Ông Phan Đăng Long, phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cho biết trước thông tin về việc người dân ở làng cổ Đường Lâm bức xúc, thường trực Thành ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND TP khẩn trương xem xét ý kiến của người dân. “Trong chỉ đạo của thường trực Thành ủy yêu cầu việc bảo tồn di tích theo đúng Luật di sản văn hóa là cần thiết, tuy nhiên trước những khó khăn bức xúc của người dân cũng cần quan tâm giải quyết theo nguyện vọng người dân đề xuất. Hiện nay Thành ủy yêu cầu các ngành của TP phải vào cuộc quyết liệt để sớm tháo gỡ vướng mắc cho người dân” - ông Long nói.
Một lãnh đạo của UBND thị xã Sơn Tây cho biết sau khi thị xã có báo cáo đầy đủ về các vấn đề liên quan xung quanh việc người dân ký đơn xin trả lại di tích, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND thị xã tăng cường ổn định tinh thần của người dân, tuyên truyền vận động cho người dân hiểu về giá trị của di tích. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Quy hoạch - kiến trúc thẩm định hồ sơ quy hoạch chi tiết vùng di tích của làng cổ Đường Lâm, sớm trình UBND TP phê duyệt. Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu sở này cùng Viện Quy hoạch - kiến trúc phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây lập dự án và hoàn thành các thủ tục về giãn dân.
Theo thông tin bước đầu về dự án giãn dân làng cổ Đường Lâm, UBND thị xã Sơn Tây đề xuất tại khu đất rộng 10,5ha tại thôn Phụ Khang. Theo lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây, đây là khu vực hoàn toàn nằm ngoài vùng bảo vệ thứ 2 của di tích làng cổ Đường Lâm. Vị lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cũng cho biết ngoài quy chế quản lý làng cổ có từ năm 2006, sắp tới các cơ quan liên quan sẽ phải xem xét nghiên cứu xây dựng, bổ sung cơ chế quản lý rộng hơn, “mềm” hơn.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận