17/08/2018 10:49 GMT+7

Làm gì để nông sản bớt nhiễm độc?

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện

TTO - Xung quanh câu chuyện lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đang diễn ra phổ biến, tiến sĩ Nguyễn Thị Phong Lan - trưởng bộ môn BVTV, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long - đã có những gợi mở về giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Làm gì để nông sản bớt nhiễm độc? - Ảnh 1.

Nông dân huyện An Phú, An Giang thu hoạch lúa đầu tháng 8-2018 - Ảnh: C.QUỐC

Bà Lan cho biết đang có thực trạng nông dân sử dụng thuốc BVTV giống như bác sĩ cho kháng sinh bủa vây đối với một loại bệnh. Nông dân sản xuất lúa và các loại nông sản hiện nay cũng bị các đại lý bán thuốc BVTV cho "toa thuốc" như vậy.

Đại lý "kê toa" cho nông dân

* Thực tế ghi nhận nông dân đang "nghiện" xài thuốc BVTV, theo bà, vì sao thói quen này vẫn chưa thể thay đổi?

- Điều này liên quan tới kỹ thuật xử lý thuốc BVTV của bà con không đúng. Trong nguyên tắc xử lý thuốc BTVT đơn giản là thực hiện "bốn đúng" (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách), nông dân nói ra rả mà không làm đúng. 

Theo Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, ngành nông nghiệp các nước châu Á mà Việt Nam là đứng đầu, nhà nước đổ vào rất nhiều tiền để tập huấn cho nông dân nhưng kết quả vẫn không làm được.

Chẳng hạn, quan trọng nhất là "đúng thuốc" thì nông dân chưa biết dùng thuốc nào để trị bệnh trên ruộng mà phụ thuộc hoàn toàn vào đại lý bán thuốc, giống hệt như đi bác sĩ vậy, một bên là người bệnh khai bệnh, một bên là bác sĩ kê toa và bốc thuốc. 

Mà đại lý kinh doanh thì muốn có lợi nhuận là chính, nên muốn bán các sản phẩm có chiết khấu cao, hoa hồng nhiều. Việt Nam không thiếu các công ty sản xuất thuốc BVTV tốt, nhưng do không có hoa hồng hay chiết khấu cao nên bị gạt sang một bên, và đại lý "ra toa" cho một loạt hoạt chất tương tự như vậy. Nghi ngờ cánh đồng đó bị gì thì đại lý cho nông dân "một toa" dày đặc các loại thuốc giá rẻ, nên nông dân mua không ngán.

* Theo bà, lỗi do đâu mà nông dân không thể làm theo "bốn đúng"?

- Quy lỗi cho ai thì rất khó vì nền nông nghiệp của mình là nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Bà con nông dân đều hiểu sử dụng thuốc BTTV một thời gian thấy ô nhiễm, thậm chí một số người đi phun thuốc khoảng 3 năm thì thấy mệt quá dù tuổi còn rất trẻ.

Điều cần nhớ là bất cứ dịch hại nào cũng yêu cầu kết hợp nhiều biện pháp kỹ thuật chứ không đơn thuần là giải pháp thuốc. 

Nếu áp dụng biện pháp kỹ thuật tốt như: làm đất kỹ, sạ thưa, bón phân vừa phải thì cũng đã giảm rất nhiều áp lực sâu bệnh, dẫn đến ít dùng thuốc BVTV. Sạ dày, ẩm ướt, tán lá phủ nhiều thì sâu bệnh nào cũng xuất hiện, nhưng nông dân bị nhiều áp lực như sợ sạ ít thì không đủ bù công cấy giặm, trừ hao cho dịch hại, ốc bươu vàng tấn công...

* Nông dân đang "rối" khi các loại thuốc BVTV bủa vây, trong khi chúng ta có mạng lưới cán bộ khuyến nông rộng khắp. Vậy tại sao nông dân và cán bộ khuyến nông chưa "gặp nhau"?

- Thử hỏi, lương cán bộ khuyến nông một tháng bao nhiêu, và họ có thể trụ lại với nghề bao lâu? Tôi biết có những người làm vài năm thì nghỉ, rồi người mới vô thay. Mà người mới vô thay lại chưa có kinh nghiệm, chưa có kiến thức, đi tập huấn cho nông dân - là những người rất có kinh nghiệm, vậy có thể tin? 

Trong khi đó, các công ty sản xuất thuốc BVTV phát triển mạng lưới cộng tác viên rộng khắp xuống tới nông dân để tiếp thị, mà đa số lại hướng dẫn dân sử dụng... thuốc BVTV. Mình trách nông dân cũng tội cho họ, mà trách cán bộ khuyến nông cũng tội. Còn nhà khoa học thì thật sự rất mỏng so với quy mô sản xuất.

Làm gì để nông sản bớt nhiễm độc? - Ảnh 2.

TS Nguyễn Thị Phong Lan - trưởng bộ môn BVTV, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long - ảnh: CHÍ QUỐC

Doanh nghiệp cần có tâm

* Bà đánh giá như thế nào về ý kiến cho rằng nhiều nhà nhập khẩu thuốc BVTV vì hám lợi mà đi đầu độc, gây tội ác?

- Tôi nghĩ kinh doanh mà không có lãi thì không ai làm. Tuy nhiên kinh doanh cũng có đạo đức của người kinh doanh, và tôi cho rằng không ai dại gì đi nhập hoạt chất đã có những thông tin độc hại, nhưng do có nhu cầu của thị trường nên họ vẫn nhập. 

Trước mắt, người sử dụng hãy làm theo khuyến cáo mà ta hay nghe nói: "Hãy là người tiêu dùng thông minh". Khi mình không dùng, người ta không bán được thì cũng không nhập về làm gì.

* Là người làm công tác khoa học, bà có khuyến cáo gì với nông dân và nhà quản lý?

- Như tôi đã nói, kỹ thuật trong sử dụng thuốc BVTV là rất quan trọng, trong đó phải sử dụng kỹ thuật canh tác cho đúng, kết hợp sử dụng giống tốt, chăm sóc cây cho khỏe. Khi sử dụng thuốc BVTV phải theo "bốn đúng" mà một trong "bốn đúng" đó là chọn thuốc đúng.

Một vấn đề cần nói nữa là nông dân cần phải hiểu đúng về dư lượng trong thuốc BVTV. Dư lượng là mức độ tồn dư không mong muốn (sử dụng rồi vẫn còn), cái này căn cứ vào chỉ tiêu MRL (giới hạn tối đa của dư lượng cho phép), khi quá mức tối đa thì có thể gây độc đối với người sử dụng. 

Tôi thấy trước đây mình sử dụng thuốc hóa học không quan tâm tới cái này, chỉ nghĩ sử dụng thuốc hóa học là để bảo vệ cây trồng của mình thôi, nhưng người dân cần nhất là MRL cho sản phẩm của mình ở mức nào. Sắp tới, cán bộ ở địa phương nên quan tâm tới định mức này để hướng dẫn cho bà con.


Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - nguyên phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng:

Làm hữu cơ cần doanh nghiệp dẫn đầu, biết hi sinh

Cái khó của mình là nông dân làm cá thể. Ở Mỹ, Anh thì họ làm cả trăm ngàn hecta, chuyển một cái rất dễ. Nên chuyện sản xuất hữu cơ được hay không cái chính là chuyện của doanh nghiệp, của nhà nước, không phải của nông dân. Nông dân sản xuất theo nhu cầu xã hội, ai cam kết, có quyền lợi cho họ thì họ thực hiện.

Theo tôi, trước hết là ở các sở NN&PTNT, sau đó doanh nghiệp là đơn vị tổ chức thực hiện, đảm bảo đầu ra, còn nông dân là người "chấp hành" thôi. Muốn làm được thì cán bộ quản lý ngành nông nghiệp phải "thông" trước đã. Nói có vướng gì không thì có, nhưng không phải không làm được.

Về thị trường nông sản hữu cơ do còn làm lẻ tẻ chưa có sản phẩm với số lượng lớn nên còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Chẳng hạn tôi trồng 9,6ha lúa hữu cơ thì chi phí cao. Tổng các chi phí gồm phí phân tích, phí tư vấn, phí kiểm tra đánh giá và phí cấp chứng chỉ tổng cộng hơn 400 triệu đồng. Sản lượng được trên diện tích này hơn 30 tấn.

Do chi phí cao nên buổi đầu mình không dám làm lớn, vì làm nhiều thì rủi ro càng cao. Muốn làm hữu cơ thì phải có doanh nghiệp đi tiên phong, phải biết hi sinh, chấp nhận chịu lỗ trong vài năm đầu.

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên