23/03/2021 10:23 GMT+7

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ cuối: Đối mặt lũ tử thần

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Trần Văn Khoản gượng cười, hai hốc mắt chằng chịt vết sẹo tím đen như vết xăm, dấu tích của lần thoát chết hi hữu trước sự cố bục túi nước kinh hoàng trong hầm than sáu năm trước.

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ cuối: Đối mặt lũ tử thần - Ảnh 1.

Trần Văn Khoản (bìa trái) giờ vẫn đi làm mỏ - Ảnh: VŨ TUẤN

"Sau trận suýt chết trong đường tơ kẽ tóc ấy, em vẫn đi làm hầm mỏ nhưng thỉnh thoảng cứ nằm mơ! Kinh khiếp lắm. Vẫn sợ anh ạ.

Trần Văn Khoản

"Trên mặt bị ít, anh em vẫn nhận ra em là Khoản. Còn trên người em như bản đồ ấy. Người nhà nhìn còn hoảng" - Khoản cười kể lại lần mình gặp nạn như "10 phần chết 9".

Lũ tử thần trong lò than

Lần ấy Trần Văn Khoản, công nhân phân xưởng 5 Đoàn Thành Công, Công ty Than Hòn Gai (Quảng Ninh), bị nước cuốn trôi từ mức -85m xuống đáy lò sâu -165m so với mực nước biển. Đá, than, cây chống... ào ào lẫn trong dòng nước dữ xé nát vụn quần áo của Khoản. Đôi ủng, mũ bảo hộ, đèn của Khoản cũng bị nước giật mất.

Lúc đồng nghiệp tìm thấy, trên người Khoản không còn mảnh vải, chỉ còn chằng chịt những vết rách. Máu đỏ đầm đìa chảy ra cũng bị than nhuộm cho đen ngòm. Những vết sẹo để lại sau này cũng đen như xăm bằng mực tàu của thầy đồ xưa.

"Sau trận suýt chết trong đường tơ kẽ tóc ấy, em vẫn đi làm nhưng thỉnh thoảng cứ nằm mơ! Kinh lắm. Vẫn sợ anh ạ" - Khoản chia sẻ. Hôm ấy là rạng sáng 20-8-2015, ca làm việc đầu tiên của anh ở công trường Thành Công. Hầm khai thác bất ngờ bị bục túi nước, lúc đó trong hầm có 12 công nhân đang làm việc.

Bị cuốn xuống đáy với ồng ộc cây que, đất đá, Khoản và ba người khác bị dòng nước sền sệt, đen ngòm cuốn trôi hơn 100m đến lò chợ (khu vực khai thác sâu nhất trong hầm lò) thì mắc lại. Nhưng dòng nước xiết dúi mặt bốn công nhân xuống bùn. May mắn thay, anh được đồng nghiệp Nguyễn Văn Trưởng lội ra, lật ngược mặt lên cho thở rồi kéo vào vách hầm, lần theo cây chống tìm đường trèo lên.

"Lúc ấy chỉ còn đèn của Trưởng sáng, chúng tôi bám vào cây sắt chống lần từng bước ngược lên cửa - Khoản kể - Đá, gỗ, than lẫn trong dòng nước vẫn lao ầm ầm như thác. Nhiều lần chúng tôi phải đánh đu lên xà để tránh gỗ lao vào người". Có người đã nghĩ mình không thể qua khỏi và xót thương con nhỏ sớm mồ côi cha...

Bò lên đến "thượng" ngách hầm thì Khoản được đồng nghiệp tiếp cứu, đưa đi viện. Nguyễn Văn Trưởng lại tiếp tục bò xuống đáy lò tìm đồng đội. Lần ấy Trưởng được giao nhiệm vụ vận hành máy bơm và băng tải ở lò "chợ" (khu vực khai thác dưới đáy lò) với độ sâu -165m. Nghe thấy tiếng ầm ầm như thác từ phía trên vọng lại, Trưởng biết chuyện chẳng lành, anh tắt máy, ngắt cầu dao rồi chạy theo đường thoát hiểm. "Có tiếng kêu! - Trưởng nhớ lại - Tôi quay lại lò, soi đèn xuống đáy thì thấy bốn người bị nước xiết nằm úp mặt xuống bùn. Nước vẫn chảy xiết lắm, tôi lội ra lật từng người lên cho đỡ bị sặc rồi dìu từng người ra".

Năm người, theo ánh đèn của Trưởng bò sát vào vách hầm như những con thằn lằn ngược lên phía hầm thượng (ngách thông phía trên). Đến mức -65m thì gặp đồng nghiệp từ mặt đất xuống cứu.

"Dìu được mấy người lên thì tôi kiệt sức. Nhưng lúc ấy chỉ nghĩ xem còn ai bị kẹt nữa không thôi chứ không nghĩ được gì khác" - Trưởng chia sẻ. Tổ sản xuất hôm ấy có 12 người, khi Trưởng và bốn công nhân dìu nhau đến chỗ an toàn thì vẫn còn bảy người nữa kẹt lại ở hầm than, lúc ấy đã khoảng 2 giờ sáng.

Đến khoảng 4h30 sáng hôm ấy, cả tổ đã có tám người được đưa ra khỏi hầm. Bùn, nước đã ngập kín các ngách trong hầm than từ mức -95m trở xuống. Hi vọng đã tắt, ánh mắt anh phó quản đốc nhòe đi trong lem luốc bùn than.

Bất ngờ, phía cửa phụ của hầm than có ánh đèn. Ba công nhân không hiểu bằng cách nào đó đã chui qua được lối hầm phụ thoát chết. Còn một công nhân mất tích.

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ cuối: Đối mặt lũ tử thần - Ảnh 3.

Đưa thiết bị cứu hộ xuống cứu nạn trong hầm mỏ - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Đường thoát trong "địa ngục"

Anh thợ lò Trịnh Công Nghiệp chính là một trong ba người thoát chết thần kỳ trong vụ bục túi nước ngày ấy. Khi đó, Nghiệp mới bước chân vào ngành than được non một tháng. Lúc bục túi nước, Nghiệp và hai người khác là Đỗ Đức Cường, Phạm Văn Huy đang làm việc ở khu vực -85m. Bùn nước ập vào quật ngã ba người trong ngách. Đèn mất, hầm than tối như địa ngục. Tiếng gọi nhau run rẩy lẫn trong tiếng ầm ập của dòng nước dữ đang đe dọa nhận chìm tất cả.

Nước dềnh lên trong ngách lò, ba người ngửa cổ bám theo vách để thở, lần mò tìm đèn. Hầm khai thác có tiết diện chưa tới 10m, dốc hơn 30 độ, còn nước thì đổ xuống như thác dữ. Ngách hầm Nghiệp đang làm việc chỉ cách vị trí túi nước bục vài chục mét. Đường thông ra lò chính bị nước lũ, cây chống bít mất. Anh em thợ lò bên ngoài không tìm thấy, cũng không tiếp cận được.

Nửa tiếng sau nước rút, anh Cường tìm được đèn nhưng lối ra đã bị bít. Cường soi đèn tìm thấy ngách phụ để leo lên "thượng". Anh bò lên thì bùn nước lại giội xuống qua lối phụ quật ngã anh ngã dúi dụi xuống bùn.

Hết hi vọng, Huy, Nghiệp khóc nức nở, nghĩ đến cái chết trẻ. Nhưng Cường cố giữ bình thản: "Cởi ủng ra để "đi" cho nhẹ nhàng".

Nước tiếp tục dâng, ba người chia nhau uống nước trong chiếc bình tông mang theo rồi chọn chỗ "sạch sẽ" nằm chờ chết. Bất ngờ họ nghe tiếng nước òng ọc, rồi nước trong ngách hầm rút xuống, lộ ra ngách hầm phụ. Tia hi vọng cuối cùng lóe lên, cả ba bò theo lối phụ tìm đường lên phía trên. 

"Chúng tôi bò được một đoạn thì lại nghe ầm ầm phía dưới, túi nước bục tiếp. Quay lại soi đèn thì nước đang dâng "đuổi theo" sát chân... Nếu chỉ chậm 30 giây chắc chúng tôi đã chung ngày giỗ rồi" - Nghiệp kể.

Anh quản đốc Khúc Ngọc Duy cho hay: "Lúc ấy, anh em trong công trường đã huy động hơn 100 người đến mỏ cứu hộ. Nước ngập hết từ mức -95m. Hơn bốn giờ rồi, hết hi vọng sống thì ở ngách "thượng" -85m, mấy "ông" này bò ra trong sự ngạc nhiên và vui mừng của mọi người". Anh Duy chỉ về phía Nghiệp.

Năm ấy 2015 là năm mưa lũ lớn nhất ở Quảng Ninh trong vòng 40 năm trước đó. Trời mưa hết đợt này đến đợt khác, sạt lở, ngập lụt khắp nơi, nhiều mỏ than gặp sự cố. Mỏ than Mông Dương phải đóng cửa một hầm khai thác vì không thể khắc phục được.

Hai người bị mất, mười người bị thương. Những thợ lò bị thương nặng như anh Khoản, anh Thực, anh Viễn... phải nằm viện hơn một tháng. Đoàn thanh niên của công ty thuê một chiếc giường kê dưới gầm cầu thang bệnh viện để tiện chăm sóc nạn nhân.

Hai người thoát chết cùng Nghiệp năm ấy không làm thợ lò nữa. Nghiệp ở lại, hằng ngày đi làm vẫn gặp anh Khoản, vẫn nhìn những vết sẹo như hình xăm của anh, vẫn trò chuyện với Trưởng - người đã cứu bốn đồng nghiệp trong cái đêm thảm họa kinh hoàng.

Nhắc lại thảm họa kinh hoàng, Nguyễn Văn Trưởng ngập ngừng, đôi lông mày nhíu lại nén xúc động: "Lúc đó tôi hoảng lắm! Nước vẫn đổ ầm ập xuống, không chạy nhanh là ngập chết hết. Tôi không đủ sức kéo người thứ hai lên, bạn được tôi kéo lên đầu tiên quay lại giúp. Bạn thứ hai ấy lạnh ngắt, không còn sức sống, mãi mới gượng dậy".

Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 10: Người bị sét đánh 3 lần không chết Lằn ranh sinh - tử - Kỳ 10: Người bị sét đánh 3 lần không chết

TTO - Dân gian nói người bị sét đánh một lần đã hi hữu, kinh hoàng, mà người đàn bà này lại bị đến ba lần. Nhưng sự lạ kỳ lại càng kỳ lạ hơn khi cả ba lần 'trời đánh' bà đều không chết.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên