28/04/2020 10:01 GMT+7

Làm từ thiện - chuyện không của riêng ai

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
LƯU ĐÌNH LONG thực hiện

TTO - Năm 2008, chị Nguyễn Ngọc Mai (sinh năm 1973, quê Tây Ninh, làm việc tại TP.HCM) lập ra nhóm từ thiện Đồng Tâm.

Làm từ thiện - chuyện không của riêng ai - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Ngọc Mai

Lúc đầu là tặng quà, chia sẻ với người khó, về sau là tặng học bổng cho sinh viên, học sinh, đặc biệt là xây cầu dân sinh cho bà con miền Tây.

Việc thiện của CLB từ thiện Đồng Tâm lan tỏa và Ngọc Mai được trao tặng danh hiệu Nhà hoạt động xã hội tiêu biểu tại APEC 2017 ở Đà Nẵng, kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN, kỷ niệm chương của Hội Nạn nhân chất độc da cam VN... Tuổi Trẻ trò chuyện với người phụ nữ đã trải qua 20 năm làm việc thiện này.

Gieo thiện lành từ mảnh đất miền Tây

* Chào chị, đến nay chị và Đồng Tâm đã xây được bao nhiêu cây cầu? Tại sao chị chọn mảng xây cầu, làm đường làm hoạt động chính?

- Đến nay Đồng Tâm đã xây được 151 cây cầu giao thông nông thôn. Hơn 10 năm thiện nguyện, nhóm đã vận động được gần 50 tỉ đồng cho việc xây cầu, làm đường, xây trường, nhà tình thương, cứu trợ, học bổng... 

Các công trình cầu đường mà tôi và nhóm làm đều ở miền Tây Nam Bộ. Địa phương này có đặc điểm sông rạch chằng chịt gây khó khăn cho giao thông, trẻ em đi học cũng cách trở, thường xảy ra nhiều tai nạn thương tâm, chưa kể khi giao thông bất tiện nông dân thường bị ép giá nông sản, khó phát triển kinh tế.

Cũng từ chính những cây cầu nối bờ vui, còn giúp người dân lóe lên những ý tưởng mới cho việc cải thiện thu nhập của gia đình, giảm khó nghèo: chẳng hạn mua xe kẹo kéo qua xóm bên bán cho trường học có thêm thu nhập nuôi con ăn học; nghĩ ra việc gánh đậu hũ, gánh chè bánh đi bán - việc mà ngày xưa, khi còn cầu khỉ họ không thể, nên cũng khó thoát nghèo.

* Chị nói đã vận động được gần 50 tỉ đồng. Một cá nhân như chị đã huy động từ đâu, làm sao để nhà hảo tâm tin tưởng cùng chung tay thực hiện?

- Ngay từ buổi đầu thành lập, nguồn kinh phí tôi đều huy động từ hội viên, từ nhà hảo tâm thông qua website vuonnhanai.org và Facebook cá nhân cũng như của nhóm Đồng Tâm. 

Để nhà hảo tâm tin tưởng và đồng hành lâu dài, ngay từ khi lập CLB từ thiện Đồng Tâm, tôi đã thực hiện minh bạch báo cáo tài chính theo từng chương trình trên trang web của nhóm và báo cáo trên giấy để nhà hảo tâm có thể kiểm soát việc thu chi. 

Qua đó họ cũng luôn cập nhật hình ảnh tiến độ thi công hay trao quà và yên tâm đồng hành. Làm từ thiện là làm bằng niềm tin giúp người và phải minh bạch để nhiều người tin tưởng chung tay bằng niềm tin dành cho nhóm, cho người trưởng nhóm.

* Nhìn lại những việc mình làm trong hơn 10 năm qua, chị tự đánh giá như thế nào?

- Thật ra tôi đã làm thiện nguyện tròn 20 năm (từ lúc 27 tuổi). 10 năm là từ khi lập CLB từ thiện Đồng Tâm. Tôi không muốn nhắc lại những việc mình và nhóm làm được, bởi vì đã báo cáo với nhà hảo tâm, những người đồng hành. 

Tôi chỉ muốn nói rằng mình còn nhiều ước mơ mà chưa thực hiện được cho dân nghèo và quê nghèo. Chẳng hạn tôi luôn mong muốn có một hay nhiều ngân hàng dành cho người nghèo, những trung tâm dạy nghề miễn phí cho thanh thiếu niên, người khuyết tật, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách cải thiện cuộc sống... Tôi mơ ước nhiều vậy nhưng chưa đủ duyên thực hiện.

Làm từ thiện - chuyện không của riêng ai - Ảnh 2.

Khánh thành trường tiểu học ở Hậu Giang

Làm việc thiện lợi ích vô vàn

* Những được mất đã trải trong việc làm từ thiện của một phụ nữ hoàn toàn không dễ dàng. Chị đã trải qua những khó khăn như thế nào?

- Con đường thiện nguyện không hoàn toàn thuận lợi như những hình ảnh đẹp trên Facebook, website mà bạn xem. Nhiều thử thách để đo tâm đức của mình. Riêng tôi xem thiện nguyện như một phương pháp sửa mình, nên thử thách nhiều hơn mức thường tình - có thể viết thành một quyển "hồi ký nhiều nước mắt". 

Tôi vẫn luôn nghĩ nếu không có một lời nguyện đến với người khó khổ, có lẽ mình đã đóng cửa văn phòng từ thiện mà đi làm nữ doanh nhân cho an nhàn.

Tôi không nghĩ đến cái được và mất mà chỉ mong thông qua con đường thiện nguyện của mình có thể truyền lửa đến nhiều người, đặc biệt giới trẻ. 

Những cây cầu, ngôi trường, mái nhà, quà tặng... bạn nhìn thấy là món quà bằng vật chất nhưng thông qua đó ẩn chứa hành vi sống vì mọi người, không chỉ của tôi mà nhiều người. Khi nhiều người biết sống thiện thì tất nhiên sẽ giảm bớt cái ác và họ trở thành tấm gương trong gia đình, trong đồng nghiệp... Lợi ích vô hình không thể nghĩ bàn.

* Có ý kiến cho rằng an sinh xã hội phải là công việc của nhà nước, người dân không thể làm thay. Chị nghĩ sao về việc này?

- Nếu tất cả đùn đẩy hết cho nhà nước thì có giàu như nước Mỹ cũng không lo xuể bởi nước Mỹ cũng còn có khu ổ chuột và người nghèo. Tôi nghĩ rằng việc an sinh xã hội là việc của nhà nước và nhân dân cùng gắn kết chăm lo, tùy theo khả năng. Nhà nước lo những chương trình an sinh tầm vĩ mô, còn chúng ta thiện nguyện làm những việc nhỏ phù hợp khả năng để chia sẻ với quê nghèo, người nghèo.

Tôi quan niệm nếu cả xã hội cùng giúp nhau vượt khó thì sự phát triển mới bền vững. Chúng ta không thể bình yên hay hạnh phúc riêng mình khi còn có quá nhiều người khó khổ ở đâu đó trên quê hương. Việc giúp người cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" là những giá trị nhân văn cần phát huy bên cạnh chính sách an sinh được hoạch định bởi chính phủ.

* Thấy chị đã đi Trường Sa. Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chị có hoài niệm hay nhắn gửi nào về vùng biển, vùng trời đó?

- Nhờ hoạt động xã hội tôi được chọn ra thăm Trường Sa vào tháng 4-2017. Lần đầu tiên biết được cuộc sống vất vả giữa trùng khơi của cán bộ chiến sĩ Trường Sa, nước mắt tôi đã để lại vùng biển đảo thiêng liêng ấy rất nhiều. 

Thật xúc động khi quàng lên vai chiến sĩ những chiếc khăn rằn của đất phương Nam, mong các anh em ấm lòng hơn. Cảm xúc về Trường Sa từ đó đã khiến tôi viết nhiều bài thơ và được phổ nhạc làm quà tặng chiến sĩ, gửi gắm về tình yêu biển đảo.

Làm từ thiện - chuyện không của riêng ai - Ảnh 3.

Trao học bổng cho học sinh ở Thanh Hóa

Hướng về Trường Sa

Em đi xa lòng vẫn còn ở lại

Phía đảo xa hóa sóng hát ru người

Phía Trường Sa nắng nóng rát môi cười

Màu áo lính nặng tình yêu non nước

***

Em nhớ mãi ánh mắt nhìn tha thiết

Để thương hoài một vùng biển xanh mơ

Thổn thức trong em bao nỗi mong chờ

Ngày trở lại thăm Trường Sa sóng biếc

****

Sài Gòn đêm nay mưa buồn da diết

Em thả hồn về phía biển có anh

Hoa bàng vuông và ánh mắt biển xanh

Đêm nồng nàn hương tình yêu lính đảo

****

Em bên anh dù nắng mưa giông bão

Tình đất liền luôn hướng phía Trường Sa

Đêm từng đêm em mong đợi tin xa

Đảo bình yên, đàn hải âu tung cánh.

NGUYỄN NGỌC MAI

Làm từ thiện - chuyện không của riêng ai - Ảnh 5.

Khánh thành cây cầu thứ 140 ở Hậu Giang

Một người giàu tình thương

* Tôi rất quý Mai vì cô ấy là một thủ lĩnh giàu tình thương, luôn xem nỗi khổ của người khác như người thân mình nên đã toàn tâm toàn ý giúp đỡ. Là người có trình độ (thạc sĩ kinh tế) nhưng Mai không màng danh lợi, chỉ chuyên tâm làm thiện nguyện, giúp đời.

Tôi biết có nhiều lần in thơ, cô ấy đã bán để trao học bổng cho sinh viên, học sinh. Do làm việc thiện có uy tín nên Mai và Đồng Tâm đã nhận được nhiều bằng khen, sự chung sức với con số gần 50 tỉ đồng không phải đơn giản.

Ông Nguyễn Hữu By (đại tá công an nghỉ hưu, người đồng hành với Đồng Tâm)

* Tôi khâm phục chị Mai, một người chị mà tôi có duyên gắn bó cùng làm thiện nguyện từ năm 2016. Ở chị toát lên năng lượng yêu thương đặc biệt dành cho mọi người, trong đó chị luôn thao thức nghĩ tới người mù. Những ngày dịch bệnh Covid-19, tôi đã cùng chị chia sẻ 1.000 phần quà đến người mù tại TP.HCM và sẽ tiếp tục đồng hành trên nhiều chương trình khác.

Chị An Nhiên (nhà hảo tâm ở TP.HCM)

Từ thiện cũng phải sáng tạo Từ thiện cũng phải sáng tạo

TTO - Ấn tượng với chiếc máy "ATM gạo" của anh Hoàng Tuấn Anh (Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn lan tỏa cả nước mấy ngày qua.

LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên