06/07/2020 09:00 GMT+7

Làm gì để lãnh đạo 'nóng ruột lên' giải ngân nhanh

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Với thước đo cắt vốn, nếu làm nghiêm, có giám sát, những lãnh đạo địa phương quen nóng ruột qua lời nói không còn đất diễn.

Tình huống xấu nhất, kinh tế thế giới vẫn bị đại dịch COVID-19 bủa vây; trong nước, chúng ta vẫn ì ạch giải ngân vốn đầu tư công, ODA..., tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm không như mong đợi, số người mất việc, mất thu nhập sẽ tăng lên, thêm doanh nghiệp khó khăn.

Vì vậy, giải ngân vốn đầu tư công, tăng trưởng GDP không còn là chuyện vĩ mô, mà liên quan đến thu nhập, chén cơm của mọi gia đình. Để không rơi vào tình huống xấu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc lãnh đạo các địa phương: "Các đồng chí phải nóng ruột lên".

Lãnh đạo địa phương nóng ruột, người dân được gì? Nhiều công trường dùng vốn ngân sách để làm đường, xây bệnh viện, trường học, thoát nước, khu giải trí sáng đèn. Kéo theo đó là các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng hoạt động hết công suất. Công nhân có việc làm, tiền lương rủng rỉnh, chị bán quán cơm trước công trường có đồng ra đồng vào, mua sắm nhiều hơn... 

Chúng ta có gần 700.000 tỉ đồng (khoảng 30 tỉ USD) vốn đầu tư công. Nếu giải ngân hết trong năm nay, hàng chục triệu người dân đều có phần trong số tiền đó. Ngược lại, chậm giải ngân, tiền không lan tỏa ra nền kinh tế, một bộ phận người dân rơi vào đói nghèo, thiếu thốn.

"Các đồng chí phải nóng ruột lên". Làm thế nào để biết lãnh đạo địa phương nóng ruột, hay chỉ nóng để "biểu diễn", "nóng qua lời nói"? 

Giải ngân vốn đầu tư công chính là thước đo của sự nóng ruột, đánh giá lãnh đạo địa phương có cố gắng gấp 10 như mong muốn của Thủ tướng. 

Theo quy định, Thủ tướng sẽ cắt vốn của những dự án chậm, chuyển sang dự án đúng tiến độ, cần thêm vốn. Làm dở mới bị cắt vốn. Vì vậy, phải công bố danh sách dự án đầu tư công bị cắt vốn để cử tri chất vấn, đánh giá "cấp độ nóng ruột", hiệu quả điều hành của lãnh đạo địa phương. 

Thậm chí không chờ khi cắt vốn mới công bố, có thể đưa ra cảnh báo sẽ cắt vốn nếu người có trách nhiệm không "xắn tay áo lên" để người dân chất vấn, thúc cơ quan chức năng chuyển động, tránh bị cắt vốn.

Người dân có quyền biết dự án bị cắt vốn để đánh giá lãnh đạo, bởi vốn đầu tư công phần lớn dùng để xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội... giúp tăng chất lượng cuộc sống người dân. Vốn bị cắt đi, chất lượng cuộc sống giậm chân tại chỗ, phải có người chịu trách nhiệm và phải xử lý.

Lúc này không thể đổ cho lỗi chung chung như dự án chậm do vướng giải phóng mặt bằng. Đúng là giải phóng mặt bằng đã làm đình trệ nhiều dự án đầu tư công. Nhưng Thủ tướng đã giao nhiệm vụ này cho lãnh đạo địa phương, đủ quyền hành, xắn tay giải quyết những việc "khó nhằn" nhất, không đẩy cho cấp dưới để tránh va chạm, sợ mất phiếu. 

Chính phủ còn cho phép một số địa phương thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng rút gọn. Như vậy, lãnh đạo địa phương đã có đủ "đồ nghề" để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. 

Điều cần bổ sung, cũng là sòng phẳng, là cần có biện pháp bảo vệ những cán bộ, lãnh đạo đã quyết liệt, nóng ruột vì việc chung, không vì tư túi hay lợi ích nhóm để họ vượt qua tâm lý "linh hoạt quá hóa sai", yên tâm và tự tin làm việc.

Với thước đo cắt vốn, nếu làm nghiêm, có giám sát, những lãnh đạo địa phương quen nóng ruột qua lời nói không còn đất diễn.

Giải ngân vốn ODA ở TP.HCM chậm do COVID-19 Giải ngân vốn ODA ở TP.HCM chậm do COVID-19

TTO - Tính đến tháng 6, lũy kế giải ngân vốn ODA của TP HCM mới đạt 1.601 tỉ đồng, chiếm 10,31% kế hoạch vốn giao. Một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là do đại dịch khiến các chuyên gia nước ngoài không thể vào VN làm việc.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên