Chật kín người về sân đình Vân Cù dự “Tour về làng phở” trong sự kiện Ngày của phở lần đầu tổ chức tại Nam Định - Ảnh: N.TRẦN
Những người con phương xa trở về, từ các cụ già đã bao năm thành danh chủ phở đất thủ đô đến thanh niên vừa mở quán ở tận miền cao Lạng Sơn, từ những cô quanh năm trong làng đến các em bé vừa chập chững cũng đến thưởng thức hơn 1.000 bát phở chiêu đãi ngay sân đình, bên trong công trình cổng tam quan sắp hoàn thành.
Như chưa bao giờ xa quê
"Toàn tiền đóng góp, có đến đâu xây đến đấy nên mới lâu vậy" - ông Cồ Hữu Nghi, trưởng ban khấn tiết đình Vân Cù, cười cho hay.
Từ ngày có đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, chỉ chưa đầy hai giờ đồng hồ, anh Vũ Ngọc Vượng đã có thể đi ô tô từ Hà Nội về tận nhà cuối thôn Vân Cù. Từ sáng sớm, anh đã chở bố ruột là ông Vũ Văn Đê cùng ông Nghi trưởng ban khấn tiết sang huyện Hải Hậu xem chiếc cửa cổng đúc bằng nhôm mà gia đình họ Vũ đóng góp cho đình.
Sau gần 40 năm làm bánh phở tại Hà Nội, ông Đê cùng vợ đã về ở hẳn lại quê. "Có ba đứa con, Vượng con trai đầu đã là chủ cửa hàng phở, con gái thứ hai cũng mở một quán phở làm ăn được. Vợ chồng tôi về hưu bàn nhau ở hẳn quê cho yên tĩnh. Thực ra trong gần 40 năm làm ăn tại Hà Nội, nhà ở quê cũng cứ đóng cửa để thi thoảng về. Nói xa quê mà cũng như chưa bao giờ xa quê", ông Đê bộc bạch.
Bố mẹ về quê, anh Vượng cũng đã gom góp tiền xây lại căn nhà lầu khang trang. Dẫn chúng tôi đi trong thôn, chỉ những căn nhà lầu hai ba tầng hoành tráng và những công trình nhà cửa đang được xây dựng, anh Vượng tự hào: "Nhà này bán phở ở Hà Nội, căn nhà này bán phở ở Hà Đông, nhà này có tiệm bánh phở tận Lạng Sơn...". Cả làng quê thay đổi sắc từ người kinh doanh phở khắp nơi.
"Đến tuổi nghỉ hưu rồi lại về, để quán cho con cái tiếp tục bán" - ông Cồ Năng Vân, chủ tế đình Vân Cù, nói thêm. Sau nhiều năm bôn ba bán phở ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), rồi con cái cũng có quán phở riêng làm ăn ổn định, ông Vân về quê xây lại nhà để "nghỉ hưu", sáng sáng lại qua nhà ông Đê uống trà bàn chuyện xây đình và kiến thiết lại thôn.
Năm 2015, đình Vân Cù được trùng tu lại toàn bộ. Danh sách tiến cúng sửa chữa năm gian tiền đường dài những tên họ Cồ, họ Vũ, họ Phan...
Ngoài những người đứng tên là người già thôn Vân Cù, còn có đề mục dài những người con đang làm ăn xa ở Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, TP.HCM... và danh sách những "Con gái lấy chồng ở quê xa". Phần lớn trong danh sách này là chủ quán phở ở những nơi họ lập nghiệp.
Lần này xây dựng cổng tam quan cho đình, những người con ở xa lại tiếp tục gom góp hướng về quê hương. Lập nghiệp ở xa nhưng những người con Vân Cù chưa bao giờ quên nơi quê cha đất tổ đã cho họ cái nghề ăn nên làm ra, nơi họ vẫn tranh thủ trở về những dịp lễ, Tết.
Cụ Cồ Việt Hùng nay 90 tuổi, mỗi tháng được hưởng lương hơn 3 triệu đồng theo mức bậc kỹ thuật nấu ăn 7/7, khi nghe đình trùng tu đã sẵn sàng bỏ ra 3 triệu đồng đóng góp. Khi xây cổng tam quan, cụ lại góp thêm 3 triệu đồng nữa.
"Cụ Hùng là gương cho con cháu noi theo. Anh em hội đồng hương Vân Cù tại Hà Nội lập ra là cũng để đóng góp việc làng là chính. Cổng đình đang hoàn thiện cũng chứa trong mình một vạn gạch do anh em từ hội gửi về đóng góp" - anh Cồ Khắc Hà, chủ tịch Hội đồng hương Vân Cù tại Hà Nội, chia sẻ.
Bản thân anh Hà hiện không theo nghề phở, nhưng những ngày đầu lên Hà Nội cũng được những người Vân Cù đi trước cưu mang, giúp đỡ với nghề tráng bánh phở để rồi từ đó tích lũy, dành dụm được để có nhà và gian hàng hoa quả sinh sống ổn định.
Hiện hội có 75 thành viên đại diện cho năm xóm Thịnh Hưng, Thịnh Đông, Thịnh Nguyên, Xóm Chùa và Xóm Chợ theo cách phân chia cũ ở thôn Vân Cù. 65% người theo nghề phở, 5% là công nhân viên chức và còn lại là theo các nghề khác.
"Hướng phấn đấu chung của những người con Vân Cù chủ yếu vẫn là đầu tư phát triển được ở thành phố để về xây quê hương. Vì đa số vẫn còn nhà cửa, ông bà, anh em, từ đường ở quê", anh Hà nói thêm.
Cụ Cồ Hữu Nghi giới thiệu bản Ngọc phả Hùng Vương quý hiếm vẫn được giữ cẩn thận tại đình Vân Cù - Ảnh: SƠN LÂM
Ngôi đình chứa Ngọc phả vua Hùng
Đình Vân Cù chính xác được xây dựng từ khi nào, đến nay cả những người già trong làng và ban khấn tiết đình cũng không rõ. Bản chánh sắc phong cho đình gần nhất cũng đã mất cách đây 4 năm.
Đó là bản sắc phong năm Tự Đức thứ sáu (1852) với nội dung "sắc phong cho thần là Minh Bảo Lang thần" thêm mỹ tự "Tuấn Lương chi thần" vì đã có công phù giúp đất nước, che chở cho dân, nhiều lần hiển linh ứng nghiệm. Hiện sắc phong này chỉ còn bản phục dựng được trưng bày trong đình.
"Nhưng đình còn nhiều thứ đặc biệt hơn", ông Nghi nói rồi từ từ dẫn chúng tôi đi vào sau bàn thờ đình.
Phải qua hai lớp cửa gỗ được khóa cẩn thận nữa mới vào được bàn thờ chính của đền Vân Cù. "Đây là nơi linh thiêng được canh giữ cẩn mật, nhất là những bài vị, ngai thờ, lư đồng... chạm trổ tinh xảo này đều đã được nhiều thế hệ giữ gìn qua những cuộc chiến tranh" - ông Nghi nói khi chỉ thêm những vết nứt trên cột đình do năm xưa bị trúng phải mảnh bom, rồi khệ nệ bưng ra các hòm rương được khóa cẩn thận.
Bên trong là bản Ngọc phả Hùng Vương nổi tiếng, mà giới nghiên cứu thường gọi là Ngọc phả Hùng Vương bản Nam Định, được viết từ năm vua Gia Long lên ngôi 1802. Nâng niu tập sách cổ bìa màu son, giấy bên trong đã ngả vàng nhưng vẫn còn nguyên vẹn và rõ chữ người xưa, ông Nghi nói thêm: "Hằng năm, ngày hội lớn nhất của làng, ngày cúng đình cũng là ngày giỗ tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 âm lịch. Đến ngày đó, con cháu các nơi vẫn tranh thủ tụ tập về để lễ đình, hội làng".
Ngoài thần tích Ngọc phả Hùng Vương kể trên, trong lần kiểm kê đình Vân Cù theo quyết định của UBND tỉnh Nam Định vào năm 2017, ngành văn hóa tỉnh đã xác định đây là đền thờ Thành hoàng Minh Bảo Lang đại vương Lôi Công và Thiên Quan tôn thần, kèm bảy đạo sắc phong từ các đời vua Nguyễn.
Không chỉ mang bản sắc về một đình làng truyền thống thờ vua Hùng, những người lớn tuổi ở Vân Cù cũng tự hào kể lại câu chuyện được nghe từ ông bà, cha mẹ về việc sân đình từng là nơi tổ chức những cuộc "hội phở" đầu tiên.
Đó là khi những nhà cầm quyền người Pháp vì trót "nghiện" món phở bò đã đến đền Vân Cù gọi những quang gánh bán phở tụ tập lại nấu để họ thưởng thức, góp phần lan truyền tiếng vang cho làng phở Vân Cù trở thành một trong những làng nôi phở danh tiếng ngày nay...
Song song phát triển nghề phở tại Hà Nội, nhiều quang gánh bán phở từ Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc đã chọn Thành Nam (tức TP Nam Định ngày nay) để buôn bán từ rất sớm. Trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh tao loạn, sơ tán, ngày nay TP Nam Định vẫn là nơi tập trung nhiều quán phở ngon đã truyền qua nhiều thế hệ.
Như Phở Cụ Tặng (phố Hàng Tiện) nức tiếng với món phở bò áp chảo và bò xốt vang, Phở Đán (phố Bắc Ninh) nổi tiếng cả phở bò lẫn phở gà...
Đặc biệt, ở Thành Nam nay cũng còn rất nhiều quán bán "phở xíu", tức là phở lợn với cách nấu nước lèo từ xương, thịt lợn và gà, bát phở cho vào các miếng xíu lợn cháy cạnh được xắt mỏng. Món phở xíu này cũng là thứ quà quen thuộc của người dân Thành Nam từ lâu đời.
Mấy năm gần đây, bà Lê Thị Thiết - chủ tịch Hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Nam Định - cũng đã mở một quán Phở Xưa Nam Định (phố Cột Cờ) và đang dự định kết hợp với nhiều tuyến du lịch về Nam Định để thưởng thức phở.
Khách sạn Nam Cường Nam Định, một trong những khách sạn lớn nhất tại địa phương, đã trưng bày hẳn một không gian "phở xưa" trong nhà hàng nhằm giới thiệu phở với du khách trong và ngoài nước.
Đầu bếp chính của gian phở xưa này là đầu bếp Đồng Văn Quang - thí sinh vào vòng chung kết cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận