31/07/2017 11:52 GMT+7

Tràn lan tranh chép: chưa đến 1 triệu đồng để mua nàng Mona Lisa

ĐẠI VIỆT
ĐẠI VIỆT

TTO - Chỉ với 500 ngàn đồng, bạn đã sở hữu ngay một bức tranh chép về chợ Bến Thành ồn ã. Dấn thêm vài trăm ngàn, bạn sẽ sở hữu ngay bức nàng Mona Lisa bí ẩn đầy quyến rũ.

Có thể dễ dàng tìm thấy tranh chép tại các cửa hàng tranh ở TP.HCM - Ảnh: ĐẠI VIỆT
Có thể dễ dàng tìm thấy tranh chép tại các cửa hàng tranh ở TP.HCM - Ảnh: ĐẠI VIỆT

Đang ngần ngừ chưa biết décor lại căn phòng khách ra sao cho đẹp, tôi được bạn rủ đi mua tranh chép để tặng cho khách nước ngoài là đối tác cơ quan vừa sang thăm.

Rong ruổi hết khu Tây ba lô Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Mạc Đĩnh Chi... để lựa tranh, tôi không khỏi giật mình vì giá tranh quá rẻ và cũng hoa hết cả mắt vì đủ các thể loại tranh, từ cổ điển của các danh họa quốc tế như Picasso, Gauguin, Van Gogh, Klimt, Manet, Monet… lẫn cả các họa sĩ đương đại tên tuổi của VN với nhiều kích cỡ.

Khách Tây chơi tranh Việt - khách Việt chơi tranh Tây!

Anh bán hàng mau mắn ra chào mời và cho biết, nếu muốn tặng cho khách Tây thì nên lựa các tranh mang đặc trưng thật VN như cô gái mặc áo dài, chợ Bến Thành, em bé dân tộc, phố cổ Hội An… với giá chỉ từ 500 ngàn đến khoảng một triệu đồng/bức.

“Loại tranh này khách Tây thích lắm, cửa hàng chúng tôi bán rất đắt hàng. Khách Tây mua rất nhiều để treo làm kỷ niệm về VN hoặc tặng cho bạn bè, người thân làm quà lưu niệm sau một chuyến đi xa. Các cô cứ lựa loại tranh này là đúng gu Tây ngay,” anh nói.

Theo anh bán hàng, tranh chép sau khi mua được cuộn cho vào ống nhựa cho khách mang đi đường xa, vừa tiện di chuyển, vừa không bị hỏng tranh nên khách Tây càng thích.

Tại gallery nào cũng có ít nhất dăm thợ chép mặt mũi trẻ măng, cần mẫn ngồi tút tát lại tranh. Thấy tôi đứng ngắm nghía hồi lâu với vẻ mặt rất băn khoăn, một thợ chép bắt chuyện và tư vấn, khách Việt mua tranh chép để trang trí nhà cửa thường chọn tranh cổ điển cho sang.

“Chị đừng ngại tranh cổ điển là đắt đâu. Giá chả khác gì như mua tranh Việt cả. Bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci chỉ có từ 1 đến 2 triệu đồng tùy khổ... Ngoài ra, còn nhiều tranh phong cảnh, tĩnh vật của các danh họa quốc tế nữa giá cũng rất mềm, chỉ từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng tùy khổ tranh".

"Tranh đắt quá làm sao bán đại trà được. Chị cứ mua mấy bức cổ điển này về đi, treo trong nhà sang lắm, lại chả tốn mất tiền. Khách Tây thường chơi tranh Việt, còn khách Việt lại chơi tranh Tây mới đúng kiểu nha chị,” cậu thợ nói.

Sáng tác hay chép tranh cũng là lựa chọn của các họa sĩ tương lai 

Tranh chép chịu ảnh hưởng... 'tả pí lù'

Hỏi chuyện một thợ chép tranh, được biết, nhờ các kỹ thuật tiên tiến thời nay, nên chỉ cần load hình cần vẽ trên mạng, chỉnh sửa kích cỡ cần vẽ, in ra và lựa màu tô lên cho phù hợp là sẽ có ngay một bức tranh chép hoàn chỉnh, nhanh và không quá mất sức.

Giá tranh chép được tính theo m2, thường được bán theo mức khoảng một đến hai trăm ngàn đồng/m2.

Tuy nhiên các họa sĩ Hà Nội nhận định giá tranh chép tại Hà Nội đắt đỏ hơn, thậm chí có bức được bán với giá từ 3 đến 7 triệu đồng/bức.

Một thợ chép tranh cho biết mình vốn là sinh viên mỹ thuật đi làm thêm lấy tiền trang trải sinh hoạt.

“Bọn em cũng bận lắm, thu nhập mỗi tháng trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng, tùy vào số lượng tranh chép được nhiều hay ít.

Cuối năm thì thu nhập cao hơn, có lúc lên đến 15 đến 20 triệu đồng do nhu cầu khách cần mua tranh để trang trí nhà cửa, hoặc khách Tây sang du lịch đông hơn, mua mang về.

Nhiều khách Tây đã nhận xét tranh chép ở nước mình chất lượng không thua kém gì ở nước ngoài, mà giá thành lại siêu rẻ. Nên khách du lịch nào qua đây cũng tranh thủ mua.”

Tuy nhiên cậu thợ này tiết lộ nếu ai chăm chỉ, chép được nhiều tranh thì thu nhập rất ổn, thậm chí còn sống rất sung túc và môi trường làm việc không vất vả.

Vì vậy nhiều sinh viên mỹ thuật sau khi tốt nghiệp đã lười sáng tác và tiếp tục ở lại phòng tranh để theo nghề… chép tranh.

Ngần ngừ trước một bức tranh phong cảnh nhìn rất quen, tôi không khỏi buông lời thắc mắc xem đây có phải là tranh của họa sĩ A, họa sĩ B hay không, chủ phòng tranh khẳng định không phải và cho biết đây là tranh mà họa sĩ của phòng tranh tự sáng tác.

Tuy nhiên sau khi đưa ra những nhận xét khá kĩ về phong cách trong tranh, cuối cùng chủ phòng tranh cũng thừa nhận rằng, tranh này được sáng tác theo sự ảnh hưởng của một số họa sĩ VN đương đại.

Nói một cách khác là tranh chép pha trộn nhiều phong cách “tả pí lù”. Theo bật mí của một thợ chép thì đây là một cách “né” bản quyền hữu hiệu vì không sao chép y nguyên.

Có thể dễ dàng tìm thấy tranh chép tại các cửa hàng tranh ở TP.HCM - Ảnh: ĐẠI VIỆT
Có thể dễ dàng tìm thấy tranh chép tại các cửa hàng tranh ở TP.HCM - Ảnh: ĐẠI VIỆT

“Tôi cũng không nghĩ sẽ làm gì người chép tranh mình vì việc can thiệp là điều không tưởng khi cửa hàng chép tranh nhan nhản cả nước, khi mà người chép coi đó là việc kiếm ăn bình thường, khi mà người mua tranh vẫn còn nhiều người thích mua tranh chép.

Tôi chỉ tự nhủ, mỗi khi giao dịch tranh, cần cẩn thận hơn trong phần hồ sơ, lý lịch tác phẩm, đó là cách tự bảo vệ mình, bảo vệ nhà sưu tập, đó cũng là cách tôn vinh giá trị của bức tranh.” họa sĩ Lê Thế Anh (Hà Nội).

“Các chi tiết đặc biệt trên tranh (đặc biệt là chữ ký) được họa sĩ cố tình cài cắm, ẩn dưới các lớp màu mà chỉ người vẽ mới biết. Và họa sĩ luôn cung cấp chứng nhận tranh cho người mua.” họa sĩ Trần Thùy Linh (TP.HCM).

 “Thực ra vấn đề này thế giới cũng rất nhiều, nếu có một hành lang pháp lý chặt chẽ mà không ảnh hưởng đến tranh sáng tác thì cũng tốt, vì không phải ai cũng đủ tiền mua tranh gốc.

Việc chơi tranh phiên bản đúng nghĩa cũng là điều đáng quý.

Tranh phiên bản ở đây có thể là tranh in chất lượng cao, hoặc là tranh chép có sự đồng ý của tác giả và phải ghi rõ là chép tranh của ai và ai chép.” họa sĩ Bùi Trọng Dư (Hà Nội).

ĐẠI VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên