Phóng to |
Nuôi cá tầm tại doanh nghiệp Hạnh Lợi (Quỳnh Nhai, Sơn La) - Ảnh: Việt Dũng |
Trước tình hình này, tại cuộc họp giao ban của Bộ NN&PTNT về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chiều 11-6, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: “Bất kỳ lô hàng cá tầm nào kiểm tra không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sẽ buộc phải tiêu hủy”.
Khó phân biệt
Khoảng nửa tháng trở lại đây, cá tầm từ phía Bắc chuyển vào TP.HCM tiêu thụ theo đường hàng không qua cảng sân bay Tân Sơn Nhất đã dần lắng xuống. Số lượng cá đưa vào giảm mạnh và không đều. Một đơn vị chuyên vận chuyển cá tầm từ phía Bắc vào TP.HCM tiêu thụ cho hay bị siết chặt trong hơn tháng nay. Trước đó, trung bình mỗi ngày lượng cá tầm từ phía Bắc đưa vào TP.HCM tiêu thụ khoảng 1 tấn. Thậm chí có ngày cao điểm lên đến gần 2 tấn. Cá tầm sau khi đưa vào được giao ngay cho các nhà hàng trước đó đã đặt mua tiêu thụ với giá 140.000-155.000 đồng/kg. Trong khi đó, cá tầm của các doanh nghiệp trong nước nuôi có giá 190.000-200.000 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp nuôi cá tầm tại khu vực tỉnh Lâm Đồng, cá tầm nuôi trong nước phải mất 12-14 tháng mới có thể đạt trọng lượng 2kg. Tuy nhiên, cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc chỉ mất 6-7 tháng đã có thể đạt trọng lượng như vậy, thậm chí cao hơn do sử dụng phương pháp kích thích tăng trưởng.
Ông Tuấn, chủ nhà hàng HN (Q.3), cho biết liên tiếp nhận được lời chào mời mua cá tầm với giá rẻ từ các chủ vựa thủy hải sản. “Lúc đầu thấy giá rẻ tôi cũng hồ nghi nguồn gốc cá, sau khi gặng hỏi chủ vựa cũng thẳng thắn thừa nhận cá tầm Trung Quốc nhưng cam đoan chất lượng không khác cá tầm trong nước. Thế nhưng khi nấu ăn, chúng tôi đã bị khách quen mắng vốn vì cá tầm không có vị ngọt, không dai mà rất mềm, bở”.
Ông Nguyễn Văn Toản - giám đốc Công ty TNHH Trường Toàn, hội viên Hiệp hội Cá nước lạnh - khẳng định hiện nay cá tầm từ phía Bắc đưa vào TP.HCM tiêu thụ hầu hết là cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc. “Cá tầm có khá nhiều giống nên về hình dáng bên ngoài khó có thể phân biệt được cá tầm Trung Quốc và VN. Tuy nhiên, khi ăn thì có thể nhận ra ngay vì chất lượng cá tầm Trung Quốc rất kém. Nhiều đầu bếp lắc đầu ngán ngẩm khi làm món nướng bếp lửa tắt ngấm vì cá chứa lượng nước lớn, thịt ăn bở” - ông Toản cho hay. Ngoài ra ông Toản cũng cảnh báo về dư lượng chất độc hại trong cá bởi quy trình nuôi cá tầm Trung Quốc không đảm bảo và không được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng.
Hầu hết từ Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội TRẦN NGỌC VINH (Hải Phòng): “Rửa cá” là hành vi sản xuất hàng giả Tôi cho rằng không chỉ riêng cá tầm, mà trên thực tế chúng ta đã phát hiện rất nhiều mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng được nhập lậu từ Trung Quốc sang. Nguồn hàng không đảm bảo chất lượng được đem đi tiêu thụ trong nước thì tác động nguy hại nhất là đến sức khỏe người dân chúng ta. Với cá tầm, thông tin trên báo chí cho thấy có một khối lượng không nhỏ cá tầm Trung Quốc được nhập lậu vào nước ta đang gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với các nhà nuôi cá tầm trong nước. Câu hỏi đặt ra với các cơ quan kiểm soát nhập khẩu ở biên giới là tại sao lại để trót lọt hàng lậu, nguyên nhân tại sao và trách nhiệm thuộc về ai? Với những nơi có tình trạng nhập cá Trung Quốc về, thả xuống ao VN nuôi một thời gian rất ngắn rồi gắn mác VN để bán thì tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương kiểm tra làm rõ chuyện này. Hành vi “rửa cá” như báo chí nói, tôi cho rằng phải bị coi là hành vi sản xuất hàng giả. |
Ông Trần Văn Hào, chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng, cho biết sản lượng cá nước lạnh cả nước là 1.000 tấn/năm, trong đó 90% là cá tầm, còn lại là cá hồi. Tính ra mỗi ngày các công ty nuôi cá tầm của VN đưa ra thị trường 2-3 tấn cá tầm thương phẩm. Thế nhưng, theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Cá nước lạnh, mỗi ngày lượng cá tầm lậu từ Trung Quốc vào VN lên đến 10-15 tấn, trong đó lượng vận chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội vào TP.HCM khoảng 2-4 tấn/ngày. “Cơ quan quản lý buôn bán động vật hoang dã CITES, cơ quan thú y đều khẳng định không cấp phép nhập khẩu cá tầm sống vào VN, vậy cá tầm đang bán tràn lan tại thị trường VN ở đâu ra? Chỉ có thể là con đường nhập lậu” - ông Hào khẳng định.
Một số công ty sản xuất và kinh doanh cá tầm trong nước cũng khẳng định với một sản lượng lớn hơn nhiều lần cung trong nước và giá rẻ hơn nhiều, cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc đang giết chết ngành nuôi cá tầm non trẻ của VN. Ông Lê Anh Đức, tổng giám đốc Công ty Cá tầm VN - đơn vị có đàn cá tầm lớn nhất tại VN, cho biết cá tầm trong nước cạnh tranh không lại với cá tầm Trung Quốc không phải vì giá cá nội địa quá cao mà chính là do sự bất cập của các cơ quan quản lý. “Cá tầm Trung Quốc nhập lậu không phải chịu thuế, sang đến VN lại được một số đơn vị lập lờ nguồn gốc ghi là cá tầm VN để đánh lừa người tiêu dùng thì làm sao cá tầm trong nước có thể cạnh tranh được. Chúng tôi không phản đối cá tầm Trung Quốc nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu phải ghi rõ nguồn gốc nếu đó là cá tầm nhập khẩu để người tiêu dùng chọn lựa” - ông Đức nói.
Theo ông Trần Văn Hào, cá tầm đang nuôi ở VN đều là cá tầm thuần chủng có nguồn gốc từ Nga, là loại cá tầm lấy trứng với giá bán lên đến hàng ngàn USD/kg trứng. Trong khi đó, cá tầm Trung Quốc là cá tầm lai nuôi theo phương pháp công nghiệp, sử dụng nhiều loại thức ăn công nghiệp, thậm chí cả chất tăng trọng rất khó kiểm soát chất lượng, chưa kể trong quá trình vận chuyển người ta còn dùng thuốc ngủ để giữ cá sống lâu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Đức Quý, vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT), thừa nhận số lượng cá tầm nhập lậu vào VN thời gian qua khá nhiều. Việc nhập lậu chủ yếu được thực hiện qua một số tỉnh vùng biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... Ông Quý cho rằng đơn vị này chỉ quản lý về quy trình nuôi, còn việc cá tầm nhập lậu vào VN bằng đường nào, số lượng bao nhiêu thì không nắm được. “Trước tình hình cá tầm nhập lậu, chúng tôi cũng có đoàn lên các tỉnh biên giới phía Bắc để kiểm tra nắm tình hình. Ở cửa khẩu thì họ cũng không nắm được số liệu chính xác. Sau chuyến khảo sát, chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo tình hình với bộ và kiến nghị Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ Công an, hải quan, biên phòng vào cuộc, ngăn chặn cá nhập lậu” - ông Quý nói.
Ông Trần Cao Mưu, tổng thư ký Hội Nghề cá VN, thừa nhận cá tầm nhập lậu vào VN ngày một nhiều. Đặc biệt, gần đây xuất hiện tình trạng thương nhân Trung Quốc bắt tay với một số cơ sở chăn nuôi khu vực biên giới phía Bắc đưa cá tầm Trung Quốc vào VN để “rửa” thành cá tầm trong nước, đưa vào nội địa tiêu thụ. Trong đó, có hai công ty nuôi cá tầm ở Lai Châu và Yên Bái đang đóng vai trò là “trạm trung chuyển để rửa nguồn gốc cá tầm nhập lậu Trung Quốc”. “Hoạt động này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cá lạnh của VN, làm lẫn lộn giữa cá nuôi trong nước và cá nhập lậu. Chúng tôi đã có công văn gửi cơ quan chức năng của Bộ Công an vào cuộc điều tra để ngăn chặn cá tầm nhập lậu vào VN” - ông Trần Cao Mưu nhấn mạnh.
Hầu hết chuyển qua đường hàng không Theo các chuyên gia, có hàng trăm cách khác nhau để cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vận chuyển qua biên giới VN nhưng chỉ có một con đường để đưa vào phía Nam là đường hàng không. Bởi cá tầm rất dễ ra nhớt nên thời gian “nhốt” cá không thể lâu. Hiện chỉ có Hãng hàng không Vietnam Airlines nhận vận chuyển loại hàng ướt và chuyên dụng này vì cần đóng gói, bảo quản khá đặc biệt nhằm tránh việc tràn nước ra ngoài. Ông N., một đầu mối chuyên đưa cá tầm từ phía Bắc vào TP.HCM nhiều năm nay, cho biết cá tầm được đưa vào TP.HCM từ năm 2010 nhưng rộ lên là khoảng thời gian từ năm 2011. “Thời gian đó mỗi ngày trung bình chỗ tôi chuyển ít nhất 6 tấn cá tươi bằng đường hàng không với cỡ trung bình 2-3kg/con nhưng cũng có những mối đặt hàng cá loại 5kg/con. Hàng đưa vào bao nhiêu tiêu thụ hết ngay, chạy hàng không kịp” - ông N. cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận