Theo ông Thuận, tháng 2-2023 ông ho nhiều, khám và chẩn đoán tại Bệnh viện K ghi nhận ông có khối u phổi. Ông được phẫu thuật điều trị u phổi vào tháng 3-2023.
Tuy nhiên gần đây ông thấy đau ở khớp háng, sau khi đi nhiều bệnh viện và nhận được các phác đồ điều trị khác nhau, ông quyết định phẫu thuật tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec.
GS.TS Trần Trung Dũng, giám đốc trung tâm, cho biết thông thường ung thư xương ít gặp ở xương chậu, trong khi đó khối ung thư đã di căn của ông Thuận đã xâm lấn toàn bộ cấu trúc xung quanh khớp háng gồm xương chậu, bao khớp và đầu trên xương đùi.
Do là bệnh lý phức tạp nên trước đây cách điều trị là tháo bỏ một bên khung chậu nhằm cứu tính mạng bệnh nhân, tuy nhiên sau mổ bệnh nhân nguy cơ trở thành tàn phế, chất lượng sống giảm sút.
Khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ nhận định sau phẫu thuật triệt căn loại bỏ khối u cần phải tạo hình xương đùi và xương chậu khuyết hổng. Các bác sĩ đã sử dụng phương án thay xương chậu 3D in titan cho xương chậu và đồng thời nửa trên xương đùi.
Do đây là vật liệu mới Việt Nam chưa có, nếu đặt xương thay thế từ nước ngoài thì phải 2,5 tháng mới nhận được, nhưng với bệnh nhân ung thư thì thời gian là quan trọng.
Vì vậy các kỹ sư của Trung tâm Công nghệ 3D trong y học đã phối hợp với các bác sĩ, tính toán khối xương thiết kế mới với yêu cầu xương mới vừa khít vị trí được cắt bỏ, đảm bảo bệnh nhân có thể đi lại được sau phẫu thuật.
Đây là lần đầu tiên thiết kế xương thay thế thực hiện tại Việt Nam, rút ngắn thời gian chờ đợi xương ghép xuống còn 1 tuần thay vì 2,5 tháng như trước. Đến nay sau đúng 1 tháng được phẫu thuật, ông Thuận đã có thể di chuyển trở lại nhờ nạng hỗ trợ và trong tương lai gần có thể đi lại bình thường.
Về nguy cơ tái phát ung thư sau thay thế xương, bác sĩ Phạm Trung Hiếu, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ 3D trong y học, cho biết trước đây do không cắt được phần xung quanh khối u, mà chủ yếu nạo vét khối u, nguy cơ tái phát là gần 100%.
Đến nay nhờ công nghệ và kỹ thuật, các bác sĩ có thể bóc tách rộng rãi đến quá bờ khối u, nguy cơ tái phát giảm còn 5%. Trong tương lai gần (dự kiến 2025 -2026), xương thay thế tương tự ca phẫu thuật này sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận