30/05/2015 06:45 GMT+7

Lập lực lượng đặc biệt điều tra và ngăn chặn nạn buôn người

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Cuộc họp đặc biệt tại Bangkok (Thái Lan) về khủng hoảng di dân Đông Nam Á ngày 29-5 đã kết thúc tốt đẹp khi các nước tham dự đồng ý tăng cường hoạt động tìm kiếm và cứu hộ người di cư trên biển.

Thái Lan chủ trì cuộc họp đặc biệt về vấn đề người di cư Đông Nam Á Ảnh: AP

Channel NewsAsis cho biết cuộc họp về vấn đề Di cư Bất hợp pháp ở Ấn Độ Dương đã kết thúc với một tuyên bố chung của các quốc gia bị ảnh hưởng khi họ cam kết thành lập một lực lượng đặc biệt có nhiệm vụ điều tra và ngăn chặn nạn buôn người và đưa thủ phạm ra trước vành móng ngựa.

Có tất cả 17 quốc gia trong khu vực đã tham gia cuộc họp bao gồm Afghanistan, Úc, Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam và Thái Lan cùng các tổ chức như Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM).

Đại diện Nhật Bản, Thụy Sĩ và Mỹ tham dự cuộc họp như các quan sát viên. Một số Đại sứ của các nước tại Bangkok cũng quan sát cuộc họp.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Tanasak Patimapragorn phát biểu khai mạc cuộc họp. Trong đó ông Patimapragorn khẳng định cam kết của Thái Lan với truyền thống là nơi đến của nhiều người tị nạn và di cư từ những năm 1970 đến nay vẫn đang chăm sóc cho hơn 130.000 người di cư.

Hoàng gia Thái Lan cũng đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt cùng tàu nổi và máy bay để cung cấp trợ giúp ngay lập tức cho những người di cư trôi dạt trên biển.

IOM và UNHCR đưa ra cái nhìn tổng quan về các xu hướng và thách thức gần đây đã tác động to lớn đến cuộc sống của người di cư. IOM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý di cư toàn diện trong khi UNHCR kêu gọi các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp và đảm bảo sự hỗ trợ cho những người cần được giúp đỡ.

Đại diện của 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan tóm tắt về những nỗ lực và biện pháp mà mỗi nước đã cam kết thực hiện.

Họ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo thích hợp cho những người di cư đang mắc kẹt ngoài biển khơi cũng như các nạn nhân của bọn buôn người và đẩy mạnh hợp tác về mặt pháp luật để chấm dứt các hoạt động của mạng lưới tội phạm.

Hội nghị cũng bày tỏ mối quan tâm to lớn và nhìn nhận đầy đủ tính cấp bách của tình hình hiện nay là đòi hỏi phản ứng của khu vực ngay lập tức.

Hội nghị đã đưa ra các đề xuất như việc tăng cường các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, bảo đảm rằng UNHCR và IOM có quyền tiếp cận những người di cư, xác định nhựng người cần được bảo vệ thông qua quá trình sàng lọc hiệu quả, tăng cường cơ chế thông tin và chia sẻ thông tin tình báo, thành lập một cơ chết hay lực lượng đặc nhiệm chung để quản lý và đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết.

Ngoài ra hội nghị cũng đề xuất huy động các nguồn lực của cộng đồng quốc tế để yêu cầu các tổ chức quốc tế hỗ trợ ứng phó khẩn cấp trong vấn đề di cư, tăng cường thực thi pháp luật quốc gia để chống nạn buôn người và hợp tác trong việc tiêu diệt các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia,...

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên