16/03/2021 09:12 GMT+7

Lãi suất VND tăng lại

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Sau cú phát pháo của hai ngân hàng lớn là Techcombank và VPBank, hàng loạt ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động, đưa lãi suất lên mặt bằng mới.

Lãi suất VND tăng lại - Ảnh 1.

Lãi suất được niêm yết tại ngân hàng ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đáng chú ý trong đợt điều chỉnh này, bên cạnh những ngân hàng lớn tăng lãi suất thì một số ngân hàng đã hạ lãi suất như OCB, Đông Á do mức lãi suất áp dụng trước đó quá cao.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy dù các ngân hàng đang bước vào đợt tăng lãi suất song so với trước đây, mức lãi suất huy động hiện vẫn còn ở mức thấp. Mức lãi suất huy động mà các ngân hàng áp dụng toàn thị trường hiện nay cao nhất chỉ khoảng 6,8%/năm ở một số ngân hàng quy mô nhỏ như SCB, OCB. 

Việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh lạm phát của tháng 2 tăng với tốc độ cao nhất trong 8 năm qua khiến lo ngại lạm phát tăng cao sẽ đẩy lãi suất huy động và cho vay lên cao.

Về vấn đề này, ThS Trần Kim Long, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn dịch khiến nhu cầu mua sắm và nhu cầu tín dụng tăng, nên áp lực lạm phát sẽ tăng trong năm 2021.

Trong khi đó, theo báo cáo mới mang tên "Lạm phát sẽ đi đến đâu?" vừa được công bố, HSBC cho rằng tuy đà lạm phát của tháng 2 tăng với tốc độ cao nhất trong 8 năm qua, lạm phát trung bình vẫn duy trì sự ổn định. 

Giá lương thực thực phẩm đang điều chỉnh do giá thịt heo đã bình ổn, có nhiều khả năng sẽ bù đắp những tác động do giá dầu tăng cao gây ra. Trong khi đó, lạm phát từ phía nhu cầu sẽ phục hồi, nhưng có khả năng sẽ tăng chậm hơn do thị trường lao động vẫn tiếp tục suy thoái.

- Sacombank vừa tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1 - 0,2%/năm. Sau điều chỉnh, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng ở mức 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng ở mức 3,4%/năm. Kỳ hạn 6 và 12 tháng lãi suất lên mức 4,8%/năm và 5,6%/năm, còn kỳ hạn 36 tháng lãi suất ở mức 6,3%/năm.

- SCB cũng vừa điều chỉnh lãi suất, theo đó lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đồng loạt ở mức 3,95%/năm, chỉ thấp hơn 0,05% so với mức trần. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất ở mức 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm.

- Theo biểu lãi suất mới nhất, Ngân hàng Đông Á đã giảm 0,2%/năm ở tất cả kỳ hạn, đưa lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng về mức 3,4%/năm. Các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng lãi suất cũng dao động từ 5,3 - 5,8%/năm. Còn OCB giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng với mức giảm 0,3%/năm.

- Tại Ngân hàng Nam Á, mức lãi suất cao nhất là 6,7%/năm, trong khi ở các "ông lớn" như BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank mức lãi suất huy động cao nhất chỉ là 5,6%/năm, nhóm các ngân hàng cổ phần lớn mức lãi suất huy động cao nhất dao động từ 6,1 - 6,2%/năm.

Lo "nhập khẩu" lạm phát

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 11-3 tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc in tiền để hạ chi phí vay trong khối sử dụng đồng tiền chung euro, một tín hiệu nhằm trấn an thị trường rằng cơ quan này quyết tâm tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế hồi phục. ECB cũng khẳng định sẽ mạnh tay chi tiêu Chương trình thu mua khẩn cấp đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỉ euro để có tiền cứu nền kinh tế.

Theo một số chuyên gia, các nước đang "thế chấp" tương lai tiền tệ và kinh tế với hi vọng vực dậy kinh tế sau đại dịch. Những chính sách chi tiêu và in tiền vô độ có thể phải trả giá, kinh tế vào suy thoái sâu hơn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng thừa nhận gói giải cứu 1.900 tỉ USD của Mỹ có thể làm nền kinh tế bị "quá nhiệt" và làm tăng lạm phát, gây sức ép lên giá cả tiêu dùng.

South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích kinh tế châu Á Anthony Rowley lo ngại việc thế giới đã vay kỷ lục 281.000 tỉ USD trong thời gian đại dịch, tức 355% kinh tế toàn cầu, và nhiều công ty đang bám vào các khoản vay từ chính phủ để tránh phá sản. Các gói kích thích kinh tế ngược lại có nguy cơ khiến các công ty lún sâu vô nợ.

Trong khi đó, giá dầu thô thế giới ngày 14-3 tiến sát đến ngưỡng 70 USD/thùng.

Theo giới phân tích, giá dầu bị đẩy lên cao do những người đầu cơ mạnh tay mua để đón đầu nhu cầu năng lượng tăng trở lại khi kinh tế thế giới hồi phục. Trước đó đã có nhiều dự báo giá dầu còn tiếp tục tăng trong năm nay. Bank of America cho rằng giá dầu Brent sẽ đạt 70 USD/thùng vào quý 2-2021, trong khi Goldman Sachs dự báo giá sẽ đạt 75 USD/thùng vào quý 3-2021. Cũng có đồn đoán giá dầu có thể vượt 100 USD/thùng vào năm sau đã khiến nhiều người mạnh tay đầu cơ.

Dù vậy, Hãng tin Bloomberg tổng hợp các dự báo cho rằng dầu sẽ duy trì ở mức giá 65 USD cho đến năm 2025. Theo đó, dù OPEC đang duy trì cắt giảm sản lượng dầu, tổ chức này vẫn có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao sau đại dịch.

Tuy vậy, khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC kỳ vọng lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ nằm ở mức trung bình 3%, dưới mức trần 4% theo mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra và điều này tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Một số chuyên gia nhận định, với Việt Nam, áp lực lạm phát không đến do tiền tệ ở trong nước mà chủ yếu do yếu tố giá cả, nhất là "nhập khẩu" lạm phát do giá hàng hóa thế giới tăng và Việt Nam phải nhập nhiều để tiêu thụ và sản xuất.

NGÔ HẠNH - A.H.

Năm 2021, lãi suất VND ra sao? Năm 2021, lãi suất VND ra sao?

TTO - Cuối năm, nhiều người bắt đầu ngồi tính bài toán làm ăn cho năm mới. Câu chuyện đầu tư vào đâu lại nóng lên khi lãi suất tiền gửi quá thấp, chứng khoán thời gian qua đã tăng quá mạnh, trong khi vàng vừa trải qua đợt sốt hồi giữa năm 2020.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên