pháo nổ.
Ông Phúc cho biết thêm từ nay đến trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, phòng cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý những hành vi liên quan pháo nổ. Công an TP.HCM khuyến cáo người dân không được tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sản xuất, chế tạo pháo nổ vì tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Mới đây Công an TP.HCM triệt phá hai đường dây buôn bán pháo lậu "khủng" liên tỉnh, thu giữ 8,4 tấn pháo nổ các loại.
Núp bóng vật liệu làm vườn
Ghi nhận của Tuổi Trẻ trên sàn thương mại điện tử TikTok shop, khi gõ từ khóa "dây cháy chậm", không ít shop bán các sản phẩm trên nhưng với tên gọi "rất khác" để tránh bị chặn.
Shop Bún... dù chỉ bán duy nhất sản phẩm "dây cuộn vỏ bọc kim loại" nhưng được đặt cho nhiều tên gọi khác nhau như "dây buộc đa năng", "dây buộc giàn hoa", "dây kích thích mọc hoa" với giá từ 10.000 đồng/mét. Với hàng trăm lượt bán, shop này quảng cáo sản phẩm có ưu điểm "buộc giàn hoa chắc chắn tránh ánh nắng mặt trời".
Tuy nhiên, ở dưới phần đánh giá sản phẩm, nhiều người mua để lại bình luận "test thử dây cháy chậm lắm", "dây cháy quá chậm và hun nhiều khói, giữ mùi lên áo" hay "hàng chất lượng nhưng không nên đốt vào buổi tối vì không thấy được tia sáng, rất nguy hiểm". Dễ thấy thực chất "dây uốn cây cảnh" vốn là dây cháy chậm được thay đổi tên gọi, tuy nhiên người chơi chỉ cần nhìn hình sẽ dễ dàng nhận ra.
Hay một shop khác có tên Bin... trên sàn thương mại điện tử Lazada cũng chỉ bán duy nhất sản phẩm dây uốn cây cảnh nhưng phần mô tả sản phẩm lại viết "dây phát sáng, tốc độ cháy ổn định cả khi dưới nước, không lo ẩm, mốc".
Trên Facebook, hoạt động mua bán chủ yếu diễn ra trong các nhóm kín về chơi pháo, tự làm pháo. Các nhóm này thu hút hàng chục nghìn thành viên với các bài viết về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm pháo, chơi pháo mỗi ngày.
Dưới các bài đăng, không ít tài khoản rao bán các loại vật liệu chế pháo, tuy nhiên các tài khoản này yêu cầu người dùng nhắn tin riêng để được tư vấn và mua hàng trực tiếp.
Lời cảnh báo chết người từ chợ mạng
Theo Bộ Công an, không ít thanh thiếu niên, các em học sinh lén lút lên mạng xã hội học cách chế tạo pháo và mua các vật dụng về cất giấu rồi tự chế thành pháo nổ.
Theo cơ quan công an, rất nhiều cá nhân tàng trữ, vận chuyển và mua bán, chế tạo pháo nổ trái phép là thanh thiếu niên, học sinh. Điều đáng nói là các hành vi này đều xuất phát từ việc xem các video hướng dẫn trên mạng và mua vật liệu chế tạo từ các sàn thương mại điện tử, chợ mạng. Thống kê của Bộ Công an trong năm 2023 cho thấy đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 cá nhân và thu hơn 40.000kg pháo. Cơ quan chức năng nhận định càng gần đến Tết Giáp Thìn, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép.
Chia sẻ với báo chí về kết quả công tác năm 2023, đại tá Đinh Kim Lập - phó giám đốc, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận - cho biết chỉ trong 15 ngày thực hiện "đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ Tết Giáp Thìn 2024", Công an tỉnh Bình Thuận đã phát hiện 20 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo nổ trái phép và tạm giữ hơn 20 người.
Trong số đó phần lớn ở lứa tuổi học sinh, sinh viên lên mạng đặt các nguyên vật liệu về để tự sản xuất pháo nổ trái phép. Làm việc với cơ quan công an, các em khai đã đặt mua trên mạng các hóa chất dùng để làm pháo rồi lên mạng tìm các video hướng dẫn làm pháo tự chế để làm theo.
PGS.TS Trương Văn Vỹ, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết người tự chế pháo nổ trái phép thường rơi vào độ tuổi thanh thiếu niên là do độ tuổi trên có tâm lý ham vui, tò mò, thích thể hiện mình, dễ bị lôi kéo, thấy được những thú vui trước mắt mà chưa thấy được những hậu quả lâu dài.
Bên cạnh đó, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực, trong đó có các clip hướng dẫn tự chế pháo nổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Những người có ý định xấu, vì lợi nhuận mà thông qua mạng xã hội đã tìm cách lôi kéo thanh thiếu niên tham gia.
Để ngăn chặn, phòng ngừa những vụ việc đáng tiếc do tự chế pháo nổ gây ra cần có giải pháp tổng thể. Trong đó các cơ quan chức năng liên quan và nhà trường cảnh báo những hệ lụy do tự chế pháo nổ trái phép gây ra, bên cạnh đó là phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức của người dân.
Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội liên quan đến việc chế tạo, buôn bán pháo nổ trái phép.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc quan tâm sát sao theo dõi con em mình, ngăn ngừa hành vi tự chế, mua bán pháo nổ trái phép, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngày 11-1, Bộ Công an lên tiếng cảnh báo tình trạng học sinh tự chế tạo pháo nổ có thể gây hậu quả nguy hiểm khôn lường.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết điều 5 nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo quy định nghiêm cấm các hành vi như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo quy định. Cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
Việc đăng tải các clip hướng dẫn người khác tự chế pháo nổ cũng là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo, do đó hành vi này có thể bị xử phạt phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận