Tranh chép tác phẩm của họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương bày bán tại phòng tranh tại TP.HCM |
Xuất phát từ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật với giá rẻ của đông đảo dân chúng, nhu cầu tranh chép đã phát triển rất mạnh tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội suốt hàng chục năm qua.
Thoạt đầu các gallery thường chỉ chép các tranh cổ điển với thể loại phong cảnh, tĩnh vật… của các danh họa thế giới.
Dần dà, các phòng tranh nhận cả đơn đặt hàng của khách với bất cứ tranh nào, bất kể thể loại, đề tài nào, từ cổ điển cho đến đương đại; chép cả ảnh chân dung gia đình, bè bạn, nghệ sĩ yêu thích...hoặc sẵn sàng vẽ lại những bức tranh của các họa sĩ đương thời và không quan tâm đến việc có vi phạm bản quyền hay không…
Chỉ với 2 triệu đồng và một tấm ảnh chụp, bạn có thể sở hữu ngay một bức tranh lộng lẫy khổ lớn được chép lại từ ảnh.
Vì vậy tại các khu vực này, bạn có thể họa sĩ tên tuổi Việt Nam cả đã mất và đang còn sống như Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... với giá rất rẻ.
Trái với nhiều thợ “chép tranh” cho rằng công việc của họ là truyền bá cái đẹp cho công chúng, không ít họa sĩ chân chính đã rất phẫn nộ về điều này, và nhận định những gallery bán tranh chép là làm hàng chợ, không phải là gallery nghệ thuật.
Một tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương |
Kêu trời khi trở thành “nạn nhân”
Nhiều họa sĩ cho biết, họ bất đắc dĩ đã từng trở thành nạn nhân của các vụ chép tranh, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và uy tín.
Từng được Apple vinh danh là một trong 10 nghệ sĩ đương đại nổi bật nhất thế giới năm 2016, các tác phẩm của họa sĩ gốc Trà Vinh Liêu Nguyễn Hướng Dương luôn lọt vào mắt của giới tranh chép.
Phần lớn các gallery đều bày bán tranh chép nhái bức Hoa anh đào nổi tiếng của anh.
Thậm chí có phòng tranh tại Q.1, TP.CM khi bị khách căn vặn hỏi tại sao bức tranh Hoa anh đào đang bày bán không có chữ ký của họa sĩ thì chủ gallery cho biết rằng họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương vẽ xong gửi bán tại đây nhưng quên ký, và cho biết sẽ nhắc họa sĩ ký bổ sung và đề nghị khách cứ yên tâm mua.
Họa sĩ Lê Thế Anh tại Hà Nội hồi tháng 5 qua cũng từng bất bình lên mạng xã hội phản ánh về việc bức tranh sơn dầu Hồng môi (khổ 80x 80cm, vẽ năm 2014) đã bị làm nhái và bày bán trắng trợn.
Họa sĩ cho biết, bức tranh vẽ chân dung cô bé dân tộc này vốn đã được bán cho một nhà sưu tập, nên dĩ nhiên không thể có trường hợp được bày bán tại một cửa hàng tranh ở đường Trần Phú (Q.5), TP.HCM với một phiên bản mờ nhạt như vậy.
Lê Thế Anh phân tích tranh chép sở dĩ có màu nhạt hơn tranh gốc bởi có khả năng là người sao chép đã load hình tranh thật từ trên mạng xuống và vẽ lại. Một người bạn của họa sĩ tình cờ khi đi qua phòng tranh này, đã nhận ra bức tranh của bạn mình nên chụp hình lại, báo cho họa sĩ.
Nữ họa sĩ Trần Thùy Linh tại TP.HCM hồi tháng 6 qua đã lên mạng xã hội tố cáo nhiều tác phẩm của chị đã bị từ nhái nhiều kiểu như: nhái phong cách, chép y chang bố cục.
Thậm chí người yêu thích tranh của chị từng bị chào mời mua tranh nhái của họa sĩ Trần Thùy Linh trên các trang mạng nghệ thuật.
Sau khi phát hiện thấy chữ ký rởm trên tranh nhái, người mua đã lập tức báo lại cho họa sĩ.
Tuy nhiên với trường hợp người yêu nghệ thuật từng mua tranh của họa sĩ, họ có thể phát hiện ra tranh nhái, tranh giả.
Còn những người mới chơi tranh, kinh nghiệm còn thiếu hụt, thường không tránh khỏi việc mua lầm.
Giật mình trước nạn tranh chép nhức nhối này, họa sĩ chỉ biết viết trên mạng xã hội để cảnh báo cho những người yêu thích tranh của mình.
“Luật VN chưa chặt chẽ. Bao nhiêu vụ rồi, từ tranh của các tiền bối tới các họa sĩ nổi tiếng đương thời, báo chí um xùm, kiện cáo... rồi tất cả như đá ném ao bèo, chìm xuồng hết.
Và vấn nạn này cũng làm tranh Việt càng ngày càng mất giá và mất uy tín,” họa sĩ Trần Thùy Linh than phiền.
Nhiều họa sĩ có tranh bán chạy trên thị trường như Nguyễn Thanh Bình, Đặng Phương Việt (Việt Sen)… đều cho biết họ vẫn thường được nghe bạn bè, người sưu tập phản ảnh rằng đã nhìn thấy tranh chép tác phẩm của họ trong các gallery trong nước.
Phần lớn các họa sĩ khi gặp phải tình huống tranh bị nhái, bị chép chỉ biết kêu than, bất bình và tự an ủi nhau là vì “mình vẽ đẹp nên mới có người sao chép”.
Một số họa sĩ khác tiết lộ họ hiếm khi đăng tải hình ảnh tranh gốc lên mạng xã hội để tránh kẻ gian lấy xuống, chép lại.
Ngoài ra, một số phòng tranh cũng lợi dụng sự tín nhiệm của khách khi mang tranh tới đặt khung tranh, đã chụp lại hình để sao chép một phần hoặc toàn bộ bức tranh mà khách không hề hay biết.
Người viết bài này từng lâm vào trường hợp tương tự.
Trong một lần đi đặt khung tranh tại một gallery tại đường Trần Phú (Q.5, TP.HCM), sau khi đo đạc xong bức tranh và từ chối để tranh lại tiệm, chủ gallery đã nhanh tay rút điện thoại định chụp lại bức tranh khi chưa hề xin phép.
Khi bị từ chối cho chụp lại tranh vì sợ bị chép, chủ gallery này đã không ngại ngần hỏi giá mua bức tranh. Tuy nhiên không phải khách nào đem tranh đến làm khung cũng biết mà đề phòng.
“Tranh chép dù cố gắng bằng cách mấy cũng không thể bằng tranh thật, vì thợ chép không thể có kỹ thuật cao như các họa sĩ, đồng thời độ cảm nghệ thuật cũng không tinh tế. Tinh thần của một bức tranh chép khác hẳn một bức tranh thật.” họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương. “Thú thật tôi cũng không biết phải xử lý tranh chép, tranh nhái thế nào. Người họa sĩ luôn muốn tâm thư thái, nhẹ nhàng, chuyên tâm vào sáng tác, tránh thị phi. Vì vậy tôi luôn nghĩ rằng nếu thợ chép nhờ được tác phẩm của mình mà thêm chút thu nhập nuôi gia đình thì coi như mình làm phước cho họ,” họa sĩ Đặng Phương Việt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận