29/12/2019 20:56 GMT+7

Làng nhái tranh số 1 Trung Quốc sắp chết

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Thời hoàng kim, Dafen có hơn 1.200 phòng tranh với lực lượng hùng hậu 20.000 họa sĩ và chiếm hơn 60% lượng tranh sơn dầu nhái trên toàn thế giới. Nhưng dù trong thời nào, bản quyền chưa bao giờ là vấn đề lớn với người Dafen.

Làng nhái tranh số 1 Trung Quốc sắp chết - Ảnh 1.

Một họa sĩ ở Dafen phơi bức "Chân dung tự họa" nổi tiếng của van Gogh - Ảnh chụp màn hình

Nằm tại Thâm Quyến, Dafen đã có hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển. Du khách có thể tìm thấy bất cứ tác phẩm nổi tiếng nào tại Dafen trong vòng 3 nốt nhạc. Mọi thứ đều có thể sao chép, chẳng hạn như bức "Hoa hướng dương" của Vincent van Gogh có thể hoàn tất và giao sau 4 tiếng.

Các bức tranh của Dafen được bán ra khắp nơi, treo từ các khách sạn đến phòng khách, phòng ngủ và ra cả nước ngoài, đến tận châu Âu hay Mỹ. Hong Kong được xem là cửa ngõ cho việc xuất khẩu, góp phần không nhỏ vào việc đem tranh Dafen ra thế giới.

Tuy nhiên, tình hình bất ổn tại Hong Kong cộng với việc nền kinh tế Trung Quốc chậm lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của Dafen trong năm nay.

"Doanh thu sụt giảm từ 20 đến 50% là chuyện bình thường trong năm 2019. Nhiều họa sĩ kỳ cựu đã bỏ làng đi chỗ khác rồi. Số còn lại cũng cố gắng bám trụ nhưng cứ vật vờ ngày qua tháng lại", nữ họa sĩ Lisa Zhou tỏ ra chán nản.

"Tôi chưa bao giờ thấy làng tranh lại tiêu điều như bây giờ", chị Zhou thở dài ngao ngán.

Làng nhái tranh số 1 Trung Quốc sắp chết - Ảnh 2.

Cảnh hoang vắng ở làng tranh nhái số 1 Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình

Mầm mống mạt vận của làng nhái tranh số 1 Trung Quốc bắt đầu từ năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

"Trước năm đó, hơn 90% tranh chép chất lượng xấu của Dafen là xuất khẩu, đến tận châu Âu và Bắc Mỹ. Giờ thì mọi thứ ngày càng tệ", ông Huang Tong - chủ chuỗi 12 phòng tranh ở Dafen thừa nhận với tờ South China Morning Post (SCMP).

Số đơn hàng trong thị trường nội địa giảm hơn một nửa trong năm nay, các đơn hàng nước ngoài cũng vơi dần trong lúc tiền công ngày càng tăng đã đẩy nhiều khách hàng sang một số nước Đông Nam Á.

"Cùng là một bức tranh phong cảnh đơn giản nhưng năm 2007 tôi chỉ phải trả cho họa sĩ 20 nhân dân tệ (khoảng 66 ngàn đồng), còn bây giờ là gấp 10 số đó", ông Huang cho biết. "Nhiều phòng tranh không nhận được đơn hàng nào trong tháng 9 và tháng 10 năm nay".

Thời làm ăn phát đạt của Dafen trùng với thời kỳ bùng nổ bất động sản ở Trung Quốc, theo báo SCMP. Để các vách tường bị trống dường như là điều gây khó chịu cho chủ nhân các ngôi nhà hay căn hộ mới. Vậy là nhu cầu tranh vẽ cỡ lớn xuất hiện và khi ngày càng nhiều nhà mới mọc lên, nó lại càng có chỗ đứng.

Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế trở nên khó khăn như hiện nay, nhiều người giàu có và trung lưu bắt đầu cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Để các vách tường trống có lẽ không còn là điều gì đó khiến họ khó chịu nữa.

Theo ông Huang, trước đây có khá nhiều người Hong Kong và ngoại quốc đến Dafen mua tranh và đặt vấn đề hợp tác. "Rất nhiều người tới đây vào cuối tuần nhưng giờ chẳng còn ai nữa. Cứ nhìn sang Hong Kong thì sẽ hiểu, tình cảnh như thế thì còn được bao nhiêu người tha thiết mua tranh?", ông Huang trải lòng.

Làng nhái tranh số 1 Trung Quốc sắp chết - Ảnh 3.

Phần lớn các họa sĩ ở Dafen đã đi nơi khác, chỉ còn số ít bám trụ - Ảnh chụp màn hình

Làng nhái tranh số 1 Trung Quốc sắp chết - Ảnh 4.

Bên trong một xưởng tranh chuyên nhái các tác phẩm của van Gogh - Ảnh chụp màn hình

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên