03/02/2019 13:03 GMT+7

Làm sao để con vui chơi mà vẫn khoẻ mạnh?

ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG

TTO - Tết đến, các bạn nhỏ là vui nhất vì được nghỉ học, được thoả thích vui chơi, được thao hồ ăn tiệc. Và rồi nhịp sinh hoạt, ăn uống của các bạn sẽ bị “xáo trộn”, nguy cơ bệnh và lây nhiễm bệnh hô hấp, tiêu hoá… cũng đến theo.

Làm sao để con vui chơi mà vẫn khoẻ mạnh? - Ảnh 1.

Ba mẹ cần lưu ý kiểm soát việc ăn uống của con, nhất là trước những mâm cỗ thịnh soạn

Sau đây là những mẹo nhỏ giúp cả gia đình thoải mái vui xuân và tránh xa bệnh tật:

1. Sẵn sàng cho hệ miễn dịch khoẻ mạnh

Các cuộc họp mặt gia đình, đi du lịch, trung tâm mua sắm, vui chơi trẻ em đều là nơi vi trùng muốn "hòa nhập".

Vì vậy, hãy tự bảo vệ mình: tiêm ngừa đầy đủ và rửa tay thường xuyên. Dạy trẻ rửa tay trong 30 giây (hoặc hát một bài hát ngắn trong khoảng 30 giây khi rửa tay).

2. Thức ăn ngày tết

Các món ăn ngày Tết thường nhiều dầu mỡ, muối và giàu năng lượng như: bánh kẹo, bánh mứt, các loại hạt, nước ngọt, bánh chưng, bánh tét, giò lụa, giò chả, nước ngọt …

Trẻ thường ham chơi và ăn uống không kiểm soát, dẫn đến ăn quá nhiều thức ăn "năng lượng rỗng". Trẻ thừa cân sẽ tăng cân nhiều, trong khi trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng sẽ càng sụt cân.

Do đó, ba mẹ nên cố gắng duy trì lịch trình thông thường với ba bữa ăn chính mỗi ngày và các đồ ăn nhẹ lành mạnh, và chú ý uống đủ nước.

- Đối với trẻ thừa cân, béo phì:

+ Ba mẹ không nên để bánh mứt, nước ngọt nhiều trên bàn, trong tủ lạnh;

+ Nên nhắc bé ăn vừa phải để tránh lên cân quá mức;

+Tránh thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ;

+ Đừng quên nguyên tắc độn rau, củ, quả tươi trước khi ăn bữa chính, nên ăn nhiều rau: canh rau, rau trộn, món lẩu…;

+ Khuyến khích ăn trái cây ít ngọt như: cam, bưởi, dưa hấu, thơm, táo… vừa giúp dễ tiêu hóa vừa giúp trẻ tăng cường chất xơ và vitamin.

- Đối với trẻ biếng ăn, thiếu cân:

+ Thức ăn ngọt, bánh mứt: cần khéo léo đưa vào các bữa ăn chính và phụ của bé, tuyệt đối không cho bé ăn lặt vặt. Mặc dù bé không thể ăn được nhiều nhưng viên kẹo, miếng mứt có thể làm bé "no", nên chỉ cho bé ăn sau khi đã ăn bữa chính;

+ Thay thế những thức ăn khác cơm: bánh chưng, miến…để đổi món và cho bé cơ hội nếm thử hương vị tết;

+ Mang theo đồ ăn nhẹ lành mạnh khi đi chơi để đề phòng trường hợp trẻ bị nhỡ bữa ăn: Những trái cây nhiều năng lượng và tốt cho trẻ trong bữa ăn nhẹ: chuối, đu đủ, xoài cát, vú sữa, quýt, lê… và các loại hạt nhiều dầu béo (hạt điều, đậu phộng, hạt dẻ, hướng dương…);

- Bé đang bú sữa mẹ: các món ăn ngày Tết nhiều đạm, tẩm ướp gia vị và hương liệu, có thể khiến mùi vị sữa thay đổi. Do đó, mẹ cho con bú nên hạn chế những món có nhiều tỏi, tiêu, càri... và chú ý uống nhiều nước.

3. Chú ý vận động

Kỳ nghỉ dài, ba mẹ bận rộn chúc tết, đón khách thăm hỏi, bé sẽ có xu hướng ngồi "ôm" tivi hoặc điện thoại. Vì vậy, ba mẹ hãy lưu ý việc vận động cho trẻ, vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của trẻ:

+ Thay vì cho "ăn thỏa thích" hãy cho trẻ "chạy nhảy thỏa thích";

+ Nên đưa trẻ đến các khu vui chơi giải trí để trẻ có dịp tiêu hao năng lượng qua các trò chơi vận động;

+ Đi chơi, vận động vừa phải sẽ giúp trẻ mau đói và thèm ăn; nhưng không nên đi chơi quá nhiều vì quá mệt cũng làm trẻ biếng ăn.

4. Giữ lịch trình giấc ngủ phù hợp

Trẻ thường vui chơi rất phấn khích và khó có thể nghỉ ngơi đầy đủ trừ khi bé đã thấy "kiệt sức". Việc chăm sóc giấc ngủ cho trẻ cũng rất quan trọng để đảm bảo một sức khoẻ tốt.

+ Không nên để trẻ thức quá khuya;

+ Cố gắng cho trẻ ngủ thêm giấc trưa dù thời gian ngắn cũng rất tốt;

+ Duy trì giờ giấc ngủ, nghỉ càng gần với ngày thường càng tốt;

Trẻ ngủ đủ, đúng giấc mới vui vẻ và ăn uống ngon miệng.

5. Đề phòng chấn thương

Trẻ em có nguy cơ cao bị thương. Do đó, ba mẹ hãy để mắt đến bé khi bé ăn và chơi.

+ Nguy cơ bị hóc, sặc: thực phẩm, đồ uống, đồ chơi, đồ gia dụng… có kích thước nhỏ (như kẹo cứng, rau câu, các loại hạt…) nguy cơ làm cho trẻ bị hóc rất nguy hiểm, hãy để xa ngoài tầm với của trẻ và quan sát trẻ khi ăn;

+ Nguy cơ té ngã, chấn thương: có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Kiểm tra khu vực chơi của trẻ có các góc, cạnh nguy hiểm khi trẻ té, va đập vào.

+ Nguy cơ bỏng: Chú ý bếp nấu, nướng, các dây điện trang trí, thậm chí xăng dầu của xe cộ… cần có dấu cảnh báo hoặc để ý không cho trẻ đến gần.

Năm mới, xin kính chúc các gia đình, ba mẹ, và các em nhỏ một mùa xuân an vui, gia đình thịnh vượng, riêng các bé luôn khoẻ mạnh, vui tươi, học giỏi.

Bạn đọc có những bài viết, thắc mắc về sức khỏe người lớn, mẹ và bé, sức khỏe sinh sản, giới tính, bệnh nam khoa, chữa trị hiếm muộn, dinh dưỡng, chấn thương… có thể gửi về email: suckhoe@tuoitre.com.vn. Phòng mạch Online sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp. Chân thành cám ơn.
ThS.BS LÊ THỊ KIM DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên