24/02/2014 08:57 GMT+7

Lấy phiếu tín nhiệm: sửa cho thực chất

LÊ KIÊN - QUỐC THANH ghi
LÊ KIÊN - QUỐC THANH ghi

TT - Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc họp ngày 21-2 đã quyết định tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tạm dừng rồi sau đó sửa ra sao?

6N3vee2e.jpgPhóng to
Các đại biểu Quốc hội nói về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệmQuốc hội tạm dừng lấy phiếu tín nhiệmCòn nhiều ý kiến khác nhau về lấy phiếu tín nhiệm

htiWrHCK.jpg
Ông Lê Nam - Ảnh: V.Dũng

* Ông LÊ NAM (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa):

Lấy phiếu tín nhiệm thực chất hơn

Tôi đồng tình với các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nên có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong nghị quyết 35 để việc lấy phiếu tín nhiệm có hiệu quả, thực chất hơn. Tôi tin rằng các đại biểu Quốc hội không muốn dừng hẳn hoạt động lấy phiếu tín nhiệm bởi tuy mới thực hiện lần đầu nhưng đã được ghi nhận là dấu ấn, là “thương hiệu” của Quốc hội, được dư luận đánh giá cao và cử tri hoan nghênh. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng trong lúc lòng tin đang bị suy giảm, mất mát ở nhiều nơi thì hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đã đem lại lòng tin của cử tri vào Quốc hội.

Trước đây, khi thảo luận nghị quyết 35, có một số ý kiến cho rằng quy định ba mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” là không hợp lý bởi ba mức độ này đều là tín nhiệm cả, mà cũng thật khó định lượng giữa “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao” khác nhau thế nào. Với cách thiết kế phiếu như vậy, đại biểu không có sự lựa chọn nào để thể hiện thái độ với người mà mình “không tín nhiệm”. Vậy tại sao lá phiếu không thể hiện theo thông lệ rất dễ đánh giá là “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”?

va0YNDR5.jpgÔng Trần Ngọc Vinh - Ảnh: V.Dũng* Ông TRẦN NGỌC VINH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng):

Không cần nhiều thời gian để sửa

Quốc hội đã bàn đi bàn lại nhiều lần mới ra được nghị quyết 35 và qua lần đầu thực hiện, có thể nói rằng đã được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân trong nước và dư luận quốc tế đánh giá cao. Bây giờ nghe thông tin tạm dừng thì chắc chắn dân sẽ hỏi là dừng đến bao giờ, có dừng hẳn không? Tôi đồng tình là tạm dừng để sửa đổi nghị quyết 35 nhưng dừng phải có thời hạn.

Về cơ bản, các vấn đề cần tiếp tục thảo luận đã tương đối rõ rồi và cũng không cần nhiều thời gian để nghiên cứu, không cần nhiều thời gian để sửa. Ví dụ như về đối tượng thuộc diện lấy phiếu, đến nay theo tôi, các ý kiến đã tương đối thống nhất là chỉ lấy phiếu với khối hành pháp. Hình thức phiếu cũng nên chỉ có hai mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”, người nào không đủ tín nhiệm thì nghỉ (xin từ chức hoặc bị bãi nhiệm), chứ đừng thiết kế nhiều mức độ rườm rà, phức tạp, khó đánh giá.

Bây giờ mới là đầu năm, với những vấn đề không cần quá nhiều thời gian thảo luận như trên, tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm hoàn toàn có đủ điều kiện chỉnh sửa, bổ sung nghị quyết 35 để Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp tháng 5 này và thực hiện vào kỳ họp cuối năm. Như vậy cử tri, nhân dân sẽ tin tưởng vào quyết tâm của Quốc hội.

9zRxSl8q.jpg Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang - Ảnh: V.Dũng* Bà ĐOÀN NGUYỄN THÙY TRANG (đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Đã phát huy tác dụng nhất định

Phải khẳng định rằng lấy phiếu tín nhiệm là rất cần thiết và trên thực tế đã phát huy tác dụng nhất định. Những người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm hơn, tích cực và năng động hơn trong thực thi công vụ hay thực hiện các chức trách được giao. Còn những đại biểu của dân cũng có trách nhiệm theo dõi, giám sát các cơ quan hành pháp và những người được lấy phiếu tín nhiệm ở khối này. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm như thế nào cho phù hợp, khoa học, thật sự hiệu quả và được phát huy như một trong những công cụ “sát hạch” định kỳ đối với những người được lấy phiếu thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến đóng góp đa chiều... để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này.

Theo tôi, một trong những nội dung của quy định về lấy phiếu tín nhiệm cần phải sửa là diện được lấy phiếu tín nhiệm (không đưa những người công tác ở khối lập pháp vào diện lấy phiếu tín nhiệm như quy định hiện hành). Còn về thời gian, tôi cho rằng mỗi năm thực hiện một lần là hợp lý, để người được đánh giá qua từng lá phiếu tín nhiệm nhìn lại quá trình công tác của mình, có những điều chỉnh kịp thời những gì chưa ổn trong quá trình quản lý, điều hành hoặc phát huy cao hơn những yếu tố tích cực.

iajvKZYR.jpgPhóng toTS Nguyễn Sĩ Dũng - Ảnh: V.Dũng* TS NGUYỄN SĨ DŨNG (phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):

Nên theo chuẩn mực thế giới

- Việc lấy phiếu tín nhiệm như vừa qua là một cơ chế rất Việt Nam, nghĩa là chưa có ở bất kỳ nước nào. Chính vì vậy nhiều ý kiến khác nhau là dễ hiểu, cuối cùng những người phiếu thấp hơn không hẳn là những người không làm việc tốt hơn.

Trên thế giới chỉ có bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm. Việc này cũng có mục đích như Hiến pháp 2013 của chúng ta đã quy định, đó là sự kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lâu nay nhiều nước đã áp dụng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đối với cơ quan hành pháp, chứ không lấy phiếu tín nhiệm cả cơ quan lập pháp như ở ta. Rõ ràng khi lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, trong đó có cả các chức danh hành pháp và lập pháp, có thể dẫn đến không công bằng, bên lập pháp sẽ được phiếu cao hơn vì bỏ phiếu cho mình.

* Ông có đề xuất nào cho việc sửa đổi cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hiện nay?

- Nếu chúng ta muốn hiện đại hóa nền quản trị quốc gia thì phải theo chuẩn mực của thế giới, trong đó các cơ quan quyền lực kiểm soát nhau, một trong những công cụ kiểm soát của quyền lực lập pháp đối với quyền lực hành pháp là bỏ phiếu tín nhiệm. Thế giới tiến hành bằng hai cách. Nếu hành pháp cảm thấy những phê phán đối với mình không công bằng thì có thể đề nghị cơ quan lập pháp bỏ phiếu tín nhiệm, nếu bên lập pháp tín nhiệm thì tiếp tục làm, còn không thì thôi. Trong trường hợp như vậy, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm mình. Còn trong trường hợp một đại biểu Quốc hội hay một cơ quan của Quốc hội thấy rằng không thể tín nhiệm Chính phủ hoặc một thành viên Chính phủ nữa thì kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

* Luật pháp nước ta đã có quy định về bỏ phiếu tín nhiệm từ lâu nhưng không thực hiện được, thưa ông?

- Theo Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Và luật này cũng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, ủy ban của Quốc hội. Muốn kiến nghị của đại biểu Quốc hội thực hiện được thì phải quy định thủ tục như thế nào để có tỉ lệ 20% đó.

Muốn xác lập thủ tục rõ ràng thì phải cho đại biểu các quyền như pháp luật nghị viện các nước. Ví dụ trong một phiên chất vấn, có đại biểu kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm một bộ trưởng, kiến nghị đó phải có ít nhất một đại biểu khác ủng hộ thì mới được đưa ra thảo luận ở Quốc hội, rồi mới bỏ phiếu xem có đạt tỉ lệ 20% hay không. Sau đó mới lên kế hoạch bỏ phiếu bất tín nhiệm và phải có phiên thảo luận về chế độ tín nhiệm mà ở đó ông bộ trưởng được giải trình trước Quốc hội. Giải trình xong mà không có kiến nghị nữa thì thôi, nếu vẫn có kiến nghị thì bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Võ Văn Thành thực hiện

NEzx2H6G.jpgPhóng toÔng Nguyễn Anh Sơn - Ảnh: Việt Dũng* Ông NGUYỄN ANH SƠN (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định):

Tín nhiệm hoặc không tín nhiệm

Chúng ta nên đưa hoạt động đánh giá tín nhiệm về với những gì mà thế giới vẫn quen làm và làm có hiệu quả. Đó là chỉ nên khoanh đối tượng lấy phiếu lại, chỉ nên đánh giá tín nhiệm khối hành pháp với các lá phiếu chỉ có hai mức độ là “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”. Ngoài hình thức bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm được tiến hành định kỳ, cần quy định rõ điều kiện, cách thức đánh giá tín nhiệm bất cứ lúc nào đối với người đứng đầu nếu ngành, lĩnh vực do họ nắm giữ xảy ra những chuyện lớn ảnh hưởng xấu tới lợi ích của dân và niềm tin của công chúng.

Bỏ phiếu tín nhiệm/bất tín nhiệm ở các nước

- Ấn Độ: Bỏ phiếu bất tín nhiệm thường được tiến hành ở Hạ viện. Việc bỏ phiếu chỉ được tiến hành nếu có ít nhất 50 nghị sĩ ủng hộ việc bỏ phiếu. Nếu đa số Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm thì chính phủ sẽ phải từ chức.

- Thái Lan: Chính phủ bị phế truất nếu bỏ phiếu bất tín nhiệm có số phiếu quá bán.

- Nhật Bản: Điều 69 của Hiến pháp năm 1947 quy định “Nếu Hạ viện thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc bác một đạo luật tín nhiệm, chính phủ sẽ phải từ chức hàng loạt”. Nếu điều này không xảy ra thì Hạ viện sẽ phải giải tán trong vòng 10 ngày.

- Mỹ: Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm và có thể có thủ tục phế truất thành viên của chính phủ. Quốc hội Mỹ từng bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ngoại trưởng Dean Acheson những năm 1950 và với bộ trưởng tư pháp Alberto Gonzales năm 2007, nhưng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm này dù được thông qua chủ yếu mang tính hình thức. Thành viên chính phủ chỉ bị phế truất nếu bị tiến hành luận tội và bị kết luận có tội.

- Nga: Hạ viện Nga có thể chỉ cần đa số phiếu (226/450 phiếu) là có thể thông qua bất tín nhiệm đối với toàn bộ nội các. Sau khi bỏ phiếu bất tín nhiệm này, kết quả sẽ được đưa lên tổng thống, người có thể ra quyết định bãi nhiệm chính phủ, để chỉ định thủ tướng mới. Tổng thống cũng có thể phớt lờ kết quả bất tín nhiệm này. Trường hợp Hạ viện Nga trong vòng ba tháng tiếp tục bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nội các thì tổng thống buộc phải ra quyết định: hoặc là phế truất nội các hoặc là giải tán Hạ viện (trừ một số trường hợp như Hạ viện mới được bầu chưa đầy một năm, hoặc tổng thống chỉ còn nhiệm kỳ chưa đầy sáu tháng...).

Thanh Tuấn tổng hợp

LÊ KIÊN - QUỐC THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên