Chiều 13-11, ông Nguyễn Huy Hùng, phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Trị, cho hay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có quyết định công nhận lễ hội truyền thống Ariêu Piing của người Tà Ôi (Pa Kô) ở huyện Đakrông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 2 của Quảng Trị, sau hò giã gạo được công nhận tháng 2-2023.
Ariêu Piing còn gọi lễ nhà mồ, lễ cải táng, lễ bốc mả, là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh với người Pa Kô. Đây là lễ hội tín ngưỡng độc đáo, tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến những người đã khuất.
Người Pa Kô không nhớ lễ hội có từ khi nào, nhưng khi lễ Ariêu Piing tổ chức, dù xa xôi cách trở, họ vẫn luôn thu xếp để trở về tham dự lễ.
Nội dung chính của lễ hội là cất bốc hài cốt của người thân trong dòng họ được an táng rải rác trong rừng quy tập về một khu vực gần nhà để tiện chăm sóc, thăm viếng. Người đã khuất sẽ được xây dựng lăng mộ, trang trí mồ mả.
Nghi lễ còn có ý nghĩa mang lại bình yên, siêu thoát cho người đã khuất, mang lại cuộc sống tốt lành cho người dân. Trong nghi lễ, người dân mặc trang phục truyền thống, biểu diễn các điệu nhạc như cồng chiêng, trống…
Lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc. Tùy theo đời sống kinh tế của làng bản, dòng họ mà lễ hội Ariêu Piing được tổ chức 10-20 năm một lần, kéo dài 2-3 ngày.
Ngày nay, một số nghi lễ không còn phù hợp như đâm trâu được bãi bỏ. Cạnh đó, lễ hội Ariêu Piing tổ chức kèm với thi đấu thể thao như bắn nỏ, đi cà kheo, hát dân ca, đánh cồng chiêng… Trong sự phát triển kinh tế - xã hội, Ariêu Piing không chỉ là lễ hội của người Pa Kô, mà còn trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch mỗi khi bản làng vào hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận