22/05/2014 08:39 GMT+7

Lao động cưỡng bức = 150 tỉ USD mỗi năm

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra thông tin thật đau lòng: lao động cưỡng bức từ gái mại dâm, nông dân đến người giúp việc... mang lại lợi nhuận ít nhất là 150 tỉ USD mỗi năm cho những ông chủ giấu mặt.

LHQ: hơn 10 triệu người bị cưỡng bức lao động AI: Qatar đối xử với lao động nhập cư như “súc vật”

JSYbCgHs.jpgPhóng to
Trẻ em bị bóc lột sức lao động - Ảnh: AFP

AFP ngày 20-5 đưa tin gần 21 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên thế giới đang bị bóc lột và cưỡng bức sức lao động. Nhiều người trong số này bị ép buộc làm gái mại dâm, bị mua bán, đem gán nợ và làm việc trong điều kiện tựa như nô lệ.

“Lao động cưỡng bức có hại cho kinh doanh và sự phát triển, đặc biệt đối với các nạn nhân của nó” - ông Guy Ryder, giám đốc ILO, chia sẻ. Ông Ryder nhấn mạnh cần “nhổ cỏ tận gốc tội ác xấu xa nhưng đem lại lợi nhuận khủng khiếp này càng sớm càng tốt”.

BBC cho biết hơn phân nửa số lao động cưỡng bức này làm việc tại các quốc gia châu Á. 18% số lao động trên là tại châu Phi và gần 10% tại châu Mỹ Latin. Theo đó, người nhập cư là những lao động dễ bị tổn thương nhất.

ILO cho biết khoảng 18,7 triệu người trong 21 triệu lao động cưỡng bức bị buộc làm việc quần quật trong khối tư nhân và đem về 150,2 tỉ USD mỗi năm cho những ông chủ bóc lột họ. Khoảng 2/3 trong số này kiếm 99 tỉ USD lợi nhuận bằng việc bóc lột tình dục và phần còn lại từ mảng kinh doanh như nông nghiệp hoặc kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, hơn 2,2 triệu người bị ép buộc làm việc cho nhà nước, bao gồm việc binh lính bắt ép tù nhân làm việc.

Các quan chức ILO lên án “những người chủ vô lương tâm và bọn tội phạm hưởng lợi lớn từ việc bóc lột quá đáng sức lao động của người khác”, cũng như cảnh báo vấn đề này có nguy cơ “phát triển về quy mô lẫn lợi nhuận”.

AFP cho biết ILO hiện đang soạn thảo một loạt quy tắc nhắm đến lao động cưỡng bức trong lĩnh vực tư nhân, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và bồi thường. Các quy tắc này sẽ được thảo luận trong phiên họp đại hội đồng lần tới của ILO diễn ra từ ngày 28-5 đến 12-6 tại Geneva, Thụy Sĩ.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên