Vích bơi ra biển sáng 14-7 - Ảnh: THÙY HƯƠNG
Thông tin này được Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sa Sa (Đà Nẵng) cung cấp sáng 14-7.
Trước đó, vào giữa tháng 2, con vích này được các ngư dân xã Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) vớt lên và bàn giao cơ quan chức năng trong tình trạng nhiễm trùng nặng, cổ họng bị tắc vì ăn nhầm dầu thải. Lúc này vích cân nặng chỉ 13,5kg.
Trung tâm cứu hộ sinh vật biển Sa Sa đã cứu hộ. Ròng rã suốt 5 tháng, con vích biển này được các kỹ sư, cán bộ dành sự quan tâm đặc biệt. Các cán bộ đã đặt tên cho con vích là "Olive".
Sáng 14-7, con vích biển này đã được kiểm tra sức khỏe lần cuối trước khi thả về tự nhiên. Trọng lượng vích đạt 17kg, tăng 3,5kg so với lúc gặp nạn. Các phản xạ hồi phục hoàn toàn, sức khỏe tốt.
Vệt biển Quảng Nam từ Cù Lao Chàm vào đến huyện Núi Thành từng là bãi sinh sản của các loài rùa biển. Tuy nhiên tình trạng khai thác thủy hải sản, phát triển du lịch đã làm số lượng rùa biến mất dần.
Liên tục trong nhiều năm qua, các ngư dân Quảng Nam đã phát hiện nhiều chú rùa gặp nạn, dính lưới cá, những chú rùa sống sót được đưa về cơ quan chức năng cứu hộ.
Trước nguy cơ biến mất của rùa biển, từ năm 2016 TP Hội An đã quy hoạch lại các phân vùng chức năng biển cho Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Trong đó ưu tiên quy hoạch khu vực bãi biển Bãi Bắc, đảo Hòn Lao và các đảo hòn Dài, hòn Lá...
Một khu ấp nở, làm bãi đẻ cho rùa cũng được thiết lập, ngoài việc theo dõi sinh sản, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng tổ chức cứu hộ rùa biển gặp nạn để trả về tự nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận