Phụ nữ mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản múa điệu Bon Odori trong sự kiện ngày 16-7 - Ảnh: REUTERS
Hôm 16-7, hàng ngàn người Malaysia đã cùng nhau múa điệu Bon Odori, điệu múa truyền thống của lễ Bon tại sân vận động Shah Alam của bang Selangor.
Nhiều phụ nữ theo Hồi giáo cũng bỏ trang phục tuân theo quy tắc đạo Hồi để khoác lên mình chiếc kimono hoặc yukata, loại kimono mùa hè của Nhật.
Lễ Bon và điệu múa Bon Odori được tổ chức hằng năm ở Malaysia từ năm 1977. Đại sứ quán Nhật Bản tại Kuala Lumpur và Câu lạc bộ Nhật Bản ở Kuala Lumpur nằm trong số những bên bảo trợ cho sự kiện.
Tuy nhiên sự kiện năm nay lại trở thành tâm điểm chú ý và trở thành dịp để thể hiện quyền lực của 1 trong 9 sultan cai quản Malaysia.
Tranh cãi bắt đầu từ tháng trước, khi Bộ trưởng Bộ các vấn đề Hồi giáo Idris Ahmad yêu cầu người Hồi giáo không đến lễ hội do "các yếu tố tôn giáo".
Để chứng minh, ông Idris chỉ vào các apphich quảng cáo của lễ hội, trên đó thể hiện một phụ nữ vừa mặc kimono vừa đội hijab, loại khăn trùm đầu phổ biến của người theo Hồi giáo ở Malaysia.
Những người Hồi giáo bảo thủ phản đối lễ hội vì cho rằng sự kiện đi ngược lại đức tin của họ - Ảnh: REUTERS
Các cơ quan quản lý Hồi giáo khác sau đó ra khuyến cáo người dân cân nhắc, vì lễ hội này có liên quan tới việc thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần.
Giữa những tranh cãi và hoang mang, Sultan Sharafuddin Idris Shah - người trị vì bang Selangor - đã bất ngờ lên tiếng giúp hạ nhiệt vấn đề.
Quốc vương, người từng tham dự một lễ hội Bon Odori vào năm 2016, tuyên bố không có yếu tố tôn giáo trong sự kiện, và đây chỉ là dịp để quảng bá văn hóa Nhật Bản.
Ông yêu cầu không cơ quan nào được cản trở người dân tham gia, thậm chí yêu cầu Bộ trưởng Idris và những người Hồi giáo bảo thủ khác đến sự kiện để biết rõ thực hư.
"Bệ hạ không muốn bất kỳ đảng phái cụ thể nào, đặc biệt là các chính trị gia, sử dụng những vấn đề liên quan đến sự nhạy cảm tôn giáo vì lợi ích cá nhân hay chỉ để nổi tiếng", Hoàng gia Selangor quở trách ông Idris trong tuyên bố phát hôm 14-7.
Theo giới quan sát chính trị, việc Sultan Sharafuddin Idris Shah thể hiện uy quyền của ông trước một bộ trưởng cấp liên bang đã cho thấy rõ bản chất của nền chính trị Malaysia và hoàng gia.
Quốc vương Malaysia (gọi là Yang di-Pertuan Agong) là người đứng đầu nước này, song quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay 9 sultan.
Động thái của Sultan Sharafuddin Idris Shah, theo giới quan sát, là một minh chứng hiếm hoi cho thấy uy quyền của sultan có thể vượt ra khỏi vùng lãnh thổ mà họ quản lý.
Hàng ngàn người đã tham gia lễ hội bất chấp các khuyến cáo từ những quan chức Hồi giáo - Ảnh: REUTERS
Malaysia được tạo thành từ 13 bang, trong đó có 9 bang được đặt dưới sự trị vì của sultan, tương đương với tiểu vương của một tiểu quốc.
Lễ Bon hay Obon là một lễ Phật giáo của người Nhật, thường kéo dài trong 3 ngày. Người Nhật xem lễ này là dịp để đoàn tụ gia đình và tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Vì điều này nên lễ Bon còn được nhiều người gọi là lễ Vu lan kiểu Nhật.
Lễ Bon không diễn ra cùng một ngày trên khắp nước Nhật do có nơi tính theo âm lịch, có nơi lại dùng dương lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận