Công an làm việc với bà Nguyễn Thanh Nhàn (phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) - người có liên quan trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018
Muốn học thật, phải dạy thật
Dạy và học là hai mặt của một vấn đề. Muốn học sinh học thật thì giáo viên phải dạy thật, nghĩa là giảng dạy bằng tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình. Đa số giáo viên hiện nay có đủ những phẩm chất để thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình nhưng có nhiều cản trở khiến họ không thể dạy thật.
Quan điểm nổi tiếng trong nhiều thập niên "Sách giáo khoa là pháp lệnh" đã biến giáo viên thành người tuyên truyền cho những cuốn sách giáo khoa do người khác viết, để bắt học sinh học thuộc lòng những trang sách vô hồn.
Cho đến khi kết thúc kỳ thi nào đó thì các em quên hết những gì được nhồi nhét bằng "phương pháp" học thuộc lòng. Khi quan điểm đó được thay thế bằng quan điểm "Chương trình là pháp lệnh" với nguyên tắc "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", giáo viên vẫn không được tin tưởng để có thể dạy bằng những gì mình có.
Họ vẫn buộc phải chọn sách giáo khoa theo ý muốn của cấp trên, rồi dạy theo sự chỉ đạo kiểu hành chính của cấp trên.
Thêm vào đó, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn khiến hiện tượng "dạy thêm - học thêm" phát triển tràn lan, khiến cho việc "dạy giả - học giả" lấn át "dạy thật - học thật".
Trong hoàn cảnh đó, tư duy độc lập và sáng tạo cũng như tư duy phê phán và phản biện không thể phát huy trong học sinh, mà phát triển tư duy cho học sinh mới chính là dạy học đích thực.
Như vậy, muốn có dạy thật - học thật thì phải nâng cao địa vị người giáo viên cả về vật chất lẫn tinh thần, đồng thời xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp trong giáo dục, đảm bảo cho giáo viên quyền tự do học thuật cao nhất trong phạm vi chương trình học đã quy định.
Làm sao để thi thật?
Có một quy luật bất thành văn nhưng rất đúng "học thế nào thì thi thế ấy!". Trong thực trạng giáo dục hiện nay, vì lợi ích của bản thân mỗi người, giáo dục hướng theo những giá trị ảo do "bệnh thành tích" sinh ra.
Điều đó cắt nghĩa vì sao các kỳ thi, từ kiểm tra thường kỳ hay định kỳ, thi tuyển sinh chuyển cấp cho đến kỳ thi tốt nghiệp THPT thường có kết quả không đáng tin cậy.
Muốn có thi thật thì trước hết phải có học thật, như đã nói ở trên. Trên cơ sở đó, phải áp dụng nhiều biện pháp chống gian lận sao cho có hiệu quả. Trước hết phải chống lại "bệnh thành tích" trong thi đua: chỉ tính thành tích dạy thật - học thật chứ không tính tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao hay thấp.
Bên cạnh đó phải mở đường thoát cho các thí sinh bị rớt: các em có việc làm xứng đáng sau khi học hết THPT nhưng chưa tốt nghiệp; các em có quyền thi lại (không hạn chế số lần) cho đến khi tốt nghiệp THPT...
Muốn có nhân tài thật thì phải làm sao?
Dĩ nhiên câu trả lời ở đây là phải học thật và thi thật. Thực trạng giáo dục hiện nay ở nước ta đào tạo ra nhân tài chưa được như kỳ vọng. Những người thực sự tài năng thường đạt được thành tích cao do những nỗ lực cá nhân của họ hoặc do môi trường giáo dục ở nước ngoài. Không chỉ do giáo dục phổ thông chưa tốt mà còn do những yếu tố tiêu cực trong đào tạo đại học và trên đại học khiến nhân tài của ta bị giới hạn.
Dư luận bàn tán nhiều về những "lò ấp tiến sĩ" ở mấy trường đại học hay viện nghiên cứu nào đó, chỉ dùng tiền để tạo nên những tiến sĩ "học giả mà bằng thật".
Vì thế, chúng ta cần đổi mới "căn bản và toàn diện" nền giáo dục nước nhà, từ giáo dục mầm non, qua giáo dục phổ thông đến đại học và sau đại học, như Đảng ta đã từng chỉ rõ.
Trong cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT chiều 6-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giáo dục phải "học thật, thi thật, nhân tài thật".
Diễn đàn "Học thật, thi thật, nhân tài thật"
Từ yêu cầu của Thủ tướng với giáo dục phải "học thật, thi thật, nhân tài thật", báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn để bạn đọc tham gia bàn luận, góp ý, gợi mở tìm giải pháp cho vấn đề này. Bài viết gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận