18/06/2024 10:31 GMT+7

Làng chài Phú Quốc cứu vích biển

'Có vích biển hả? Nói các anh để lại cô nghen. Bao nhiêu tiền cô cũng mua để thả lại biển'. Bà Hồ Bạch Điệp nói nhanh khi nghe tin có ngư dân bắt được vích nặng khoảng 15kg.

Bà Hồ Bạch Điệp vui vẻ thả vích an toàn trở lại biển Phú Quốc

Bà Hồ Bạch Điệp vui vẻ thả vích an toàn trở lại biển Phú Quốc

Bà Hồ Bạch Điệp (xã Gành Dầu, TP Phú Quốc) còn có tên dễ thương Tám Vích do người dân ấp Chuồng Vích đặt cho. Cái tên cũng xuất phát từ việc bà từng cảm thương, giải cứu nhiều chú vích biển, trong đó có chú nặng gần 100kg.

Bỏ tiền cứu mạng vích biển

Kể chuyện lần cứu chú vích khổng lồ năng cả trăm ký này, bà chỉ nhẹ nhàng nói: "Đó cũng là cái duyên với tui". Mở quán bán cơm, hầu như bà quen hết cánh ngư dân ở ấp Chuồng Vích. Sau những chuyến dong tàu ra khơi về, có cá ngon hay vật gì quý hiếm họ đều kêu bà Tám Vích đến mua.

"Hồi xưa khi bắt được vích thì họ đem bán hoặc mần thịt. Sau này tui biết rồi mua thả thì họ cứ kêu tui. Bà con ở đây quen rồi. Đợt đó, cách đây khoảng 10 năm, cháu kế bên xóm bắt được chú vích to bự chảng. Nó bảo bà Tám ơi mua vích không? Tui chạy tới xem thì con đó bự lắm, gần trăm ký lận", bà Tám Vích nhớ như in khoảnh khắc đó.

Con vích thật bự, người bán đòi 10 triệu đồng. Bà cũng chịu mua. "Tui mới nói thôi đừng có mần thịt, để tui mua. Nó đòi tui tới 10 triệu đồng. Tui thả con vích đó xuống biển mà như nước mắt nó rơi rơi vậy nè. Tui thả được nó sống, tui cũng vui lắm", bà kể thêm.

Sau đó, bà còn cứu nhiều con vích nữa và mỗi khi thả về biển, bà đều khắc một chữ thập trên lưng chúng - đó là ký hiệu bà muốn ngư dân thấy được khi lỡ có dính lưới thì cũng thả chúng về biển lại.

Tự tay thả vích về lại biển xanh, bà hy vọng chúng sẽ sinh sôi nảy nở cho nhiều và bơi đi thật xa, đừng để ngư dân giăng lưới ngoài khơi bắt được nữa. Câu chuyện cứu mạng vích biển của bà dần dần được lan tỏa. 

Đến nay bà cũng chẳng nhớ đã thả bao nhiêu con về lại biển Phú Quốc, mà chỉ biết hễ bắt được chúng là ngư dân lại gọi "Cô Tám ơi, mua vích không?".

Một chú vích biển xinh đẹp được cứu sống

Một chú vích biển xinh đẹp được cứu sống

Cả xóm đồng lòng bảo vệ vích biển

Người dân địa phương cho biết hơn 10 năm trước đây, xã Gành Dầu còn là vùng đất ven biển hoang vắng. Cây xoài, cây tràm, cây phong ba và một số loài cây đặc trưng mọc hoang um tùm trên đảo. Dải cát vàng và các ghềnh đá chạy dài ôm trọn mũi Gành Dầu, nơi cách Campuchia khoảng 5km đường biển.

Sự sống ở đây ngoài cảnh ngư dân dong thuyền đi bủa lưới bắt cá thì chẳng có gì nhộn nhịp. Loài vích cứ đến mùa là lên bãi cát vàng ven biển này mà đẻ trứng nhiều không kể xiết.

Tuy nhiên, khoảng từ năm 2018 đến nay, dân cư đến xã Gành Dầu sinh sống ngày một đông đúc. Các dải cát ở Gành Dầu cũng mất dần vẻ hoang sơ. Loài vích có lẽ "hờn giận" mà chẳng buồn đến đây sinh sản nữa (cách lý giải của người dân địa phương).

"Có nhiều nguyên nhân để con vích ít dần đi. Dù nguyên nhân gì đi nữa, tui và bà con ở ấp Chuồng Vích này hễ biết chúng bị dính lưới ngư dân là mắc rẻ gì cũng mua thả về lại biển Phú Quốc. Vích là loài quý hiếm cần được bảo vệ mà. Bà con ở đây đồng lòng cứu chúng để bảo tồn", bà Tám Vích tâm sự.

Còn ông Nguyễn Hoàng Diệu, người dân ở ấp Chuồng Vích, cho rằng Gành Dầu có môi trường nước biển trong, cỏ biển nhiều nên rất phù hợp để vích từng sinh sống. Nhưng giờ chúng không còn nhiều, vích mà cô Tám mua giải cứu là do ngư dân đánh bắt xa bờ.

Ông Diệu chia sẻ suy nghĩ đồng lòng của nhiều người dân trong vùng: "Việc làm của cô Tám rất có ý nghĩa. Cô mong muốn bảo tồn vích biển khi chúng ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng. Việc tốt lan tỏa, nhiều ngư dân tại địa phương giăng lưới mà dính vích là thả lại biển. Và biết ai bắt được con vích cũng đều kêu cô mua hoặc họ mua rồi thả đi chứ không xẻ thịt ăn hay bán như ngày xưa nữa...".

Mới đây khoảng tháng 1-2024, chúng tôi đã tình cờ nhìn thấy sự nhộn nhịp cảnh bà Tám Vích cùng với khoảng chục người địa phương vui mừng vì kịp cứu mạng thành công chú vích nặng khoảng 15kg từ một ngư dân giăng lưới trên biển.

Bà Tám sau đó tự tay nhẹ nhàng rinh con vích đặt lên bệ cỏ xanh. Khách du lịch trong và ngoài nước đứng xung quanh xem rồi chụp hình làm kỷ niệm. Còn các anh thanh niên ở xóm tranh thủ khắc dấu chữ thập lên lưng chúng rồi thả về với môi trường biển Phú Quốc.

Ông Phạm Hữu Kiệt, chủ tịch UBND xã Gành Dầu, xác nhận việc làm của bà Hồ Bạch Điệp là rất ý nghĩa, góp phần bảo tồn loài vích biển đang nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Bà con ở xóm cũng nhiều người đồng lòng ủng hộ việc làm này lắm.

UBND xã Gành Dầu thời gian qua phối hợp với Bộ đội biên phòng địa phương và các đơn vị liên quan tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ loài vích biển này. Địa phương đặc biệt khuyến khích ngư dân khi giăng lưới ở ngoài khơi xa lỡ dính vích cũng nên thả ngay, góp phần bảo vệ đa dạng hệ sinh thái môi trường biển Phú Quốc.

Một con vích chuẩn bị được thả về biển - Ảnh: C.CÔNG

Một con vích chuẩn bị được thả về biển - Ảnh: C.CÔNG

Vì sao có ấp Chuồng Vích?

Ông Nguyễn Văn Bé (85 tuổi), người dân cố cựu ở xã Gành Dầu, kể trước đây ở một số điểm trên đảo Phú Quốc như Rạch Tràm, Vũng Bầu và Bãi Trường, Gành Dầu có vích lên đẻ trứng. Đặc biệt, mũi Gành Dầu được vích chọn làm ổ đẻ nhiều. Do đó, người dân hay gọi bãi vích.

Khoảng năm 1997, xã Gành Dầu được thành lập thì bãi vích được chia tách thành hai ấp gồm ấp Chuồng Vích và ấp cùng tên Gành Dầu đến nay.

"Khoảng tháng 2 đến tháng 3 hằng năm, dọc theo bãi cát ở mũi Gành Dầu, vích về đẻ trứng nhiều lắm. Mỗi ổ trứng lúc đó tôi đếm không dưới trăm trứng. Bà con hồi đó còn xây bệ đá cho vích về ở và nuôi chúng luôn.

Có nhiều nguyên nhân khiến vích khan hiếm. Lâu lâu ngư dân mới bắt được một con ngoài khơi xa thôi. Ai bắt được, bà con cũng mua thả về biển liền", ông Bé nói.

Có thể lập khu bảo tồn tự nhiên để vích biển đẻ trứng?

Anh Nguyễn Văn Khương, người dân TP Phú Quốc, cho biết tất cả rùa biển đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Vích biển là loài vật quý hiếm cần được bảo vệ. Do đó, anh Khương cũng như người dân địa phương mong muốn chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan có thể nghiên cứu lập khu bảo tồn vích biển tự nhiên ở xã Gành Dầu.

"Gành Dầu sát Campuchia nhưng vích biển lại chọn về Phú Quốc sinh sản. Điều đó cho thấy Phú Quốc có lợi thế tự nhiên rất tốt. Tôi nghĩ nếu có khu bảo tồn vích cũng là cách hay. Vích về đẻ nhiều, địa phương vừa chung tay bảo vệ vích vừa phục vụ khách du lịch thân thiện môi trường", anh Khương chia sẻ.

Vích biển gặp nạn được nuôi tăng cân và trả về biểnVích biển gặp nạn được nuôi tăng cân và trả về biển

TTO - Sau hơn 5 tháng tích cực cứu hộ, sáng 14-7, con vích biển gặp nạn ở bãi biển TP Tam Kỳ, Quảng Nam đã được thả về đại dương. So với lúc vớt lên từ biển, con vích này đã tăng 3,5kg.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên