Phóng to |
Ông Mark Gillin - chủ tịch AmCham - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Ng.Khánh |
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và lãnh đạo các bộ ngành cũng tham dự và phát biểu trao đổi tại diễn đàn.
Không mong nghe, phân tích, rồi hứa...
"Đổi mới lần 1 đã thu hút được tài năng kinh doanh của người dân thì đổi mới lần 2 cần phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, khu vực tư nhân không bị kém ưu đãi hơn so với doanh nghiệp nhà nước" Ông Mark Gillin (chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Mỹ tại VN) |
Là diễn giả đầu tiên, ông Mark Gillin, chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Mỹ tại VN (AmCham), không ngần ngại nêu mong muốn phía Chính phủ VN không chỉ đến nghe, nói những điều mình nghĩ về các giải pháp, rồi đưa ra những lời hứa, mà muốn nhìn thấy những hành động thực tế để giải quyết những vấn đề đã được nêu. Ông Mark Gillin không đồng tình với quan điểm cho rằng do đặc thù của VN nên khó có thể thực hiện các giải pháp như cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tham nhũng và quản lý kém...
“Vẫn còn quá nhiều cải cách cơ bản chưa được hiện thực hóa và vì thế nền kinh tế phải gánh chịu” - ông Mark Gillin nói và cho rằng đổi mới là chất xúc tác cho quá trình thịnh vượng của VN thời gian qua nhưng gần đây có quan ngại đổi mới đã mất đi xung lực. Cho biết năm 2012, tăng trưởng nhiều nước châu Á đều trên 6%, ông Mark Gillin đề nghị VN cần có cuộc đổi mới lần 2. “Đổi mới lần 1 đã thu hút được tài năng kinh doanh của người dân thì đổi mới lần 2 cần phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, khu vực tư nhân không bị kém ưu đãi hơn so với DNNN. Đổi mới lần 2 ở VN cần giải quyết tham nhũng, DNNN... chứ không chỉ thảo luận về vấn đề đó” - ông Mark Gillin nhấn mạnh.
Ông Kim Jung In, chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại VN (KorCham), nêu rất cụ thể: các thành viên của KorCham phải đối mặt với tình trạng chậm trễ thường xuyên trong quá trình phê duyệt đối với những dự án, chính sách quan trọng. Dẫn chứng một doanh nghiệp Hàn Quốc được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2007 để xây dựng một khu công nghiệp lớn (có khả năng thu hút hàng trăm triệu USD vốn FDI). Nhưng đến nay, sáu năm trôi qua dự án trên vẫn... chưa triển khai được do cơ quan có thẩm quyền kéo dài việc thẩm định. “Tình hình này không thể tiếp diễn. Chúng tôi mong muốn Chính phủ khôi phục lại lòng tin” - ông Kim đề nghị.
Đẩy nhanh cổ phần hóa
Ông Preben Hjortlund - chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) - công bố kết quả khảo sát các doanh nghiệp châu Âu tại VN về chỉ số môi trường kinh doanh thời điểm tháng 3-2013 cho thấy chỉ số môi trường kinh doanh của VN chỉ đạt 48 điểm, trong khi mức trung bình là 50 điểm. Ông Preben Hjortlund cho biết doanh nghiệp trong EuroCham lo ngại về tình hình hiện tại, triển vọng tương lai, chính sách tăng thuế, mức phạt và thanh tra.
Hầu hết các tham luận tại diễn đàn lần này đều đề nghị cải cách khu vực DNNN. EuroCham cũng nêu ba kiến nghị, trong đó cho rằng DNNN đang được ưu đãi qua các khoản cho vay, tiếp cận đất đai và chỉ tiêu lợi nhuận thấp... “Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần cổ phần hóa DNNN càng sớm càng tốt để tạo môi trường cạnh tranh hơn” - ông Preben Hjortlund nói. Hoan nghênh VN tính giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20-23% nhưng EuroCham khuyên VN nên nhìn lại mức thuế của các nước trong khu vực, đồng thời đề nghị phải bỏ mức khống chế chi phí quảng cáo tiếp thị không quá 10% hiện nay. “Cần có lộ trình bỏ hoàn toàn khống chế này” - EuroCham viết.
Đặc biệt, VN đang muốn thu hút vốn FDI nhưng lại khống chế sở hữu ở một số lĩnh vực, khiến nhà đầu tư nước ngoài luôn là cổ đông thiểu số. EuroCham đề nghị nên nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng địa phương. Bởi nếu có vai trò lớn hơn, nhà đầu tư có thể sẽ đầu tư mạnh, cải thiện tình trạng ngân hàng. Các nước khác đã làm điều này.
Dư luận VN vẫn nêu có làn sóng đầu tư từ Nhật vào VN nhưng chủ tịch Phòng Thương mại Nhật tại VN (JBAV) Motonobu Sato nêu thực tế nếu năm 2012 Nhật đầu tư vào VN là 4,2 tỉ USD nhưng đầu tư vào Thái Lan cùng năm là 13 tỉ USD, tức gấp 3 lần. JBAV nêu ba kiến nghị để xóa bỏ vướng mắc, trong đó nhấn mạnh: văn bản luật của VN mâu thuẫn nhau, cơ chế lại thay đổi giữa địa phương này và địa phương khác, rồi địa phương hiểu luật theo cách khác nhau; quy định được áp dụng khác nhau giữa trung ương và địa phương... “Nếu Chính phủ coi đây là vấn đề phổ biến của các nước thì chúng tôi sợ rằng VN sẽ mất mức hấp dẫn và dòng vốn sẽ đổ về những nước châu Á khác” - ông Motonobu Sato nêu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ VN sẽ tiếp tục chỉ đạo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng cao hơn 2012... Tới đây, VN sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là giãn, giảm, hoãn thuế; cải cách chính sách thuế, phí, lệ phí, thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục thuế, hải quan. Về tái cơ cấu, Phó thủ tướng khẳng định sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, tiếp tục yêu cầu DNNN thoái vốn ra khỏi ngoài ngành, Nhà nước cũng dần thoái vốn khỏi ngành không cần chi phối.
Nên cho người nước ngoài mua nhà Trong những kiến nghị, đáng lưu ý nhóm công tác về bất động sản kiến nghị biện pháp loại bỏ ứ đọng bất động sản bằng cách nên cho doanh nghiệp nước ngoài mua đất đai ở VN, cho người nước ngoài mua nhà. Theo báo cáo của nhóm, VN đã cho thành lập doanh nghiệp 100% vốn ngoại ở VN thì họ băn khoăn tại sao họ không được mua nhà, bán hoặc cho thuê. Việc cho phép sẽ giúp tăng thu thuế của Chính phủ và VN cần so sánh chính sách này với các nước láng giềng để cạnh tranh với họ. Sẽ nới room cho nhà đầu tư ngoại Trả lời các ý kiến góp ý liên quan đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Minh Hưng - phó thống đốc NHNN - cho biết quy định tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng VN ở 30% hiện nay là phù hợp cam kết của VN gia nhập WTO. Tuy nhiên, để khuyến khích nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, NHNN đã trình Chính phủ nghị định, trong đó nêu trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng sẽ quyết định cho phép mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên mức 30% tại một số ngân hàng, tùy trường hợp cụ thể. Ông Nguyễn Đoan Hùng, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cũng công nhận việc cổ phần hóa thời gian qua chậm. Với phản ảnh nhà đầu tư nước ngoài muốn bỏ thêm tiền đầu tư cũng không được vì nhiều doanh nghiệp niêm yết đã hết “room”, ông Hùng cho biết Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình Chính phủ cho thí điểm một số doanh nghiệp VN được phát hành thêm 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận