08/04/2012 08:00 GMT+7

Lần theo dấu vết "mafia tê giác"

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Nam Phi đã từ chối cấp phép cho người Việt Nam xin săn tê giác ở nước này. Cảnh sát quốc tế xác định hoạt động săn bắn và buôn sừng tê giác đã trở thành loại tội phạm có tổ chức kiểu mafia.

SqplBpxW.jpgPhóng to

Tê giác ở Nam Phi đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị săn trộm lấy sừng - Ảnh: AFP

Hãng tin Bloomberg cho biết theo số liệu của chính quyền Nam Phi, từ đầu năm 2012 đến nay đã có 159 con tê giác bị săn trộm ở Nam Phi. Ước tính từ nay đến cuối năm, con số này có thể tăng vọt lên đến 619 con, vượt qua mức 448 con của năm 2011. Giá 1kg sừng trên thị trường chợ đen hiện lên đến 60.000 USD.

Mới đây, Quỹ đời sống hoang dã châu Phi cảnh báo với tình hình săn lậu hiện nay thì tê giác hoang dã châu Phi sẽ tuyệt chủng trong 13 năm tới (2025). Các tổ chức bảo vệ môi trường chỉ trích việc chính quyền Nam Phi vẫn cho phép mỗi người nước ngoài được đăng ký săn một con tê giác mỗi năm với mức phí lên đến hàng chục nghìn USD.

Hoạt động săn bắt nằm dưới sự giám sát của nhân viên các khu bảo tồn. Người săn chỉ được lấy sừng tê giác với mục đích làm kỷ niệm chứ không được buôn bán. Chính phủ Nam Phi cho rằng chính sách này sẽ giúp hạn chế nạn săn bắt bất hợp pháp. Tuy nhiên hoạt động săn trộm vẫn bùng nổ.

Nói không với thợ săn Việt Nam

Báo chí Nam Phi cho biết các tay săn trộm thường bắn chết tê giác rồi dùng cưa máy để cắt sừng chúng. Để bảo vệ tê giác, nhà chức trách Nam Phi đã dùng biện pháp cưa sừng chúng rồi thả lại môi trường. Song bọn săn trộm vẫn giết cả tê giác đã bị cắt sừng để tận thu phần sừng còn lại.

Theo Bloomberg, từ đầu năm 2012 đến nay Chính phủ Nam Phi đã bác bỏ toàn bộ 23 đơn xin săn tê giác của người Việt Nam. Bộ trưởng nước và môi trường Nam Phi Edna Molewa cho biết nguyên nhân bác đơn là vì Nam Phi nghi ngờ những người xin phép săn tê giác từ Việt Nam sẽ buôn lậu sừng ra nước ngoài.

Bà Molewa nhấn mạnh các thợ săn tê giác từ Việt Nam không thuyết phục được Chính phủ Nam Phi rằng họ sẽ tuân thủ các quy định của nước sở tại. Nam Phi quy định không được mua bán các chiến lợi phẩm trong các chuyến săn tê giác. Theo bà Molewa, từ năm 2010 gần 60% đơn xin săn tê giác là của người Việt Nam.

Theo trang Africahunting.com, khoảng 90% tê giác trên thế giới, tương đương với 20.000 con, đang sống ở Nam Phi. Chính phủ Nam Phi đang siết chặt các quy định về săn bắt loài thú quý hiếm này. Mới đây Nam Phi cũng yêu cầu Trung Quốc và Việt Nam hỗ trợ chống buôn lậu sừng tê giác và lập cơ sở dữ liệu ADN để giám định những chiếc sừng bị tịch thu.

“Mafia tê giác”

Theo AFP, từ đầu năm 2012 đến nay đã có 90 người bị bắt ở Nam Phi do liên quan đến tội săn lậu tê giác. Giới chuyên gia quốc tế cho biết các băng nhóm buôn lậu tê giác xuyên quốc gia đã xuất hiện, hoạt động theo mô hình các băng đảng mafia.

Tạp chí Đức De Spiegel cho biết chính quyền các nước châu Âu cũng đang đau đầu với tình trạng trộm cướp sừng tê giác trong các viện bảo tàng, nhà đấu giá và các bộ sưu tập tư nhân. Bọn cướp đi thành từng nhóm bốn người, xông vào các nơi có trưng bày sừng tê giác và cướp đi trước mặt cảnh vệ. Sau đó chúng tuồn sang các thị trường đang có nhu cầu cao ở châu Á.

Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) xác nhận kẻ gian đã lấy 72 sừng tê giác từ 15 nước châu Âu trong năm 2011. Cũng trong năm ngoái, hải quan sân bay Roissy (Pháp) đã phát hiện hai sừng tê giác trị giá tới 425.500 USD được giấu trong một tượng đồng đang trên đường chuyển sang châu Á. Các băng nhóm “mafia tê giác” vươn vòi sang tận Mỹ. Chúng trộm sừng tê giác trong các viện bảo tàng, thậm chí ngay cả sở thú.

Hồi tháng 7-2011, cảnh sát Nam Phi tóm cổ nghi can Thái Lan Chumlong Lemtongthai, kẻ buôn lậu sừng tê giác với thủ đoạn rất tinh vi. Hắn cấu kết với một nhà buôn động vật hoang dã người Nam Phi, đưa tê giác đến những trại nuôi thú rừng để giết lấy sừng. Sau đó hắn làm giấy tờ giả cho một số gái mại dâm, biến họ thành khách du lịch, đến Nam Phi “mua” số sừng này như “vật kỷ niệm”. Ít nhất 40 sừng tê giác đã được đưa về Thái Lan theo đường dây này.

Quan chức Europol Michel Quillé nhận định hoạt động của băng nhóm trộm sừng tê giác là có tổ chức. “Không thể hoạt động khắp châu Âu và châu Phi mà không có tổ chức. Đầu tiên chúng tìm nơi hoạt động, chọn đường nhập hàng, nơi lưu kho, sau đó chuyển các vật ăn cắp ra ngoài và bán khắp châu Á” - báo Le Monde dẫn lời ông Quillé.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên