Hùng Trần hướng dẫn học sinh ở lớp học STEAM - Ảnh: MAI THƯƠNG
Bà Trần Thị Hương Giang - đại diện tại Việt Nam của Công ty tư vấn Weave Services (Hong Kong) - nói: “Nếu là Hùng Trần của Got It thì người ta có thể tin. Công ty tôi là đơn vị chuyên tư vấn về chuyển đổi số chuỗi cung ứng, đang chờ đợi nguồn nhân lực công nghệ đột phá được đào tạo và trưởng thành ở ngôi trường ấy”.
STEAM for Vietnam là dự án giáo dục miễn phí, phổ cập các môn học trong lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Khóa học được thực hiện trực tuyến và trực tiếp.
Bọn trẻ khá thật!
Cơ duyên để Hùng Trần thành lập STEAM for Vietnam đến từ một thực tập sinh chỉ mới… 13 tuổi: “Một ngày hè 2019, tôi nhận được lá thư xin thực tập tại Got It của cậu bé 13 tuổi. Cậu có chút ít kiến thức về lập trình và mong muốn được trải nghiệm trong vài tháng hè.
Thấy hình ảnh của mình ngày còn trẻ, tôi quyết định nhận và đào tạo thêm”. Với quyết định táo bạo, Hùng Trần và một số kỹ sư tại Got It đã thử dùng giáo trình sinh viên đại học Mỹ dạy cho cậu bé.
Sau hai tháng, đưa ra đề bài “tốt nghiệp” là chế tạo xe tự lái sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Hùng Trần tìm mua một chiếc xe điều khiển từ xa, tháo hết thiết bị, thay bằng bảng mạch Raspberry Pi và kết nối với một camera nhỏ.
Sau đó anh hướng dẫn cậu bé thu thập dữ liệu để đào tạo ra các AI điều khiển xe. Cuối cùng chiếc xe đã tự lái được trước sự ngạc nhiên của nhiều người.
“Bọn trẻ giờ khá thật. Nếu được đầu tư để tiếp cận công nghệ từ sớm, các em sẽ phát triển và có tương lai rất sáng”, Hùng Trần khẳng định. Ngay sau đó, vào năm 2020, Hùng Trần tìm kiếm các cộng sự người Việt ở Mỹ, cùng nhau sáng lập nên STEAM for Vietnam.
Tới khóa mùa hè năm 2021, STEAM for Vietnam đã nhận hơn 30.000 đơn đăng ký học lập trình trực tuyến từ 34 quốc gia khác nhau. Riêng tại Việt Nam, học viên đến chủ yếu từ Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
AI không là giấc mơ
Nhiều học viên có kết quả vô cùng ấn tượng, như bạn Trần Xuân Cẩn, lớp 4 Trường tiểu học dân lập Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Cậu hào hứng kể: “Em được các thầy hướng dẫn cách lập trình điều khiển chú robot ném bóng rổ.
Em rất thích và tạo được 4 kiểu điều khiển robot: AI, Người điều khiển, Dò tìm triệt để và Cần cù chịu khó. Trong bài tập cuối khóa, bạn robot AI đã ném được quả bóng vào tâm ngôi sao của bản đồ Việt Nam”.
Cẩn háo hức nói thêm: “Em nghĩ AI sẽ ứng dụng rộng rãi trong thế giới tương lai. AI sẽ như một người vệ sĩ hay trợ lý đắc lực, hỗ trợ và bảo vệ con người như: giúp người khiếm thị đi lại an toàn, giúp người làm việc nhà, giúp học sinh ôn tập”.
Nguyễn Quỳnh Mai, lớp 8C Trường THCS Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cho hay: “Bài học mà em ấn tượng nhất là “Siêu robot ném bóng rổ” của khóa Scratch.
Từ khi biết các ứng dụng AI như Siri, Alexa, Google Map hay robot Sophia, em nghĩ AI là một thứ cao siêu.
Té ra chỉ với một dụng cụ lập trình rất cơ bản như Scratch thì cũng có thể tạo ra một chú robot có tư duy logic. AI rất tuyệt vời, và trong tương lai sẽ còn tuyệt vời hơn khi chính chúng ta tạo ra được”.
Lường trước khó khăn trong lựa chọn lứa tuổi học viên, Hùng Trần chia sẻ: “Các em có thể chăm chú xem một bộ phim hay một mạch mấy tiếng đồng hồ, trong khi nghe bài giảng trực tuyến chưa được 3 phút đã ngáp ngắn ngáp dài.
Do đó, mục tiêu của STEAM là nội dung các bài giảng phải hấp dẫn như một bộ phim để các em không phải học mà được học. Mỗi khóa STEAM for Vietnam được thiết kế như một show truyền hình, mỗi bài học như một tập phim, có nhân vật và cốt truyện hấp dẫn”.
Giấc mơ lớn từ Silicon cho Việt Nam
Từng là kỹ sư công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ), tên Hùng Trần gắn với Got It bởi anh là sáng lập viên và CEO của công ty công nghệ có tên Got It với các dòng sản phẩm là kiến thức dưới dạng dịch vụ và AI hội thoại. Got It được xếp thứ 2 ở mảng giáo dục trên Apple Store (Mỹ) vào năm 2016.
STEAM for Vietnam tự hào thu hút được giảng viên là những “ngôi sao” công nghệ ở Mỹ. Mỗi khóa học chỉ 3-4 giảng viên chính, nhưng đội ngũ hỗ trợ lên tới gần 200 người: trợ giảng, phát triển phần mềm, vận hành, tăng trưởng… làm việc trên 8 múi giờ khác nhau.
Với cá nhân Hùng Trần và cộng sự, dự án không chỉ là một công việc mà là một giấc mơ lớn: “Chúng tôi mong thế hệ trẻ sẽ có khả năng cạnh tranh của một công dân toàn cầu trong tương lai thông qua nền tảng giáo dục STEAM vững chắc”.
Chat với Hoàng Minh Đức, lớp 6 Trường THCS Tân Bình, TP.HCM:
* Vì sao em chọn khóa học này?
- Em ước mơ trở thành một lập trình viên game hoặc robot. Học lập trình cũng giúp em rèn luyện tư duy logic có ích cho nhiều môn học khác.
Khóa học cho em cơ hội giao lưu với hai tiến sĩ đến từ NASA: tiến sĩ Minh Đỗ và tiến sĩ Jeremy Frank. Em trực tiếp đặt câu hỏi và được giải thích về con đường trở thành lập trình viên robot. Em hiểu và tự tin hơn với ước mơ này.
* Em tưởng tượng AI sẽ ra sao trong tương lai?
- AI đã mang lại nhiều lợi ích, khiến máy móc trở nên thông minh hơn trong giúp đỡ con người, từ việc nhỏ là rửa chén, quét nhà, điều khiển nhà thông minh, tìm kiếm thông tin, đến việc lớn như nghiên cứu vắc xin, dự báo khí hậu và thám hiểm vũ trụ.
AI còn có thể giúp máy móc giao tiếp, bày tỏ cảm xúc, thậm chí còn làm được các công việc sáng tạo như viết nhạc, vẽ tranh, tổng hợp tin tức...
Em mong ước sẽ có ngày AI được tích hợp vào não của mọi người để học sinh như em dễ dàng nạp được kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Tuy nhiên, việc AI phát triển có thể khiến những người tham lam trở nên nguy hiểm hơn. Họ có thể dùng AI để tăng tốc độ khai thác tài nguyên đến cạn kiệt, gây ra thảm họa thiên nhiên, sử dụng vũ khí thông minh phục vụ chiến tranh… Cũng có thể đến lúc các cỗ máy AI tự chủ và bắt chúng ta làm nô lệ cho chúng? Em mong những điều này sẽ không xảy ra.
* Quỳnh Mai: Té ra AI cũng không cao siêu.
* Trần Xuân Cẩn: Bạn robot AI của em đã ném được bóng vào tâm ngôi sao.
* Nguyễn Nhật Vi (Vincent Nguyễn - kỹ sư phần mềm tại Twitter, Mỹ):
Mình tham gia STEAM for Vietnam vì tin rằng dự án sẽ thành công trong việc mở ra những cánh cửa cho các bạn trẻ ở khắp nơi, từ thành thị đến các vùng hẻo lánh.
* Nguyễn Thị Huỳnh Trang (Công ty Intel Products Vietnam):
Khi học ở Mỹ, làm tình nguyện viên trong các cuộc thi Robotics dành cho học sinh, tôi ngạc nhiên khi thấy học sinh cấp I đã tạo và lập trình robot nhuần nhuyễn, điều mà chỉ khi học đại học tôi mới được biết tới. Tham gia STEAM for Vienam, tôi thấy được sự không ngừng cải tiến trong giảng dạy và hệ thống hỗ trợ học sinh đã được thiết lập một cách nhanh chóng, tuyệt vời như LiveApp, STEAMese Profile...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận