22/02/2014 09:49 GMT+7

Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm

Phó chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
Phó chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

TT - Kết luận cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sẽ thông báo tới đại biểu Quốc hội về việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội tạm dừng lấy phiếu tín nhiệmCòn nhiều ý kiến khác nhau về lấy phiếu tín nhiệm

Rh6FjlZC.jpgPhóng to
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp - Ảnh: phương hoa

Việc tạm dừng này là thực hiện theo thông báo của Bộ Chính trị.

“Việc lấy phiếu và bỏ phiếu thực hiện theo nghị quyết 35 của Quốc hội có kết quả tốt, được nhân dân đồng tình. Lần đầu tiên lấy phiếu đã đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình làm lần đầu thì có những góp ý, ý kiến khác nhau về phương thức làm, cách làm. Như vậy, tới đây chúng ta trình ra Quốc hội là nghị quyết 35 còn có ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, dựa trên ý kiến của đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước” - ông Hùng giải thích.

Chờ Hội nghị trung ương 9

"Chúng ta báo cáo, đề xuất ra Quốc hội rồi sau đó Quốc hội thảo luận, kết luận. Không phải chúng ta dừng luôn. Bộ Chính trị chỉ nói là tạm dừng lấy phiếu tại kỳ họp đầu tiên năm 2014để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm sửa nghị quyết 35 chứ không phải là dừng hẳn"

Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết: ngày 20-12-2013, Bộ Chính trị có thông báo số 149 về đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện quy định số 165 ngày 18-2-2013 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, Bộ Chính trị có ý kiến: “Bộ Chính trị sẽ căn cứ ý kiến của Hội nghị trung ương 9 (khóa XI) về việc lấy phiếu tín nhiệm để sửa đổi, bổ sung quy định số 165. Quốc hội tiến hành sửa đổi nghị quyết số 35 ngày 21-11-2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Với tinh thần đó, ở những nơi cấp ủy chưa tiến hành lấy phiếu tín nhiệm thì dừng việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội.

Quốc hội, HĐND các cấp dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, chờ hướng dẫn của Bộ Chính trị sau Hội nghị trung ương 9 (khóa XI) để thực hiện thống nhất trong thời gian tới”.

Được biết, Hội nghị trung ương 9 sẽ được tổ chức trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp vào nửa cuối tháng 5-2014.

Tại cuộc họp, tất cả các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là bước tiến trong hoạt động của Quốc hội, được nhân dân đồng tình và dư luận đánh giá cao.

Ban công tác đại biểu đề nghị “kiên trì thực hiện nghị quyết 35 của Quốc hội”. Việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi nghị quyết 35 để tiếp tục thực hiện có hiệu quả là cần thiết.

“Nhân dân hi vọng rằng đây sẽ là một kênh hiệu quả để đánh giá cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Ông Lý đồng tình với đề nghị tạm dừng nhưng lưu ý rằng việc tạm dừng như thế nào, tạm dừng đến khi nào thì “còn chờ kết luận hội nghị sắp tới của Ban Chấp hành trung ương”.

kjQtin1r.jpgPhóng to
Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (ngày 11-6-2013), Quốc hội đã lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây được coi là dấu ấn trong lịch sử hoạt động của Quốc hội - Ảnh: việt dũng

“Khối hành pháp có tâm tư”

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng với một hoạt động được dư luận đánh giá cao như vậy mà bây giờ đột ngột thông báo tạm dừng thì “sẽ rất khó giải thích”. Vì vậy, cần nói rõ với đại biểu và nhân dân là do kỳ họp giữa năm nay cần phải tổng kết, đánh giá nên tạm dừng lại.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Khi thực hiện xong thì ta cổ xúy rất ghê gớm, rất háo hức. Bây giờ ta bình tĩnh lại thì thấy rằng thật ra trong quá trình làm chúng ta cũng đã lường trước được những bất cập, bây giờ tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định”.

Theo ông Phước: “Quyết định cuối cùng về nhân sự, về công tác cán bộ vẫn là công tác của Đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND cũng là một kênh giúp Đảng đánh giá cán bộ, hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ. Đảng có rất nhiều kênh để đánh giá, ví dụ có đồng chí ra Quốc hội thì mức độ tín nhiệm thấp nhưng trong nội bộ Đảng thì tín nhiệm lại cao”.

Ông Phước đồng ý tạm dừng và phân tích: “Lý do thứ nhất là cần xem lại để sửa đổi, bổ sung nội dung của nghị quyết. Ví dụ tại sao bên khối dân cử thường được tín nhiệm cao, thật ra bởi khối này ít va chạm với dân hơn, các quyết định mang tính tập thể, khác với các lãnh đạo khối hành pháp. Quan điểm của tôi là chỉ bỏ phiếu đối với khối hành pháp, nơi có va chạm thường xuyên hằng ngày với dân, với cuộc sống, để đánh giá mức độ hài lòng của đại biểu, của dân đối với công việc hằng ngày của chính quyền”.

“Tôi thấy không nên để lập pháp và hành pháp chung một bảng như thế, khó so sánh. Một bên thì va chạm thường xuyên với dân rất nhiều, còn một bên không có điều hành, không có va chạm mà để so sánh như vậy. Ngay cả chúng ta ở khối lập pháp thì chúng ta thấy khối hành pháp người ta có tâm tư là đúng” - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Những vướng mắc được đặt ra hôm nay cũng đã được thảo luận trong quá trình xây dựng nghị quyết 35, ví dụ như quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, đưa cả lãnh đạo cơ quan lập pháp và hành pháp vào thì cả thế giới không ai làm như thế. Cơ quan dân cử hoạt động theo chế độ hội đồng, quyết định tập thể, còn cơ quan hành pháp hoạt động theo chế độ thủ trưởng, hoàn toàn khác nhau. Người ta chỉ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với nội các”.

Do nghị quyết 35 quy định Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nên muốn tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có tờ trình đề nghị với Quốc hội và Quốc hội sẽ quyết định việc này.

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe báo cáo và cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của các dự án: Luật đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng và Luật xây dựng (sửa đổi).

GS.TS NGUYỄN MINH THUYẾT(nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Tạm dừng không rõ thời hạn thì dân sẽ thất vọng

Tôi cho rằng việc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35 của Quốc hội là cần thiết, bởi lấy phiếu tín nhiệm mới tiến hành lần đầu nên có những quy định chưa sát với thực tế và chưa mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng với một việc làm được cử tri quan tâm, ủng hộ và được coi là dấu ấn trong lịch sử hoạt động của Quốc hội mà bây giờ nói là tạm dừng và nếu việc tạm dừng không rõ thời hạn thì người dân sẽ thất vọng.

Thực tế những vấn đề còn vướng mắc, chưa sát thực tế cần phải nghiên cứu sửa đổi như là nên lấy phiếu với đối tượng nào, hình thức lá phiếu ra sao, hậu quả pháp lý của việc lấy phiếu thế nào... không phải là những vấn đề bây giờ mới được đặt ra mà đã được thảo luận từ trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết 35. Sau khi Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu lần đầu tiên thì cử tri, đại biểu Quốc hội lại tiếp tục góp ý và đến nay những vấn đề đó gần như đã rõ.

Tôi nhất trí với quan điểm là chỉ nên lấy phiếu những người giữ chức vụ được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đối với các cơ quan hành pháp. Còn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì nên nghiên cứu hình thức nào đó để cử tri đánh giá. Về hình thức lá phiếu và hậu quả pháp lý của việc bỏ phiếu thì tốt nhất là nên theo thông lệ quốc tế. Chúng ta thiết kế phiếu tín nhiệm ba mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” là rất rối rắm, khó định lượng và bất cập. Tại sao trong lá phiếu không có ô “không tín nhiệm”? Tôi đề nghị cứ theo chuẩn quốc tế mà làm, phiếu đánh giá tín nhiệm chỉ có hai mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Hậu quả pháp lý cũng nên theo thông lệ quốc tế, mức độ tín nhiệm dưới 50% thì cần phải bãi nhiệm, miễn nhiệm.

Phó chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên