24/11/2017 17:49 GMT+7

Làm gì để 'trị' người giúp việc hay đánh trẻ?

SAOMAI PHAM
SAOMAI PHAM

TTO - Theo bạn đọc Saomai Pham, sau vụ việc một bé 1 tháng tuổi bị người giúp việc bạo hành, những câu chuyện về người giúp việc được mang ra mổ xẻ nhiều. Có phải người giúp việc nào cũng xấu? Làm cách nào để 'trị' họ?

Làm gì để trị người giúp việc hay đánh trẻ? - Ảnh 1.

Người giúp việc liên tục có hành vi hành hạ cháu bé gây phẫn nộ cao độ trong dư luận - Ảnh cắt từ clip

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Saomai Pham.

"Có thể nói ở Việt Nam có bao nhiêu gia đình có nuôi người giúp việc thì có bấy nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười, dở thương dở giận về họ".

Saomai Pham

Tỉ lệ có bao nhiêu phần trăm người giúp việc thật thà, chăm chỉ, tận tâm... chưa bao giờ được thống kê. Nhưng, những câu chuyện về những người giúp việc lười biếng, gian dối, thậm chí là nhẫn tâm ác độc thì nhiều vô kể.

Ngoài câu chuyện một người giúp việc đứng tuổi được camera gia đình ghi lại cảnh bà ta hành hạ một bé gái mới hơn một tháng tuổi gây phẫn nộ cao độ trong dư luận, người viết kể thêm ra ở đây một vài trường hợp được tận mắt chứng kiến chứ không phải là chuyện nghe người khác kể để rồi bị tam sao thất bản.

Trường hợp thứ nhất là cô giúp việc trẻ tầm độ 20, 22 tuổi, chưa có gia đình trông em bé từ khi mới được mấy tháng tuổi cho đến khi đứa trẻ đủ tuổi đi học mẫu giáo.

Chắc bị áp lực bởi phải nuôi em bé sao cho bụ bẫm lên cân. Cũng có thể cũng bởi không muốn mất thời gian cho việc dỗ dành một con bé con ăn ngày mấy bữa nào chính nào phụ nên cô giúp việc này có kiểu cho em ăn rất kỳ quái.

Ấy là cô ta dằn ngửa con bé ra, kẹp cứng nó lại rồi bắt nó há mồm để liên tục dốc vào mồm con bé đủ định mức ăn uống.

Kết quả cuối cùng thì không chê vào đâu được: cho ăn thứ gì hết thứ nấy. Con bé không gầy còm yếu ớt. Nhưng phải chứng kiến việc cô ta cho ăn mới thấy hãi hùng, thậm chí là ám ảnh mãi không thôi.

Đấy là lý do khi ăn, cô giúp việc này kéo con bé vào một chỗ khuất nẻo, chỉ có hai chị em để tự do ''tống táng'' đồ ăn vào mồm con bé. Không ít lần con bé bị sặc, rồi khóc lóc, trốn chạy.

Nhưng thoát làm sao được một cô gái đang dồi dào sức vóc lại dư thừa trợn mắt trợn mũi với những lời đe dọa. Con bé con bị khuất phục. Bố mẹ nó đi làm về luôn lấy làm an tâm vì con mình đã được ăn hết ăn đủ...

Trường hợp thứ hai cũng là một người giúp việc khoảng 45-50 tuổi, có gia đình con cái ở quê và đã làm cho một gia đình giàu có, sung túc đến tận 6 năm. Chủ nhà tin cậy chị ta đến mức thăng chức lên thành ''Mama đại tổng quản''- nghĩa là quản gia nhất mực tin cậy, có thể giao tay hòm chìa khóa đúng với nghĩa đen của từ này.

Một ngày đẹp trời, khi cả nhà gia chủ đi chơi xa về, thấy quản gia biến mất, két bị phá, 600 triệu tiền mặt không cánh mà bay cùng với nhiều đồ đạc đắt tiền khác.

Ngay lập tức chủ nhà về quê người giúp việc của mình và thật ngạc nhiên, họ được chính nghi phạm ăn cắp thản nhiên đón tiếp cùng với sự lạnh lùng thừa nhận mình đã khoắng đồ và trộm tiền của gia đình chủ nhà!

Tại sao lại có chuyện như trong phim thế? Câu trả lời là bà ta chỉ làm cái việc lấy của người giàu cho người nghèo là gia đình bà ta mà thôi.

Hơn thế, kẻ trộm còn nhâng nháo thách gia chủ báo công an, vì khi đó bà ta sẽ khai ra những số tiền bất minh mà chủ nhà có được. Với thâm niên 6 năm ''công tác'' - chắc chắn không chuyện gì trong nhà mà bà ta không biết cả.

Kết quả cuối cùng như thế nào thì chúng ta cũng có thể đoán ra được: chủ nhà ngậm đắng nuốt cay ra về sau khi đã dỗ ngon dỗ ngọt. Dỗ dành vậy thôi nhưng không dám báo để cho công an vào cuộc. Vậy là... kết thúc ngoạn mục một ''chuyên án''.

Vấn đề đặt ra là nguyên nhân gì khiến cho những người giúp việc thản nhiên tàn nhẫn với trẻ con, hoặc trơ tráo ăn cắp ăn trộm và những chuyện xấu xa khác?

Trước hết vì họ hiểu gia chủ cần họ. Hầu hết các gia đình có con nhỏ đều có nhu cầu gửi con cho người khác chăm sóc để mình đi làm.

Nắm được nhu cầu ấy nên người giúp việc thoải mái thao túng những ông chủ bà chủ của mình bằng cách lâu lâu lại đòi tăng lương; nghỉ lễ nghỉ tết cũng như ma chay giỗ chạp, cưới xin... thì không muốn lên làm việc tiếp nữa nếu những yêu sách không được đáp ứng.

Nguyên nhân kế tiếp phải kể đến là việc dường như mọi người giúp việc đều nghĩ có sự không công bằng về gia cảnh giữa gia đình họ và gia đình chủ nhà. Họ thấy bất công bởi suy nghĩ ''sao cùng một kiếp người lại có người sướng đến thế mà mình thì khổ?''.

Vậy là cứ có cơ hội họ lại ''hành hạ'' chủ nhà cho bõ tức. Sự trút giận này đổ vào việc hành hạ trẻ con như trường hợp mới gần đây thôi, hoặc họ sẽ làm việc nhà cẩu thả, gian dối, kể cả trộm cắp tài sản nếu có cơ hội.

Giải pháp nào cho những người giúp việc kiểu này?

Có lẽ việc đầu tiên là phải bảo đảm từ nguồn cung cấp lao động giúp việc nhà và nhất thiết phải qua khám xét sức khỏe, kể cả sức khỏe tâm thần của người lao động.

Đừng vì quá cần người giúp việc mà tuyển bừa, tuyển ẩu để rồi con mình khổ, của cải thì không cánh mà bay như hai trường hợp đã nêu ở trên.

Việc cần thiết tiếp theo là công khai những biện pháp an ninh như cài đặt camera ở khắp nhà cho người giúp việc hiểu là nhất cử nhất động của họ đều bị camera giám sát. Tất nhiên là phải có biện pháp đi kèm phòng khi họ thừa ma mãnh để vô hiệu hóa những camera giám sát.

Mục đích cuối cùng là thêm một người tốt ở trong gia đình, một người làm việc được hưởng lương được yêu quý chứ không phải là ''nuôi ong tay áo'' để đến một ngày đẹp trời nào đấy mới phát hiện ra những hành vi xấu xa gian trá của họ.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có suy nghĩ gì về điều này? Mời bạn chia sẻ trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

SAOMAI PHAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên