Dự án chống ngập do triều cường và biến đổi khí hậu khu vực cầu Tân Thuận, quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây là thông tin được ông Trần Xuân Hà, thứ trưởng Bộ Tài chính, đưa ra tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, tổ chức hôm 25-6.
Theo ông Hà, tính đến hết ngày 24-6, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được giải ngân mới đạt 7.427 tỉ đồng, chỉ đạt khoảng 13% so với tổng số vốn được giao là 60.000 tỉ đồng.
Phải tập trung giải ngân
Tại buổi họp, ông Trương Hùng Long - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - cho biết trong sáu tháng đầu năm, Bộ Công thương và 10 địa phương gồm: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai và Tiền Giang vẫn chưa giải ngân được 1 đồng vốn cấp phát đầu tư công từ vốn vay nước ngoài.
Riêng TP.HCM, do đang có vướng mắc trong việc hoàn tiền vốn ứng cho 3 dự án (metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 và vệ sinh môi trường TP.HCM) với tổng trị giá 4.600 tỉ đồng nên tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 4,13%.
Tuy nhiên, nếu giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng, tỉ lệ giải ngân chung của TP.HCM sẽ nâng lên tới 40%.
Giải thích lý do giải ngân chậm, ông Long cho rằng do tác động bởi COVID-19, các chuyên gia nước ngoài không thể vào VN để tham gia dự án.
"Các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch do các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài..." - ông Long nói.
Ngoài ra, nhiều dự án lớn phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, lập hồ sơ rút vốn trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Hà, tỉ lệ giải ngân vốn ODA đạt thấp là do chủ quan của các địa phương và bộ, ngành.
"Vốn được giao rất sớm, ngay từ đầu năm nhưng đến nay một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phân bổ hết vốn cho từng dự án, chưa kể các thủ tục triển khai chậm trễ từ giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đàm phán các nhà tài trợ, ký kết hợp đồng..." - ông Hà nói, đồng thời đề nghị phải tập trung giải ngân tốt vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ưu tiên vốn cho dự án hạ tầng
Bà Phạm Thị Hồng Hà - giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - cho biết đến hết tháng 7-2020, TP.HCM có thể giải ngân vốn ODA vay lại được khoảng 7.630 tỉ đồng, đạt 53,76% kế hoạch nếu được giải quyết các vướng mắc.
Theo đó, cho phép ưu tiên giải ngân vốn đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông môi trường có quy mô đầu tư lớn.
Các bộ, ngành liên quan cần quyết định tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm cho chi đầu tư phát triển phù hợp với thực tế của dự án ODA và tiến độ cam kết giải ngân với nhà tài trợ; thống nhất giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chưa giải ngân cho dự án là 17.814 tỉ yen Nhật.
Bộ Tài chính nên chấp thuận việc dùng vốn ODA vay lại để giải ngân cho TP với số tiền đã tạm ứng các dự án là 4.149 tỉ đồng.
"Với dự án xây dựng tàu điện ngầm số 2 tuyến Bến Thành - Tham Lương, đề nghị Bộ Tài chính xem xét gia hạn thời gian giải ngân đến ngày 30-12-2026 và điều chỉnh lịch trả nợ của hai khoản vay WB đến ngày 30-9-2027" - bà Hà đề xuất.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Hùng - phó vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ NN&PTNT - đề nghị báo cáo Thủ tướng giảm 1.808 tỉ đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 đã giao cho Bộ NN&PTNT để chuyển cho những dự án khác có nhu cầu.
"Bộ NN&PTNT đã có 2 văn bản đề nghị được trả lại số tiền này nhưng chưa được chấp nhận, chứ không phải là giải ngân chậm" - ông Hùng cho biết.
* Ông Trần Xuân Hà (thứ trưởng Bộ Tài chính):
Tập trung vốn cho dự án giải ngân tốt
Các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu của từng dự án. Cần tập trung vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, dự án sắp hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Nếu dự án nào không đủ khả năng giải ngân, đề nghị chuyển dự toán cho các dự án có khả năng giải ngân tốt để tận dụng nguồn vốn tốt nhất có thể. Bộ KH-ĐT cần sớm tổng hợp các yêu cầu cắt giảm vốn của các bộ, ngành và địa phương để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định.
Nếu cần thiết sẽ điều chuyển vốn cho dự án của các bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng giải ngân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận