15/10/2006 06:21 GMT+7

Lễ hội lên đồng

TRỌNG PHÚ
TRỌNG PHÚ

TT - Sân khấu sáng rực ánh đèn, hệ thống âm thanh hiện đại với đôi loa thùng công suất lớn đặt hai bên..., chưa bao giờ người dân bên đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương) lại được thưởng thức một “bữa tiệc” hầu bóng hoành tráng như vậy...

2tFcgtZq.jpgPhóng to
“Cậu” Tâm đang nhập vai trong một giá đồng - Ảnh: Việt Dũng
TT - Sân khấu sáng rực ánh đèn, hệ thống âm thanh hiện đại với đôi loa thùng công suất lớn đặt hai bên..., chưa bao giờ người dân bên đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương) lại được thưởng thức một “bữa tiệc” hầu bóng hoành tráng như vậy...

Đó là lần đầu tiên những ông đồng, bà cốt trình diễn những màn nhập hồn đầy màu sắc tâm linh trên… sân khấu lấp lánh ánh đèn, chứ không phải là điện thờ nghi ngút khói hương.

Theo lịch sắp xếp của ban tổ chức, đoàn “cậu” Tâm (ông đồng người Kim Thành, Hải Dương) đảm nhiệm màn “lên đồng” đầu tiên của liên hoan hầu thánh. “Cậu” Tâm vận chiếc áo phông đỏ chót, quần bò bạc màu, lăng xăng chạy đi chạy lại chỉ đạo các “đệ tử” bài trí ban thờ… Bên hông sân khấu, con nhang, đệ tử của “cậu” tất bật sắp sửa lễ vật, bày biện mâm quả... Giữa sân đền, ngay trước nhà tiền lễ, sân khấu nơi những ông đồng bà cốt sắp trình diễn nổi bật lên với ánh đèn sáng rực, long đình (ban thờ) nghi ngút khói hương, bập bùng ánh nến. Hai bên treo bốn bức tranh cách điệu hình bốn vị quan võ nom uy nghi lộng lẫy. Tôi lại gần các con nhang, đệ tử của “cậu” Tâm bắt chuyện. Chị T., một “đệ tử ruột” cùng quê với “cậu” Tâm, hồ hởi khoe: “Đêm nay tôi phụ đồng cho “cậu”. “Cậu” mở điện ở nhà đông đệ tử lắm, nhưng đến tham gia hội diễn này chỉ thân cận của “cậu” mới được đi cùng thôi, bây giờ có mặt tại đây cũng phải gần 100 người…”.

DjJzHhYq.jpgPhóng to
Hàng ngàn khán giả dõi theo từng giá đồng - Ảnh: Việt Dũng
Đêm 7-10 (tức 16-8 âm lịch), Liên hoan diễn xướng dân gian hầu thánh đã diễn ra với sự tham gia của các đoàn “hầu bóng” danh tiếng đến từ nhiều địa phương như Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định… Liên hoan hầu thánh kéo dài tới hết đêm 11-10 (20-8 âm lịch, ngày giỗ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) với sự tham dự của hàng vạn khán giả…
Gần tới giờ khai mạc, bà con kéo về nườm nượp. Ngoài những cụ già, mệnh phụ phu nhân, còn có rất nhiều bạn trẻ cỡ U-20. Tất cả ngồi chen chúc trên tấm thảm đỏ trải rộng trước long đình. Ban tổ chức giục oang oang trong loa thúc nhân viên đền huy động tất cả chiếu của nhà đền trải chỗ cho bà con ngồi xem.

Đúng 20g, sau bài phát biểu khai mạc của giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hải Dương Đặng Việt Cường, “cậu” Tâm bước ra chiếu đồng trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. “Cậu” mặc bộ quần áo lụa trắng, tóc vuốt keo bọt, mặt tô son điểm phấn, mai tóc để dài như con gái. “Cậu” cúi đầu chào khán giả thành thục như một ca sĩ. “Cậu” từ từ ngồi xuống chiếu đồng trước cặp mắt hồi hộp dõi theo của hàng ngàn khán giả và con nhang, đệ tử. Theo chân “cậu”, bốn phụ đồng (hai nam, hai nữ) nhanh chóng chuẩn bị trang phục, lễ lạt… Cánh cung văn nổi nhạc, tiếng đàn khoan thai, trống phách dồn dập, giọng hát văn vụt bổng bao trùm lên không gian sân đền.

Những giá đồng vùn vụt trôi qua, khi thì “cậu” hóa thân thành một vị tướng trấn giữ miền biên ải tiến lui múa đại long đao vun vút, khi thì là một mệnh quan lớn uy nghiêm oai vệ, lúc lại hóa thân thành một cô gái miền cao đang tung tăng nhảy múa giữa bạt ngàn núi rừng. Giọng hát văn lúc dìu dặt, lúc vui nhộn tưng bừng, tâm trạng buồn vui của khán giả cũng biến đổi theo từng giá đồng. Có lúc cả đám đông say mê vỗ tay hòa cùng nhịp trống phách, có lúc vẻ mặt ai cũng buồn não nề theo tiếng đàn, giọng hát ai oán kể về nỗi niềm oan khuất của người anh hùng. Mỗi lẫn “cậu” Tâm trình diễn đến cao trào, hai đệ tử thân cận của cậu ngồi sẵn bên cánh gà chiếu đồng lại nổ pháo giấy trong tiếng vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt của khán giả.

3 giờ sáng, màn diễn thứ tư của đêm hội “lên đồng” do ông đồng Vũ Khắc Long, Hải Phòng thể hiện. Trong khi cánh khán giả U-20 có vẻ thấm mệt, một số rời chiếu đồng ra về, thì nhiều cụ già cỡ 70-80 tuổi vẫn trắng đêm cùng “hầu bóng”. Bà cụ Yên, hơn 80 tuổi, nhà ngay sau đền Kiếp Bạc, cho biết: “Tôi cùng mấy cụ trong làng rủ nhau đến xem. Cánh cung văn hát hay thật. Chưa bao giờ tôi được xem một giá hầu như thế này”.

- Lên đồng (hay còn gọi là hầu bóng) là nghi lễ phổ biến nhất của đạo Mẫu. Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người lên đồng để nghe lời cầu khấn của người đi lễ.

Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian VN thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc dân tộc của VN, được thờ tại các đền, phủ. Ở miền Bắc VN, các chùa cũng có bàn thờ Mẫu (tiền Phật, hậu Mẫu). Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết mà quan tâm đến cuộc sống hiện tại, và câu hỏi làm thế nào để người ta có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian.

Đạo Mẫu có hai dịp lễ hội quan trọng: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần (cha) và Liễu Hạnh công chúa (mẹ).

- Ông Nguyễn Khắc Minh, trưởng Ban quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc: “Thực chất “hầu bóng” là một sinh hoạt văn hóa tâm linh thuộc về dân gian có từ lâu đời, có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức nhập hồn và hát văn.

Về nghệ thuật diễn xướng dân gian, đây là một tổng hợp nhiều diễn xướng khác. Có toàn bộ dàn nhạc dân tộc; có hát chèo, hát văn; có kịch múa, nhảy, hóa trang, lễ nghi. Một người diễn những 36 giá đồng, hóa thân vào 36 nhân vật với những tâm trạng diễn xuất khác nhau. Đây là hội của dân, chúng tôi chỉ đứng ra chủ trì để người dân tự làm”.

TRỌNG PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên