07/10/2007 20:18 GMT+7

Học thật, làm thật là điều kiện để phát triển bền vững

Theo QUẾ ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo QUẾ ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Gặp tiến sĩ khoa học kinh tế Trần Văn Thọ, điều ngạc nhiên không phải là mái tóc bumbê gần như tóc con gái, mà là khuôn mặt học trò của một vị giáo sư ngoại ngũ tuần. Giảng dạy kinh tế tại trường đại học của một cường quốc kinh tế là Nhật Bản nhưng lại bảo thủ một cách khó hiểu trong việc sử dụng các tiện nghi của thời hiện đại.

H5gn9dMJ.jpgPhóng to
Tranh: Hoàng Tường
Gặp tiến sĩ khoa học kinh tế Trần Văn Thọ, điều ngạc nhiên không phải là mái tóc bumbê gần như tóc con gái, mà là khuôn mặt học trò của một vị giáo sư ngoại ngũ tuần. Giảng dạy kinh tế tại trường đại học của một cường quốc kinh tế là Nhật Bản nhưng lại bảo thủ một cách khó hiểu trong việc sử dụng các tiện nghi của thời hiện đại.

Nhìn ông nói về những bức xúc trước thực trạng kinh tế xã hội, thấy đằng sau dáng dấp cổ điển của một vị giáo sư đại học là hình ảnh một cậu học trò nghèo, thông minh, hiếu học. Ông cười, nụ cười nhỏ và sáng rực. Sinh năm 1949 tại Quảng Nam, sang Nhật du học năm 1968, từng là thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật và hiện đang là giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo), Trần Văn Thọ là một trí thức luôn theo sát tình hình phát triển và góp ý về các vấn đề kinh tế, giáo dục của Việt Nam.

Ngoài việc cộng tác trong các Tổ Tư vấn cải cách kinh tế hoặc trong Ban Nghiên cứu chính sách của nhiều đời thủ tướng Việt Nam, sáng lập viên Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, giáo sư còn là cầu nối giao lưu giữa sinh viên Nhật Bản - Việt Nam và là cây bút quen thuộc trên các báo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thanh Niên, Tuổi Trẻ...

Giáo sư từng đề nghị chọn một ngày trong năm làm ngày tổ chức thi tuyển người tài giỏi, đức độ ra làm việc nước. Nếu có một ngày như vậy thì sự khác biệt về chuyên môn, ngành nghề sẽ được giải quyết thế nào?

Về cơ bản, phải nhận thấy sự cần thiết của bề dày văn hóa đối với người ra làm việc cho đất nước. Theo ý tôi, nên chia việc tuyển người tài thành hai nhóm: Nhóm chuyên viên nghiên cứu, kỹ thuật thì kiểm tra riêng và nhóm quan chức sau này trở thành cán bộ lãnh đạo hoặc quản lý thì không cần kỹ năng đặc biệt. Năng lực diễn đạt, sự hiểu biết về văn hóa, triết học, lịch sử, luật pháp, hành chính là những yếu tố cần thiết đối với người ở nhóm thứ hai. Một khi đã có tầm nhìn, có ý thức trách nhiệm và hiểu luật pháp và cơ cấu hành chính, thì không cần học nông nghiệp mới quản lý, lãnh đạo được trong ngành nông nghiệp, không cần học thương mại mới làm được công thương.

Dĩ nhiên khi được giao công việc cụ thể thì họ sẽ tìm hiểu, học hỏi để nắm vấn đề và chuyện này sẽ không khó đối với người đã có năng lực cơ bản. Mục tiêu sau cùng của cuộc thi tuyển là tìm được những người có năng lực cơ bản và trình độ văn hóa cao, vì người có văn hóa cao thì không thể hạ mình để tư túi hay trốn tránh trách nhiệm.

Giám khảo của kỳ thi đó phải quan trọng lắm! Thế nào là một giám khảo lý tưởng?

Quan trọng chứ! Giám khảo phải là người xứng đáng về năng lực và đức độ chứ không chỉ là người nổi tiếng. Ở Nhật hay nước khác, Ban giám khảo là những người không được công bố. Gần đây báo Nhật đăng tin có trường hợp ông giáo sư nọ trong ban giám khảo của kỳ thi tuyển thẩm phán vì muốn học trò mình nhiều người đậu đã ngầm nhấn mạnh (trong các buổi giảng ở đại học) những nội dung ông sẽ ra trong đề thi. Khi chuyện này bị phát hiện, ông giáo sư bị đưa ra khỏi ban giám khảo ngay và báo chí đã lên tiếng phê phán rất nặng. Một chuyện như vậy ở Nhật đã bị xem là nặng nề lắm rồi, nói gì đến chuyện bán đề hay lộ đề.

Gần đây ở Việt Nam nhiều người quan tâm đến kế hoạch đào tạo hàng ngàn tiến sĩ. Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Đây là vấn đề mà tôi đã góp ý cách đây nhiều năm. Nhật Bản đông dân hơn và có thu nhập đầu người gấp gần 70 lần Việt Nam, vậy mà ở nước ta số người có bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực quản lý hành chính hoặc kinh doanh nhiều gấp mấy lần ở Nhật. Đó là một hiện tượng dị thường! Một trong những vấn đề giáo dục mà nước ta đang đối mặt là số lượng tiến sĩ quá nhiều và tiêu chuẩn chất lượng đào tạo tiến sĩ quá thấp. Tôi đề nghị một ban thẩm định gồm những trí thức trong và ngoài nước cùng đưa ra ý kiến về việc đại học nào, giáo sư nào hội đủ tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ, và chừng nào tiêu chuẩn đó ở Việt Nam chưa ngang bằng quốc tế thì tiến sĩ nên được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Hình như những vấn đề này ông đã nói từ mười mấy năm trước, ông thấy những vị lãnh đạo có nghe ông không?

Tôi không hiểu sao lãnh đạo không quan tâm vấn đề rất quan trọng này. Những vấn đề này tôi đã viết lên báo Nhân Dân 10 năm trước, trên báo Tia Sáng bốn năm trước và gần đây, cuối năm 2005, nhận được yêu cầu góp ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã có thư trả lời và đưa kiến nghị phải giải quyết từ căn bản cơ chế đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Nhưng lãnh đạo của Bộ đã trả lời là những biện pháp của tôi khó thực hiện ở Việt Nam. Chẳng hiểu tại sao lại khó thực hiện. Vì vậy mà tình hình vẫn như cũ.

Theo ông thì tại sao có hiện tượng lạm phát bằng cấp?

Sau giải phóng, người ta đề bạt những người có công trong kháng chiến giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo các cấp, rồi đề ra tiêu chuẩn hóa cán bộ là phải có bằng đại học, cho cán bộ đi đào tạo hệ tại chức, hình thành một kiểu học sơ sơ, trong đó quan hệ thầy trò lủng củng. Thầy lương thấp hơn trò, trò bồi dưỡng thầy để thi cử lấy bằng cho dễ... Trong công việc thì người có bằng dễ được đề bạt, được đối xử khác với người không có bằng. Một chuỗi quan hệ nhân-quả như vậy hình thành nên tư tưởng chuộng bằng cấp. Lẽ ra chuyện tiêu chuẩn hóa cán bộ và cho học tại chức này chỉ áp dụng trong thời gian quá độ chừng 10 năm rồi chấm dứt ngay nhưng rất tiếc vẫn kéo dài cho đến bây giờ.

Về hiện tượng lạm phát văn bằng tiến sĩ theo tôi có ba nguyên nhân: Một là những người làm chính sách giáo dục không hiểu ý nghĩa của học vị này, cứ tưởng đưa ra một số hướng dẫn (về hình thức của luận án, về hội đồng chấm luận án,...) và các tiêu chí định lượng cho các viện nghiên cứu hoặc cho các đại học (số tiến sĩ, số phó giáo sư, giáo sư trong cơ quan đào tạo) là có thể “sản xuất” ra tiến sĩ. Hai là cơ chế đề bạt cán bộ dựa vào bằng cấp làm cho ai cũng nghĩ phải lấy cho được bằng tiến sĩ dù nhiều người không có thì giờ và không có khả năng nghiên cứu. Nguyên nhân thứ ba, rất nghiêm trọng, là Chính phủ đã sai lầm cho chuyển bằng phó tiến sĩ trước đây thành tiến sĩ. Thành ra có hiện tượng chỉ trong một ngày số tiến sĩ ra đời hàng loạt.

Tôi vẫn còn giữ ấn tượng quá ngạc nhiên và bàng hoàng trong khi tham dự một buổi hội thảo nhỏ tại Hà Nội vào năm 1999. Hôm đó chỉ có độ 15 người tham dự và trao đổi ý kiến về một vấn đề kinh tế của Việt Nam. Tôi bàng hoàng vì thấy mọi người gọi nhau là tiến sĩ, một hiện tượng chỉ có thể thấy ở những hội nghị rất cao cấp về học thuật trên thế giới. Lẽ ra Chính phủ phải thận trọng.

Ở Nhật Bản và nhiều nước khác, học vị tiến sĩ chỉ dành cho những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, còn quan chức nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cần có bằng đại học là đủ. Ở nước mình, tôi thấy phó giám đốc một sở ở miền núi cũng có bằng tiến sĩ, nhiều tổng giám đốc doanh nghiệp quốc doanh cũng có bằng tiến sĩ. Và việc Nhà nước cho tiền cán bộ đi học tiến sĩ là một chuyện rất ngược đời.

Theo ông, Việt Nam trên đường phát triển có điều gì cần học từ Nhật?

Có nhiều lắm nhưng tôi chỉ kể ra đây hai điểm:

Một là, học thật, làm thật, đề cao tính thực chất. Tinh thần cầu học của người Nhật rất mạnh. Vào thời Minh Trị, họ cử người ra nước ngoài học, thuê chuyên viên, kỹ sư, học giả người nước ngoài đến Nhật để tư vấn, giảng dạy những lĩnh vực họ thấy còn yếu. Đặc biệt sách kinh điển và nhiều sách hay khác được tích cực du nhập vào Nhật, được những người có uy tín về chuyên môn dịch sang tiếng Nhật với cả sự cẩn trọng, nghiêm túc. Có nhiều cuốn sách được nhiều người dịch nhiều lần khi thấy bản dịch của người đi trước chưa chính xác hoặc chú giải chưa đầy đủ. Còn chuyện làm hàng giả thì ở Nhật hầu như không hề nghe thấy.

Hai là, tôn vinh tinh thần trách nhiệm, tận tụy của mọi người dù ở cương vị nào, ở giai tầng xã hội nào. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Làm sao để trong xã hội ai cũng thấy hạnh phúc khi chọn được một nghề hợp với khả năng của mình, được xã hội trân trọng và tay nghề càng cao càng được thù lao xứng đáng.

Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, trong cuốn hồi ký From Third World to First - The Singapore Story: 1965-2000 (HarperCollins Publishers, 2000) có nhận xét rất đúng khi quan sát trực tiếp sự lành nghề và thái độ yêu nghề của một người đầu bếp tại một khách sạn ở Nhật vào những năm đầu thập niên 1970. Ông cho rằng người Nhật dù làm nghề gì cũng hãnh diện và luôn mong muốn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, do đó mà ở Nhật năng suất lao động cao và hàng sản xuất ra luôn đạt được sự hoàn hảo về phẩm chất. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” vốn dĩ là truyền thống rất đẹp mà Việt Nam đã có từ rất lâu. Bây giờ chính là lúc tinh thần đó cần được phát huy trong thế hệ trẻ.

Vậy có thể gọi tên những phẩm chất được đề cao như trên là tinh thần Võ sĩ đạo được không?

Có lẽ phần lớn liên quan đến hoặc bắt nguồn từ tinh thần võ sĩ đạo. Võ sĩ đạo là tinh thần thượng võ hành động vì việc nghĩa, đề cao lòng can đảm và trách nhiệm của cá nhân. Ngoài những phẩm chất trên, còn phải kể đến tinh thần dân tộc (trong nghĩa tích cực) của người Nhật - mọi người vì sự phát triển của đất nước, và tránh sức ép của ngoại bang. Để được như vậy, người Nhật đã học cách quên quá khứ. “Lý lịch” quá khứ hầu như không bao giờ trở thành chướng ngại trong việc sử dụng nhân tài. Câu chuyện của Shibusawa Eiichi (mà tôi đã có dịp giới thiệu trên số báo Xuân DNSGCT 2006) là điển hình cho tinh thần hòa hợp dân tộc và trọng nhân tài của lãnh đạo Nhật Bản.

Khi chính quyền Minh Trị Thiên hoàng bắt đầu xây dựng đất nước và cần chuyên gia am hiểu về tài chính, ngân hàng, được thông tin về Shibusawa Eiichi - vốn là người được trọng dụng trong thời phong kiến Edo đã bị lật đổ, chính phủ mới đã quyết định mời ông tham gia chính quyền và cho giữ ngay một chức vụ quan trọng trong Bộ Tài chính. Với cương vị và uy tín này, Shibusaza bắt đầu thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại mà sau này trở thành kiểu mẫu cho một loạt các ngân hàng công và tư. Trong thập niên 1880 và 1890, thấy đất nước mình còn thiếu nhiều thứ để trở thành một nước phát triển, Eiichi lập ra hàng chục công ty hiện đại trong các lĩnh vực kéo sợi, dệt vải, đóng tàu, hàng hải, bảo hiểm, đường sắt, v.v… Nhiều nhà phân tích đã gọi Shibusawa là ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản.

Có bao giờ ông cảm nhận sức ép từ tinh thần trách nhiệm và tinh thần dân tộc của người Nhật đi quá giới hạn hay tạo ra tác dụng ngược trong chính hệ thống của họ không?

Ở Nhật, gần đây có trường hợp một bộ trưởng đã tự tử vì không hoàn thành trách nhiệm và bị phanh phui vì một sơ suất đáng xấu hổ. Mấy năm trước có một người lái xe bus đã tự tử vì ân hận đã vô ý cán chết một em bé. Trong công ty thì vì trách nhiệm, có người làm quá sức dẫn đến tử vong nơi công sở hay vì công việc mà hy sinh hạnh phúc gia đình là có thật. Đúng là tinh thần trách nhiệm như vậy đã vượt quá giới hạn của thường thức. Nhưng nhìn chung hiện nay sự cân bằng giữa các giá trị đang dần dần được xác lập trở lại.

Bản thân ông sống trong xã hội như vậy có bị sức ép lớn?

Hầu như là không. Có lẽ nhờ nghề dạy học khá tự do, trách nhiệm với sinh viên, với trường cũng lớn nhưng tính nhu nhuyễn về thì giờ khá cao nên dễ điều hòa.

Công việc của ông có vẻ ung dung như vậy không biết có phải do máu Việt trong ông?

Định nghĩa thế nào là máu Việt?

Máu Việt chuộng sự vừa phải.

Nếu vậy thì vừa phải là một chủ nghĩa tốt. Tôi thấy người Việt Nam mình biết giữ cân bằng cho cuộc sống. Mặc dù những điều kiện môi trường, mức sống chưa cao, tai nạn giao thông và vệ sinh có vấn đề nhưng lạ là tuổi thọ người Việt rất khá. Tại nhiều cơ quan khi tan sở buổi chiều thấy nhiều người chơi cầu lông, bóng bàn trước khi về nhà. Nhiều người lớn tuổi chăm chỉ tập dưỡng sinh để sống khỏe. Tôi ra Hà Nội thấy tinh thần tập thể dục của người dân rất cao! Buổi sáng sớm người đứng tập thể dục quanh hồ Hoàn Kiếm rất đông!

Đó là vì nhà họ không có chỗ tập đấy ạ! Nghe nói hồi xưa mộng của giáo sư là trở thành thầy giáo dạy văn chương. Sang Nhật sao ông không nghĩ về thế mạnh của mình và tiếp tục ước mơ đó?

Hồi đó tôi cũng rất thích văn học Nhật Bản. Nhưng ở tuổi hai mươi, tôi chưa nghĩ nhiều. Thích văn chương nhưng học văn bằng tiếng nước ngoài tôi sợ không cảm nhận được hết. Năm 1968, Nhật Bản lần đầu tiên trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, bởi vậy tự nhiên tôi quan tâm đến kinh tế và muốn học kinh nghiệm của Nhật, mong hòa bình trở về có thể làm cái gì hữu ích cho đất nước. Với lại chưa học thì chưa cái gì là thế mạnh của mình.

Giáo sư sống ở một đất nước phát triển vào bậc nhất về khoa học kỹ thuật mà đồ vật ông dùng chẳng “phát triển” tí nào: máy ảnh Olympus 12 năm tuổi, điện thoại di động màn hình độc màu xanh Nokia 8250… Đó là cái thú, lối sống hay tại cái máu nông dân bảo thủ của ông?

Nếu “bảo thủ” có nghĩa là những đồ vật cũ còn dùng được thì không chịu thay cái mới, có lẽ tôi hơi bảo thủ thật. Ngay cả đồng hồ, bút, túi xách... cái gì không hư thì không bỏ được. Sống ở Nhật mà tôi mới bắt đầu dùng điện thoại di động năm ngoái đây vì thấy có bao giờ mình cần liên lạc gấp đâu! Về nhà có điện thoại bàn. Ở cơ quan có điện thoại cơ quan. Nhà cách sở làm một tiếng đồng hồ di chuyển, trong thời gian đó nếu cần liên lạc thì gọi điện thoại công cộng. Nhưng vài năm trở lại đây, ngoài đường khó kiếm ra những buồng điện thoại công cộng như ngày xưa nên để tiện thì phải dùng thêm di động thôi.

Xã hội mà nhiều người xài đồ như kiểu giáo sư thì Nhật Bản đâu có phát triển được như ngày nay! Ông có thú vui gì để thư giãn hay tận hưởng từ cuộc sống?

Có lẽ thú vui của tôi là chơi piano. Dĩ nhiên là nghiệp dư thôi, nhưng mỗi lúc ngồi xuống chơi những “tình khúc vượt thời gian” của Việt Nam thì không gì tuyệt vời bằng! À mà kỳ này về chắc phải mua máy ảnh kỹ thuật số không biết chừng! Hôm nọ ở Hà Nội rất vất vả, tìm mãi mới mua được phim để bỏ vô máy…

Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện thú vị này.

Theo QUẾ ANHDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên