06/09/2014 08:00 GMT+7

​Làm thẻ xe buýt để chống vé giả

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Nhiều bạn đọc ở TP.HCM phản ảnh họ thường xuyên đi xe buýt nên mua vé tập nhưng lại bị mất tiền vì mua nhầm vé giả.

Nhân viên xe buýt kiểm tra vé tập của một hành khách đi xe buýt tuyến Bến Thành - Khu chế xuất Linh Trung - Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Nhân viên xe buýt kiểm tra vé tập của một hành khách đi xe buýt tuyến Bến Thành - Khu chế xuất Linh Trung - Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Theo các doanh nghiệp vận tải, nếu ngành xe buýt không cải tiến sẽ không chấm dứt được nạn vé giả.

Nhân viên xe buýt “soi” từng chiếc vé

Nhiều bạn đọc là hành khách đi xe buýt sử dụng vé tập (loại vé được bán với mức giá thấp hơn giá vé lượt) rất bức xúc khi các nhân viên xe buýt nhìn như “soi” xem tấm vé có giả không.

“Nếu là vé giả, nhân viên xe buýt yêu cầu hành khách mua vé mới. Trường hợp khách không chấp nhận thì bị buộc phải xuống xe” - một bạn đọc kể.

Một bạn đọc tên Phượng cho biết nhiều người nghèo trong xóm chị lỡ mua nhầm vé tập giả mà không biết ai sẽ bồi hoàn thiệt hại cho họ.

Trong khi đó, một xã viên HTX xe buýt Quyết Thắng (TP.HCM) cho biết khi nhân viên xe buýt khẳng định vé giả thì hành khách phản ứng rất dữ.

Hành khách đã mất tiền mua 112.500 đồng/tập 30 vé (một vé tập tương ứng với một vé lượt 5.000 đồng) hoặc 135.000 đồng/tập 30 vé (một vé tập tương ứng với một vé lượt 6.000 đồng) tại các đại lý bán vé xe buýt.

Để đối phó với vé giả, các doanh nghiệp vận tải đã tổ chức những buổi tập huấn cho nhân viên cách phân biệt vé xe thật và vé xe giả. Từ đó, trên tất cả tuyến xe buýt có trợ giá đã diễn ra cảnh nhân viên xe buýt soi rọi, kiểm tra từng chiếc vé tập khiến nhiều hành khách cảm thấy bị xúc phạm.

Một chủ nhiệm HTX xe buýt cho biết việc kiểm tra vé xe như vậy khiến việc phục vụ hành khách thiếu văn minh, lịch sự, nhưng nếu không kiểm tra nhà xe sẽ bị thiệt hại vì không được tiền trợ giá cho những vé giả này.

Qua kiểm tra sơ bộ, một số đơn vị vận tải cho biết họ đã phát hiện đến vài ngàn vé giả. Riêng HTX vận tải 19-5 phát hiện đến 7.800 vé giả... Số lượng vé giả bao nhiêu thì doanh nghiệp vận tải bị mất tiền trợ giá bấy nhiêu vì Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM không trả tiền ngân sách trợ giá xe buýt đối với vé giả.

Giải pháp nào?

Ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, cho biết không phải đến bây giờ mới có vé xe buýt giả. Cách đây vài năm đã phát hiện loại vé tập cho học sinh, sinh viên đi xe buýt có vé giả.

Khi đó, Sở Giao thông vận tải TP chủ trương học sinh, sinh viên chỉ cần trình thẻ học sinh, thẻ sinh viên và trả 2.000 đồng cho một chuyến đi xe buýt, thay vì mua vé tập. Sự thay đổi này có tác dụng là vé tập giả không còn đất sống.

Để chống lại nạn vé xe buýt giả, ông Phùng Đăng Hải và ông Nguyễn Văn Triệu, chủ nhiệm HTX vận tải 19-5, đều cho rằng nên làm thẻ cho hành khách đi xe buýt thường xuyên thay việc bán vé tập. Khi đó, hành khách có thẻ xe buýt chỉ phải trả một khoản tiền khi đi xe buýt với giá vé thấp hơn giá vé lượt.

“Việc làm thẻ xe buýt cho hành khách sẽ giảm được chi phí in ấn vé, giảm bộ máy kiểm soát vé từ các doanh nghiệp vận tải đến Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP. Đồng thời không mất chi phí hoa hồng cho đại lý vé” - ông Hải nhận định.

Trước đề xuất nói trên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP cho biết sẽ trao đổi với các doanh nghiệp vận tải và cơ quan chuyên môn để xem xét tính hiệu quả khi chuyển từ bán vé tập sang hình thức làm thẻ đi xe buýt.

Đầu tháng 6-2014, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM nhận được thông tin từ một đại lý bán vé xe buýt cho biết có một nhân viên lái xe buýt tuyến số 65 (Bến Thành - An Sương) chào bán vé tập xe buýt năm 2014 với giá thấp hơn nhiều so với giá quy định.

Từ đó, cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra về vé xe buýt giả. Và mới đây, Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Võ Văn Nhanh - trưởng ban kiểm soát vé của HTX Quyết Tiến - để điều tra hành vi mua bán vé xe buýt giả. 

Điều tra ban đầu cho thấy do xe chạy không đủ chỉ tiêu về số lượng vé để được nhận tiền trợ giá (300.000 đồng/chuyến) nên ông Nhanh đã móc nối với một số đối tượng bên ngoài mua hàng ngàn vé giả để hợp thức hóa số vé thiếu.

Ngoài ra, ông Nhanh còn bán hơn 12.000 vé giả (trị giá gần 840 triệu đồng) cho các xã viên HTX để họ nhận tiền trợ giá xe buýt.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên