Trong 2 ca bệnh này, một ca vừa được phẫu thuật ngày 7-9 và một ca trước đó, với hiệu quả ban đầu đáng khích lệ.
Theo bác sĩ Lê Nam Thắng (Bệnh viện Nhi trung ương), từ năm 2017 các bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật đặt điện cực vỏ não trong điều trị bệnh nhân động kinh kháng thuốc. Tuy nhiên trước đây chỉ đặt được điện cực ở vị trí bề mặt và sau phẫu thuật, nhằm xác định hiệu quả phẫu thuật đã hết những vùng sinh động kinh hay chưa.
Còn ở phương pháp mới, điện cực được đặt trước phẫu thuật, ở cả hai vị trí là bề mặt và sâu, qua đó giúp phẫu thuật viên chẩn đoán được chính xác hơn các vùng sinh động kinh trước khi hội chẩn và phẫu thuật.
Đây là kỹ thuật rất khó, chỉ các trung tâm lớn mới có thể triển khai, hiện tại Việt Nam mới có Bệnh viện Nhi trung ương thực hiện được kỹ thuật này, với sự hỗ trợ của các giáo sư Mỹ đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama.
Với 2 ca bệnh đầu tiên vừa được phẫu thuật đặt điện cực và cắt vùng sinh động kinh, bác sĩ Thắng cho biết ca đầu tiên là bé gái, bé lên cơn giật do động kinh nhiều lần mỗi ngày, thường xuyên phải sử dụng thuốc ngủ. Sau phẫu thuật cháu bé đã tỉnh, không có biến chứng liệt, không phù não.
Ca thứ 2 cháu bé được phát hiện bị động kinh từ khi 17 tháng tuổi, hiện có trung bình 2 cơn giật/ngày.
Theo ông Thắng, bệnh động kinh xuất hiện với tần suất 1/5.000 trẻ em, bệnh để lại nhiều hậu quả cho gia đình và trẻ bởi trẻ mắc bệnh nếu không được điều trị hiệu quả sẽ rất khó hòa nhập, không đi học được, gia đình phải trông trẻ nên không có thu nhập...
Để triển khai kỹ thuật, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đã chuẩn bị gần 2 năm, với nhiều bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ hồi sức và gây mê đi học ở Mỹ. Tới đây sẽ có thêm các bác sĩ Việt Nam tới Mỹ học để điều trị cho bệnh nhi mắc căn bệnh này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận