Hội thảo có sự tham gia của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền phụ nữ tại Việt Nam (UN Women), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cùng đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ như Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Lào, Sri Lanka…
Đây là những nước có số lao động nữ xuất khẩu nhiều và họ đã làm tốt công tác tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động.
Việt Nam hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó lao động nữ giới chiếm từ 30-35%.
Người lao động nữ Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi như bị lạm dụng tình dục, thể xác, thiếu thông tin, thu phí quá quy định, lương thấp, thiếu cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Theo tiến sĩ Nguyễn Lương Trào, chủ tịch VAMAS, có khoảng 80-95% phụ nữ xuất khẩu lao động ở Việt Nam đều thông qua các doanh nghiệp môi giới. Vì vậy vai trò của các doanh nghiệp là rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài. “Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết trên cơ sở hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây chính là quá trình biến cái bắt buộc thành cái tự nguyện”, ông Trào cho biết.
Để việc bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài được triển khai tốt, các đại biểu cho rằng thời gian tới cần có chính sách cụ thể hơn đối với nữ giới để khi đi làm việc ở nước ngoài họ thu được lợi ích tối đa. Ngoài ra, công tác tư vấn, đào tạo trước khi xuất khẩu lao động cũng cần được chú trọng hơn, đặc biệt là những kỹ năng ứng xử trong các tình huống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận