31/03/2019 08:35 GMT+7

Làm gì sau Giờ Trái đất?

CẨM PHÔ - TẤN KHÔI
CẨM PHÔ - TẤN KHÔI

TTO - Sau một giờ tắt đèn, rồi gì nữa? Không chỉ là một trào lưu, phải là lối sống giảm rác thải, tiết kiệm tài nguyên Trái đất?

Làm gì sau Giờ Trái đất? - Ảnh 1.

Thay vì mang về nhà hàng chục túi nilông, nhiều người đi chợ dùng các loại túi đựng tái sử dụng - Ảnh: CẨM PHÔ

Sống xanh, đâu chỉ một giờ, một ngày. Sống xanh, vì lợi ích cho mình và cho người, lợi ích hiện tại lẫn tương lai

TẤN KHÔI

Tôi từng tự hỏi: Tắt đèn một giờ liệu có thực sự giảm thiểu tác động của việc biến đổi khí hậu hay không?

Tắt đèn và chuyện rác nhựa

Điều đáng bận tâm sau Giờ Trái đất là: để có một giờ tắt đèn, người ta đã thải ra hàng triệu thứ khác cho việc tổ chức sự kiện này. Bao nhiêu chiếc áo tình nguyện, băng đầu... nhiều khi chỉ dùng một lần rồi bỏ.

Quạt nhựa, hộp xốp đựng thức ăn, chai nước nhựa sử dụng một lần đã góp phần làm cho các bãi rác thêm quá tải. Ngoài ra, khí CO2 tạo ra từ nến, từ khói xe của dân đi vui hội, chi phí cho ngày hội và chi phí khởi động hệ thống phát điện để tổ chức ca nhạc cũng là một nghịch lý cần phải xem xét.

Năm nay, nhiều hoạt động hữu ích Vì Trái đất xanh với quy mô lớn hơn. Những hội chợ trao đổi các vật phẩm, đồ dùng trong nhà; thu gom và hướng dẫn cách phân loại rác... được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, Cần Thơ...

Không dùng băngrôn, không biểu ngữ, không đồng phục, nhiều thanh thiếu niên còn đang học trong trường phổ thông đã sử dụng gáo dừa, lá dừa nước, lá chuối, chai nước cá nhân... để đựng thức ăn thay vì hộp xốp, muỗng nhựa, nước đóng chai. Điều này thật tuyệt vì đã giảm lượng rác phải dọn.

Một trong những thành phố có sáng kiến này là Hội An (Quảng Nam). Từ ngày 23 đến 30-3, những doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê có trong bản đồ Zero waste - Cuộc sống không rác thải sẽ giảm giá 5% hóa đơn để thúc đẩy lối sống xanh, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tính đến trưa 30-3, Hội An đã có hơn 60 doanh nghiệp tham gia bản đồ đặc biệt này.

Song song với các hoạt động dọn rác trên sông, ngoài bãi biển, ở các khu vực có nhiều du khách, ban tổ chức dự án thành phố sinh thái còn tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường trong hai ngày 30 và 31-3. Người dân, doanh nghiệp và du khách cùng tìm hiểu về các hoạt động bảo vệ môi trường, cách phân loại rác, hạn chế dùng đồ nhựa...

Làm gì sau Giờ Trái đất? - Ảnh 3.

Thay vì mang về nhà hàng chục túi nilông, nhiều người đi chợ dùng các loại túi đựng tái sử dụng - Ảnh: CẨM PHÔ

Không phải trào lưu, phải là lối sống

Những câu chuyện "sống xanh" ngày càng ấn tượng hơn với những cá nhân điển hình như một cụ già 80 tuổi nhặt rác bãi biển, hai học sinh ở Huế kiên trì nghiên cứu cốc (ly) thân thiện với môi trường, hoặc thầy giáo về Long An tạo nên làn sóng ống hút tre, cỏ bàng.

Những doanh nghiệp như Xanhshop, làng rau Thanh Đông (Hội An)... thực hiện việc cung cấp thực phẩm tươi trong lá chuối, túi giấy từ nhiều năm nay, nhiều nhóm bạn bền bỉ với lối sống xanh. Hi vọng những hành động vì môi trường sẽ không dừng lại ở một cuộc vui mà sẽ trở thành một thói quen sống.

Thực hành sống xanh, không phải là bạn phải bỏ hết đồ nhựa đi, mua một loạt thứ được cho là tốt, thân thiện. Rác thải đến từ chính nhu cầu của con người, nếu bạn muốn có nhiều hơn cái bạn cần thì sẽ gây ra lãng phí và rác. Có thể tận dụng tối đa những gì bạn có tốt hơn nhiều việc sắm một thứ mới.

Sống xanh như thế nào để hợp với phong cách sống và thói quen của bản thân, từng người phải tự thử và tự tìm ra cách riêng của mình. Ai cũng cần có bạn đồng hành để khích lệ họ vượt qua thói quen lệ thuộc vào sự tiện dụng của đồ nhựa một lần, cùng hình thành thói quen mới.

Có thể ngẫm nghĩ một chút trước khi mua một sản phẩm mới, cân nhắc về lượng rác thải mình sẽ quăng ra môi trường và chọn sản phẩm, chọn cách mua để xả rác ít nhất, rác nào dễ phân hủy hơn.

Thay vì chỉ làm mỗi năm tắt đèn một lần và một giờ, bạn bè tôi làm mỗi ngày những việc: rút các phích cắm ra khỏi ổ điện sau khi dùng hoặc nếu không cần dùng đến.

Việc duy trì cắm điện tivi, máy sấy, nồi đun nước siêu tốc, quạt, máy rửa/sấy chén... khiến một lượng lớn điện năng bị thất thoát cũng như giảm độ bền của thiết bị. Bạn có thể kiểm chứng hóa đơn điện của gia đình mình sau một tháng với cách làm như tôi xem sao.

Sống xanh đâu chỉ một giờ

Những ngày tháng 3, trên nhiều góc phố, ngã tư ở TP.HCM, vào giờ tan tầm hay đầu ngày đi làm tôi lại bắt gặp một hình ảnh quen thuộc: các bạn sinh viên, thanh niên đứng chia sẻ thông điệp tắt điện một giờ, tiết kiệm điện, tắt xe máy nếu dừng đèn đỏ quá 20 giây...

Tôi trò chuyện với một tình nguyện viên vài lần tham gia chia sẻ thông điệp Giờ Trái đất, bạn cho rằng: "Đó là hoạt động tốt nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, mọi thứ sẽ trôi đi vội vàng và không thể tạo thành nếp sống". Bạn đã dần ý thức hơn trong việc tắt điện ở nhà vệ sinh công cộng, tắm nhanh hơn và xả nước giặt đồ vừa đủ, tận dụng nước rửa tay để tưới cây...

Sự kiện Ngày Trái đất (22-4-2018) ở TP.HCM, các chuyên gia về môi trường đã nêu ra một con số báo động về rác: lượng rác thải ở Việt Nam gần 120.000 tấn/ngày. Lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày gần 18.000 tấn.

Những con số về thực trạng kinh khủng về rác, mỗi thứ góp một ít khiến chất lượng không khí, nguồn nước bị ảnh hưởng. Ai nghe qua cũng có thể giật mình. Nhưng rồi thì sao?

Đi chợ, thay vì chỉ cần đựng đồ vào một túi nilông, chúng ta đòi hỏi người bán bỏ thêm vào một bao nữa cho chắc, về nhà vứt ngay vào sọt rác. Rất nhiều thói quen và sự vô tư của mình đã góp phần vào việc làm cho môi trường sống tệ hơn.

Nhìn rộng ra, trong quá trình phát triển, những "đoàn tàu tro xỉ" vẫn chạy ầm ầm về phía trước với sự hào hứng về những chỉ số phát triển kinh tế nhưng chỉ số về môi trường thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam, nêu rõ: thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam được ước tính vào khoảng 5% GDP, hoặc tương đương 10 tỉ USD/năm. Việc lạm dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, thuốc trừ sâu, không quan tâm trong xử lý chất thải trong sản xuất là điểm trừ đáng nói.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kêu gọi toàn dân tiết kiệm năng lượng Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kêu gọi toàn dân tiết kiệm năng lượng

TTO - Đúng 20h30, nhiều khu vực, toà nhà tại Hà Nội đã cùng tắt đèn 1 giờ đồng hồ để hưởng ứng Chiến dịch 'Giờ trái đất' 2019. Tương tự, tại TP.HCM, hàng ngàn bạn trẻ cũng đã tham gia tắt điện 1 giờ.

CẨM PHÔ - TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên