Phóng to |
Ảnh: impacthiringsolutions.com |
Hiện em đang rất bối rối vì muốn làm trong ngành ngân hàng hoặc quản lý nhà hàng khách sạn, nhưng trong trường em chỉ được học những kiến thức bao quát về thương mại và du lịch, không đi sâu vào một lĩnh vực cụ thể nào.
Xin hỏi em cần phải học thêm những nghiệp vụ cần thiết nào để làm ở ngân hàng? Có một người quen nói với em là học tiếng Anh thương mại - du lịch có thể làm ở khâu thanh toán quốc tế hoặc giao dịch viên, có đúng không?
Với công việc quản lý nhà hàng khách sạn, khi mới ra trường em sẽ phải bắt đầu từ đâu (vì em nghe nói là phải bắt đầu từ công việc dọn phòng). Xin thông tin thêm là em có ngoại hình tương đối dễ nhìn, giao tiếp tốt, hoạt bát và đang là thành viên của ban chấp hành Đoàn khoa ngoại ngữ, học lực tương đối khá.
(Tuyết Hưng, TP.HCM)
- Chào bạn. Nếu bạn quan tâm đến những nghiệp vụ ngân hàng và mong muốn trau dồi, tùy theo từng tính chất công việc, bạn nên tìm hiểu và đăng ký học thêm những nghiệp vụ như sau:
+ Nghiệp vụ huy động vốn;
+ Nghiệp vụ tài sản có (nghiệp vụ ngân quỹ, nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ đầu tư…);
+ Nghiệp vụ tài sản nợ (nghiệp vụ tạo vốn, nghiệp vụ huy động vốn, nghiệp vụ vốn pháp định và các quỹ dự trữ…);
+ Nghiệp vụ cho vay;
+ Nghiệp vụ trung gian;
+ Mối quan hệ giữa các nghiệp vụ;
+ Sức hoàn trả của các ngân hàng thương mại...
Nếu bạn có thế mạnh là ngoại ngữ thì bạn nên liên tục học hỏi, duy trì và phát triển thế mạnh này của mình, do những vị trí trong các khâu như giao dịch và thanh toán quốc tế, ngoài nghiệp vụ ngân hàng thì phần tư vấn và phát triển đối ngoại là rất cần thiết.
Trường hợp bạn quan tâm đến nghề quản lý và điều hành khách sạn - nhà hàng, đây là ngành được đào tạo để phục vụ cho giới “VIP” hạng sang, do vậy nhóm ngành nghề này không chỉ nhấn mạnh yếu tố “tay nghề” mà còn hướng đến tiêu chí của một ngành kinh doanh.
Theo hầu hết các chuyên gia về đào tạo thì người quản lý khách sạn - nhà hàng là người phải biết quản lý và tổ chức các hoạt động của khách sạn - nhà hàng một cách hợp lý và hiệu quả. Người quản lý phải báo cáo kết quả tài chính, thu chi, lập ra quy tắc trong việc quản lý nhân sự, quản lý tỉ lệ phòng đã có khách ở và phòng còn trống, đồng thời quản lý việc chế biến thực phẩm, ăn, uống… Do mục tiêu cuối cùng của mọi khách sạn là chiến lược phát triển bền vững nên yếu tố kinh doanh rất được coi trọng.
Tất nhiên trong quá trình thực tập thực tiễn sẽ có những công việc mà bạn phải trải nghiệm qua để hiểu hết các chức năng công việc trong một hệ thống khách sạn - nhà hàng như: lau dọn, trải drap giường, dọn phòng… Theo tôi, những trải nghiệm này sẽ giúp các bạn trẻ theo đuổi ngành nghề này rèn luyện tính kiên nhẫn, có những nhận định và thái độ phục vụ tốt với khách hàng của mình trong tương lai.
Nếu thật sự bạn quan tâm, không ngại khó khăn, yêu thích công việc phục vụ và muốn vào làm trong các môi trường nhà hàng - khách sạn chuyên nghiệp, bạn có thể cân nhắc một số trung tâm đào tạo những công việc này để tham khảo và được tư vấn cụ thể hơn như:
+ Capital Education, chuyên cung cấp chương trình diploma quản lý nhà hàng - khách sạn của Tập đoàn giáo dục AEC, Singapore.
+ Khoa cao đẳng thực hành Trường ĐH Hutech
+ Trường trung cấp nghề du lịch Khôi Việt…
Cuối cùng, tôi có một lời nhắn nhủ dành cho bạn: dù sau này đã có nền tảng tốt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, bạn cũng đừng quên luôn tự thân vận động, nỗ lực học hỏi và làm việc để gặt hái được nhiều thành công từ nghề nghiệp mà mình đã chọn và theo đuổi.
Chúc bạn thành công!
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận