24/05/2018 15:45 GMT+7

Lắp camera liệu có làm lộ những tình huống khiến trẻ xấu hổ?

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Sau các vụ bạo hành trẻ mầm non, nhiều người đòi lắp camera giám sát các cô giáo. Liệu camera có thực sự ngăn được bạo hành hay chỉ khiến giáo viên thêm áp lực?

Lắp camera liệu có làm lộ những tình huống khiến trẻ xấu hổ? - Ảnh 1.

Bảo mẫu bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh, Q.12, TP.HCM - Ảnh từ clip báo Tuổi Trẻ

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát lắp đặt camera tại lớp để quan sát hoạt động của cô và trẻ. Theo đó cho thấy trong khi cha mẹ đồng thuận cao với tỉ lệ ủng hộ chiếm 88% thì chỉ có 48% giáo viên đồng tình.

Cô làm đúng thì sợ gì camera?

Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, đa số phụ huynh đều đồng ý lắp camera phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp; khu vực sân chơi, khu vui chơi, khu vực hành lang, cổng trường, bãi giữ xe. Đồng thời, phụ huynh khá trăn trở về vấn đề chi phí lắp đặt.

"Nên gắn vì tôi thấy mấy vụ việc bảo mẫu bạo hành trẻ xảy ra nhiều quá. Không phải gắn để gây áp lực cho cô. Nếu các cô làm đúng lương tâm, đạo đức nghề nghiệp thì có gì đâu phải sợ'', chị Trương Bích Lâm có con học lớp lá Trường Mầm non Sơn Ca 1 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết. 

''Nếu gắn camera thì khi gửi cháu ở trường tôi cũng thấy an tâm hơn. Gắn camera để tạo sự an tâm cho cả phụ huynh lẫn nhà trường. Về chi phí, tôi nghĩ sẽ có nhiều trường không đủ chi phí để gắn và phụ huynh sẽ phải đóng thêm nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, muốn yên tâm thì nên đóng góp. 

Nếu trường con tôi yêu cầu đóng góp, tôi sẽ góp. Lương giáo viên, bảo mẫu đã rất thấp rồi, không thể để nhà trường gánh hết chi phí mà giảm phúc lợi cho giáo viên, bảo mẫu được", chị thêm.

Một phụ huynh có con học Trường Mầm non 3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng đồng ý lắp camera tại trường. 

"Tôi nghĩ phần lớn phụ huynh đều muốn lắp camera tại lớp con em mình để yên tâm, biết con cái mình được chăm sóc, dạy dỗ ra sao. Nếu giáo viên, bảo mẫu làm tốt công việc của mình thì sẽ không sợ gì hết''.

Không phản đối gắn camera nhưng một phụ huynh có cháu học Trường mầm non 3 lại lo ngại hình ảnh các cháu trong lớp bị nhiều phụ huynh cùng thấy.

"Nhỡ cháu xảy ra tình huống xấu hổ thì sao? Nhỡ có phụ huynh nào lưu lại rồi đăng lên mạng hay cho người khác xem thì sao?", vị này băn khoăn.

Áp lực khi bị người khác săm soi

TS Phan Thị Thu Hiền, trưởng khoa giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng việc lắp camera hay không tùy vào từng thời điểm, từng cơ sở. 

Với tình hình hiện tại, khi mà có nhiều vụ bạo hành mà sở GD-ĐT, nhà trường, phụ huynh không thể kiểm soát hết được thì camera là công cụ hỗ trợ phụ huynh giám sát được con mình ở trường có bị bạo hành hay không.

"Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy đó là chuyện chẳng đặng đừng vì nhiều lý do. Lý do đầu tiên là camera sẽ gây áp lực cho tất cả những người làm công việc đòi hỏi cảm hứng, có yếu tố tâm lý chi phối nhiều, chứ không chỉ riêng giáo viên mầm non. 

Các giáo viên có thể cảm thấy mình là một con cá nằm trên thớt, luôn bị săm soi. Mặc dù để trụ được với một nghề căng hẳng, mệt mỏi như trông dạy trẻ đòi hỏi họ phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ, nhưng vì nhiều vụ bạo hành mà họ bị 'con sâu làm rầu nồi canh', tất cả mọi hoạt động của họ đều bị giám sát. 

Theo tôi, có lẽ 48% giáo viên không đồng ý lắp camera không phải vì họ sợ bị theo dõi mình có bạo hành hay không mà bản thân họ cảm thấy áp lực tâm lý", TS Hiền nói.

TS Hiền phân tích thêm: camera cũng không giám sát được hết tất cả các hành động bạo hành. Camera chỉ quay được một số góc nhất định, vẫn có góc khuất trong trường. 

Bên cạnh đó, chi phí cho việc lắp camera rất tốn kém trong khi tiền để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dinh dưỡng cho trẻ hay đời sống cho giáo viên vẫn còn thiếu thốn.

Có những cách khác để kiểm tra trẻ có bị bạo hành hay không như: vết tích trên cơ thể của trẻ, hoặc một đứa trẻ yêu mến cô, yêu mến bạn bè thì trẻ sẽ muốn đến trường; ngược lại nếu trẻ bị bạo hành hay gặp vấn đề gì đó thì trẻ không muốn đến trường...

"Quan điểm của tôi là việc gắn camera không nên được tiến hành ở 100% trường mầm non trên địa bàn thành phố. Nên khảo sát, kiểm tra xem xét chất lượng, cam kết từ phía nhà trường, ban giám hiệu để triển khai lắp ở những nơi chưa đảm bảo, chưa được phụ huynh yên tâm, tin tưởng. Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời", TS Thu Hiền cho biết.

Theo TS, để giải quyết triệt để nạn bạo hành, cần tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho giáo viên mầm non, bảo mẫu; giảng dạy về những tác động tiêu cực lâu dài của hành vi bạo hành đối với trẻ; đào tạo trang bị kỹ năng kiểm soát cảm xúc và phương pháp giải quyết tình huống cho sinh viên sư phạm mầm non và cả những giáo viên đang công tác.

''Không thoải mái khi bị nhìn chằm chằm''

Một số giáo viên, bảo mẫu cho biết họ không phản đối việc gắn camera giám sát lớp học hay phòng ăn. "Lắp camera thuận lợi cho giáo viên trích xuất hình ảnh, bảo vệ mình khi bị phụ huynh 'tố' sai sự thật. Nếu không có camera, giáo viên khó chứng minh khi bị phụ huynh nghi ngờ, dẫn đến giáo viên tâm tư hoặc bất mãn. Có camera trong lớp, tôi nghĩ mình sẽ không bị áp lực, căng thẳng nhưng chắc chắn sẽ cảm thấy không tự nhiên, thoải mái khi bị giám sát như vậy", cô Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trường Mầm non Ngôi sao nhỏ, Q.7, chia sẻ.

Em sợ những đôi mắt đang nhìn vào camera... Em sợ những đôi mắt đang nhìn vào camera...

TTO - Thời gian gần đây, những vụ hành hạ trẻ nhỏ xảy ra ngày càng nhiều. Tại sao những câu chuyện bạo hành trẻ này lắng xuống thì sự việc khác tương tự lại nổi lên?

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên