22/07/2018 09:41 GMT+7

Lâm Khem giúp trẻ đến trường

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Ông Lâm Khem ở ấp 10 (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) không chỉ làm kinh tế giỏi, nuôi các con ăn học thành tài mà còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ ở địa phương thực hiện ước mơ cắp sách đến trường.

Lâm Khem giúp trẻ đến trường - Ảnh 1.

Ông Lâm Khem và bức tranh được tặng từ nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và sau gần 38 năm xây dựng, tu sửa, hiện Trường tiểu học Lương Nghĩa 2 ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang trở nên khang trang, sạch đẹp, có sức chứa 300 em học sinh - Ảnh: CHÍ CÔNG

Anh Hai Khem làm việc ngay thẳng, ai cũng tín nhiệm, yêu mến. Anh có công giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh trẻ em nghèo hiếu học nơi đây để chúng được đến trường, trong đó có con tui

Ông Danh Trường

Lối vào nhà ông Lâm Khem là con đường bêtông kiên cố sạch đẹp, uốn lượn giữa cánh đồng lúa xanh mướt. Ông ở trong ngôi nhà khang trang theo kiểu Thái, vóc người nhỏ nhắn, mái tóc pha sương, tay chân rắn rỏi, làn da đen sạm nắng gió.

Tìm đất xây trường

Ông Lâm Khem kể sau năm 1975, cuộc sống của hơn 600 hộ dân đồng bào dân tộc Khmer ở ấp 10, xã Lương Nghĩa gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm 70%. Các hạng mục phục vụ nhu cầu dân sinh ở đây như: điện - đường - trường - trạm đều không có.

Xuất phát từ thực trạng trên và làm theo lời Bác dạy: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", năm 1980 ông Khem đã quyết định tìm cách giúp dân cải thiện tri thức bằng một nghĩa cử cao đẹp là hiến đất cất tạm hai phòng học để dạy chữ cho các em nghèo hiếu học tại địa phương.

"Hồi ấy, nghe có trường học tụi nhỏ vui lắm. Thấy các em học đông, tui mừng thầm trong bụng. Ngặt thay lúc đó phòng học nhỏ, mái lá che chắn tạm bợ, thầy cô khan hiếm. Các thầy, cô ở xa, tui xin đất địa phương cho ở tạm và làm kinh tế để an tâm công tác" - ông Khem kể.

Cứ thế mỗi ngày trôi qua, niềm vui nối tiếp niềm vui, ông Khem cũng không ngại gian khổ đến từng nhà, gặp từng hộ dân vận động các em đi học. Mặt khác, ông cũng tranh thủ những lần họp ở UBND xã Lương Nghĩa để có ý kiến xin cấp trên kinh phí xây cất thêm trường mới.

Đến năm 1990-1991 ông Khem xin được đất chùa. Ông chặt cây, dọn đất để chính quyền xây thêm ba phòng học (nay trở thành Trường tiểu học Lương Nghĩa 2). Tuy nhiên, số phòng vẫn không đủ để chứa lượng học sinh đang khao khát theo đuổi con chữ. Thế là ông tiếp tục tìm xin đất bằng mọi cách có thể để xây trường.

Cơ hội đã đến khi ông Khem biết mảnh đất trống của hộ dân gần UBND xã Lương Nghĩa muốn bán. Mảnh đất có diện tích rộng khoảng 3.000m2 và chính chủ bán 9 chỉ vàng 24k (thời điểm đó mệnh giá 270.000 đồng/chỉ).

Ông Khem chia sẻ: "Khi tìm được đất như ý muốn, tui vừa mừng vừa lo. Mừng vì các em sắp có thêm trường mới để học. Lo vì tui vận động các mạnh thường quân chỉ được có 3 chỉ vàng 24k. Số còn lại tui phải tự mình xoay xở, trong khi gia đình sống dựa vào 3 công đất ruộng. Nhưng thương tụi nhỏ quá, tui bèn nói với vợ rằng: "Bà làm phước ở đâu tui không biết. Riêng tui thì muốn làm phước ở đây. Bà làm ơn cho tui xin 3 chỉ vàng nghen". Vợ tui nói: "Làm phước gì mà 3 chỉ vàng, tương đương cả công đất lận ông?".

Khó khăn là vậy, cuối cùng ông Lâm Khem cũng thuyết phục được vợ đồng thuận và bắt tay xây dựng thêm trường mới vào năm 1997 (nay là Trường tiểu học Lương Nghĩa 3). Thế là vấn đề học hành của các em học sinh nghèo ở địa phương đã được giải quyết ổn thỏa.

Công lao thầm lặng

Ông Danh Trường, hộ dân ở cùng ấp 10 với ông Lâm Khem, cho biết: "Hồi đó giờ anh Hai Khem làm việc ngay thẳng, ai cũng tín nhiệm, yêu mến. Anh có công giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh trẻ em nghèo hiếu học nơi đây để chúng được đến trường, trong đó có con tui. Nhờ anh Hai Khem mà thằng nhỏ nhà tui ăn học đến nơi đến chốn và bây giờ có công ăn việc làm ổn định. Từ chỗ đó, không ít người dân địa phương ví von nói chính một mình ảnh đã vẽ nên bức tranh "làng đại học" trên mảnh đất nghèo".

Đến nay gần 40 năm trôi qua, công việc tuyên truyền và vận động các em học sinh nghèo hiếu học đến trường của ông Lâm Khem chưa bao giờ gián đoạn.

Hằng năm cứ đến ngày tựu trường, ông Khem đều liên lạc với các bạn bè cũ thân quen ở một số tỉnh thành khác như: Kiên Giang, TP.HCM để chuẩn bị những phần quà hữu ích như: viết, tập vở, xe đạp, quần áo... giúp đỡ các em học sinh nghèo quê ông. 

Năm học 2017 vừa qua, ông Khem cũng xin được 1.000 quyển tập và 150 phần quà gửi đến những gia đình có con đi học gặp khó. Với những món quà nhỏ đó, ông muốn chia sẻ và động viên các em hãy cố gắng học tập vì tương lai sau này.

"Tui bây giờ 72 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ bỏ trường học. Nghề này tui không bỏ đâu, chừng nào chết thì thôi chứ nếu còn sống là tui làm hoài" - ông Khem khẳng định.

Thầy Võ Hữu Thi, hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Nghĩa 2 (xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, Hậu Giang), cho biết từ lúc xây dựng đến nay Trường tiểu học Lương Nghĩa 2 luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương để phát triển quy mô. 

Hiện trường có 11 phòng học, tổng số học sinh khoảng 300 em theo học từ lớp 1-5. Số em đến lớp có sổ hộ nghèo chiếm 35%, các em thuộc diện người dân tộc chiếm 30%. Vì thế, 200 suất quà mỗi năm của ông Hai Khem gửi đến trường mang giá trị nhân văn rất lớn đối với học trò nơi đây.

Ông Lê Văn Tuấn, phó bí thư Đảng ủy xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ, Hậu Giang), nhìn nhận ông Lâm Khem là một trưởng ấp gương mẫu của xã suốt ba nhiệm kỳ, nay tuổi cao ông đã xin nghỉ. Không chỉ được bà con tín nhiệm, mến mộ mà ông còn tham gia Câu lạc bộ Gia đình dân tộc hiếu học, vận động các em hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Ngoài ra, ông Lâm Khem còn góp công sức, tiền của xây dựng những công trình phúc lợi xã hội như cầu, đường... giúp người dân đi lại thuận tiện. Theo ông Tuấn, ông Lâm Khem là một tấm gương sáng tiêu biểu của địa phương.

Bức tranh 50 triệu đồng

Ông Lâm Khem cho biết bức tranh mà nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trao tặng cho ông làm lưu niệm được nhiều người hỏi mua với giá 50 triệu đồng nhưng ông không bán. Theo ông, bức tranh đó không đơn thuần là vật để treo mà mang giá trị ý nghĩa nhân đạo rất lớn, sâu sắc. Đồng thời, đó cũng là chứng tích về những ngày tháng gian khổ mà ông Lâm Khem đã đối mặt và vượt qua.

Không chỉ có thế, ông còn nhận rất nhiều giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh Hậu Giang về việc có công ươm mầm tương lai cho cộng đồng.

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên