17/07/2013 07:52 GMT+7

Làm rõ đường đi của cá tầm Trung Quốc nhập lậu

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) vừa có nhận định về tình hình nhập lậu cá tầm hiện nay. Phần lớn lượng cá tầm lậu có xuất xứ từ Trung Quốc.

ExyuOKVL.jpgPhóng to
Cá tầm bán trong siêu thị - Ảnh: THUẬN THẮNG

Theo C49, thời gian trước tháng 4-2013, trung bình mỗi ngày có 5-7 tấn cá tầm được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ, phần lớn là cá tầm nhập lậu. Thời điểm hiện nay có giảm, khoảng 2 tấn cá tầm được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ/ngày, thường tập kết tại các chợ đầu mối Yên Sở, Thanh Trì... nhưng đa số được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trang trại nuôi trong nước, chỉ còn một lượng nhỏ cá tầm nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc được đưa vào từ Quảng Ninh, Lạng Sơn.

Giá cá tầm nhập lậu tại biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội được bán 130.000-150.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tầm nuôi trong nước gần 200.000 đồng/kg. Mức chênh lệch giá lớn như vậy nên các đối tượng buôn bán, vận chuyển cá tầm dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu, vận chuyển sâu vào trong nước bán kiếm lời.

Qua khảo sát của cơ quan chức năng, có những trang trại nuôi cá tầm diện tích không lớn, cá tầm phải nuôi khoảng một năm mới xuất bán nhưng sáu tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với số lượng khoảng 70 tấn. Đáng chú ý, cá tầm được nuôi ở các tỉnh phía Bắc, gần khu vực biên giới với Trung Quốc nên dễ dàng hợp thức hóa cá tầm nhập lậu thành cá tầm nuôi tại các trang trại, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Cơ quan công an cũng xác định hiện nay có bốn tuyến vận chuyển thủy hải sản, cá tầm nhập lậu trọng điểm gồm từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai về Hà Nội. Trong đó, địa bàn trọng điểm gồm các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Để buôn bán, vận chuyển cá tầm nhập lậu vào nội địa, các đối tượng cấu kết, móc nối với nhau thành đường dây khép kín.

Cụ thể, các đối tượng cầm đầu, chủ yếu đầu nậu của các đường dây thu gom cá tầm vận chuyển qua biên giới vào VN.

Sau đó có các đối tượng thu mua tại khu vực biên giới, tổ chức vận chuyển sâu vào nội địa. Để bảo đảm an toàn cho các đối tượng này vận chuyển còn có các đối tượng bảo kê, bao biên, bao tuyến tại các khu vực biên giới và trên các tuyến giao thông.

Sau khi hàng được đưa vào nội địa sẽ chuyển đến cho đối tượng chuyên phân phối, tiêu thụ. Cơ quan chức năng cũng xác định có khoảng 10 đối tượng là đầu nậu buôn bán, vận chuyển trái phép cá tầm và thủy sản từ Trung Quốc vào VN tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ cá tầm nhập lậu sử dụng rất nhiều thủ đoạn để đối phó với hoạt động kiểm tra, bắt giữ của các cơ quan chức năng; sử dụng xe tải nhỏ, xe máy, đò máy để vận chuyển; lợi dụng đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số để thuê vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ vào VN.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Chưa rõ nguồn gốc cá tầm ở MetroĐiều tra cá tầm Trung Quốc “đội lốt” hàng ViệtTràn ngập cá tầm Trung QuốcCấp lý lịch cá tầm cho khách hàng

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên