30/10/2023 19:39 GMT+7

Lãnh đạo Masan lên tiếng về tin đồn thoái vốn của SK Hàn Quốc và tình hình nợ

Lãnh đạo cấp cao của 'ông trùm' bán lẻ hàng tiêu dùng Masan vừa tổ chức buổi gặp gỡ, trả lời các thắc mắc của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo cấp cao Masan chia sẻ tình hình kinh doanh - Ảnh: BÔNG MAI

Lãnh đạo cấp cao Masan chia sẻ tình hình kinh doanh - Ảnh: BÔNG MAI

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) vừa tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào chiều nay 30-10, tại TP.HCM.

Masan giải thích về khoản góp vốn của nhà đầu tư SK Hàn Quốc

Mới đây, giới đầu tư chứng khoán xôn xao trước thông tin SK Group (tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc) muốn thoái vốn khỏi thị trường mới nổi, trong đó có khoản đầu tư ở Tập đoàn Masan.

Năm năm trước, SK đã góp khoảng 11.000 tỉ đồng để mua cổ phiếu và trở thành nhà đầu tư ngoại lớn nhất của "ông trùm" hàng tiêu dùng Việt. Số vốn trên giúp Masan đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng, cơ cấu tài chính, giảm tỉ lệ nợ/EBITDA (đo lường khả năng thanh toán nợ phát sinh)...

Theo thỏa thuận, nhà đầu tư Hàn Quốc được quyền bán cổ phiếu sau ba năm nắm giữ, bằng giá mua ban đầu, tức khoảng 80.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần trên Masan có thể thỏa thuận thu lại, hoặc dàn xếp cho một bên khác nhảy vào. Thời gian thực hiện thương vụ từ tháng 10-2023 đến tháng 10-2024.

Trước tin đồn trên, tại buổi gặp gỡ chiều 30-10, phía Tập đoàn Masan khẳng định SK là đối tác dài hạn. Đối với phần vốn sở hữu của SK tại Masan, "đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp".

Ngoài ra, Masan cũng vừa thu hút thành công vốn đầu tư từ quỹ Bain Capital (Mỹ), có thể lên tới 12.250 tỉ đồng (tiền mặt và tương đương tiền).

"Thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của tập đoàn", ông Michael H. Nguyen - phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan - giải thích thêm về khoản vốn từ quỹ Bain Capital.

Nỗ lực tăng tiền mặt, giảm đòn bẩy tài chính, tính đến bán bớt tài sản

Theo kết quả kinh doanh vừa hé lộ, ba quý đầu năm 2023 Tập đoàn Masan gặt hái 57.470 tỉ đồng doanh thu thuần (+3,5%). Tuy nhiên, sau khi trừ giá vốn và các chi phí, doanh nghiệp chỉ còn lại lãi sau thuế hơn 1.350 tỉ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình về kết quả kinh doanh, ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp này cũng đang bị ảnh hưởng từ chi phí tài chính, bao gồm việc đánh giá lại tỉ giá cho các khoản vay ngoại tệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Ông Danny Le - tổng giám đốc Tập đoàn Masan - cho biết doanh nghiệp đang nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính, bằng cách thương lượng với các đối tác. 

Bên cạnh đó cũng tính toán các "quyết định phù hợp" liên quan đến một số tài sản ngắn hạn chưa hoặc không phải cốt lõi. Từ đó tăng lượng tiền mặt, đưa hệ số nợ/EBITDA về mức bình thường, giúp bảng cân đối kế toán khỏe mạnh hơn.

Theo ông Danny Le, việc có lượng tiền mặt tốt cũng giúp doanh nghiệp tăng độ tin cậy với nhà đầu tư lớn, trong đó có nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, cũng như các đối tác khác. "Đối tác SK Group đồng quan điểm tiền mặt là trên hết", lãnh đạo Masan nhấn mạnh.

Về nợ, tập đoàn đã thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn vào năm 2023. Trong năm tới, tổng mức trái phiếu đáo hạn rơi vào 6.000 tỉ đồng, thấp hơn so với lượng tiền mặt và tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp là 14.000 tỉ đồng.

Về mảng kinh doanh hàng tiêu dùng, doanh nghiệp gặt hái kết quả khá tốt từ ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình. Tuy nhiên, riêng mảng bia "chưa biết cách thắng", trong hai năm tới chưa tìm được câu trả lời thì sẽ ngừng "đốt tiền".

Để có kết quả kinh doanh khả quan hơn, tập đoàn của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang thực hiện nhiều chiến lược như: cải tiến siêu thị WinMart+ và Winmart ở thành thị lẫn nông thôn, đẩy mạnh kinh doanh thịt chế biến vì lời hơn thịt mát, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tiết kiệm chi phí vận chuyển, tinh gọn danh mục sản phẩm, đẩy mạnh chuỗi Phúc Long, tái cấu trúc và gọi thêm vốn góp cho mảng vật liệu công nghệ cao (Vonfram)...

Kích cầu tiêu dùng từ mỗi người dânKích cầu tiêu dùng từ mỗi người dân

Việt Nam kỳ vọng GDP năm 2023 sẽ đạt 6%, và để đạt được mức tăng trưởng này, Chính phủ đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực là xuất khẩu, dịch vụ và tiêu dùng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên